Những bài học rút ra từ kinh nghiệm điều hành chính sách tỷ giá của các nước đối với Việt Nam

Một phần của tài liệu Khóa luận tốt nghiệp: Một số đề xuất hoàn thiện chính sách tỷ giá hối đoái nhằm thúc đẩy hoạt động xuất khẩu ở Việt Nam (Trang 32)

Từ kinh nghiệm về điều hành chính sách tỷ giá của Hàn Quốc và Trung Quốc đối với nền kinh tế và trong lĩnh vực thương mại quốc tế nói riêng, chúng ta có thể rút ra các bài học sau:

Thứ nhất, kinh nghiệm Hàn Quốc và Trung Quốc trong những năm qua cho thấy muốn điều hành chính sách tỷ giá một cách thành công, chính sách tỷ giá phải được coi là một bộ phận của chính sách tiền tệ, và gắn liền với các biện pháp can thiệp của Chính phủ. Quá trình điều hành chính sách tỷ giá không thể dựa hẳn vào quy luật của thị trường hay sử dụng nhiều biện pháp hành chính. Nếu sử dụng quá nhiều biện pháp hành chính thì quy luật thị trường sẽ bị bóp méo và là một trong những nguyên nhân phát sinh thị trường ngoại hối chợ đen.

Thứ hai, một chính sách tỷ giá linh hoạt cùng với quá trình tự do hóa chính sách tài chính, tiền tệ, thương mại sẽ hạn chế và chống đỡ được các cú sốc của các cuộc khủng hoảng từ bên ngoài.

Thứ ba, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh, các nước có thể dựa vào chiến lược xuất khẩu thông qua chính sách thương mại và chính sách tỷ giá, trong đó tỷ giá đóng vai trò hết sức quan trọng. Có thể nói Hàn Quốc là nước khá thành công trong việc sử dụng công cụ tỷ giá để thực hiện chiến lược công nghiệp hóa đất nước dựa chủ yếu vào xuất khẩu.

Thứ tư, Trung Quốc có quan điểm quản lý thông suốt trong quá trình hội nhập kinh tế thế giới là hướng tới chính sách tự do hóa một cách thận trọng, sẽ không tự do hóa cho đến khi có khả năng quản lí của Nhà nước. Theo các chuyên gia Trung Quốc, khi hoạch định bất kì chính sách kinh tế nào cũng không nên quá phụ thuộc vào ý kiến của IMF, WB mà phải căn cứ vào tình hình cụ thể của đất nước mình.

Thứ năm, qua thực tiễn điều hành chính sách tỷ giá của Trung Quốc có thể thấy: đối với các nước đang phát triển thì việc phá giá đồng tiền trong những

điều kiện cho phép có thể là một giải pháp góp phần tăng trưởng tốt hơn mà phải trả một giá thấp hơn, xét cả trong ngắn hạn lẫn dài hạn. Song phá giá nội tệ có thể đem lại những kết quả tiêu cực ngoài ý muốn như làm tăng mức lạm phát trong nước, gây ra những xáo trộn không nhỏ cho nền kinh tế.

Thứ sáu, để tránh ảnh hưởng do sự biến động thất thường của đồng USD làm gia tăng rủi ro hối đoái, giảm bớt sự lệ thuộc vào đồng USD, nhiều nước đã chuyển sang chế độ tỷ giá được xác định dựa vào “rổ ngoại tệ” kết hợp với sự điều chỉnh bằng việc quản lý và kiểm soát quỹ dự trữ ngoại tệ, có thể lấy Hàn Quốc là một ví dụ điển hình.

Một phần của tài liệu Khóa luận tốt nghiệp: Một số đề xuất hoàn thiện chính sách tỷ giá hối đoái nhằm thúc đẩy hoạt động xuất khẩu ở Việt Nam (Trang 32)