MỘT SỐ ĐỀ XUẤT HOÀN THIỆN CHÍNH SÁCH TỶ GIÁ NHẰM THÚC ĐẨY HOẠT ĐỘNG XUẤT KHẨU Ở VIỆT NAM
3.1.1 Mục tiêu chính sách tỷ giá của Việt Nam
3.1.1.1 Chính sách tỷ giá phải góp phần ổn định giá cả, ổn định thị trường tiền tệ và thị trường vốn trong nước
Tỷ giá đóng vai trò là công cụ quan trọng trong cạnh tranh thương mại giữa các nước. Một sự thay đổi dù nhỏ của tỷ giá đều ảnh hưởng tới giá cả, tới mọi hoạt động kinh tế trong và ngoài nước. Song quy mô nền kinh tế Việt Nam nhỏ, mức độ mở cửa trung bình, mức độ đa dạng hóa cơ cấu xuất khẩu còn thấp, mức độ phát triển kinh tế, tài chính thấp nhưng mức độ đô la hóa nền kinh tế tương đối cao, tỷ lệ lạm phát trong những năm gần đây khá cao, thế giới đang có những biến động phức tạp, giá dầu trên thế giới tăng cao...tất cả đều ảnh hưởng đến mức độ linh hoạt trong cơ chế điều hành tỷ giá. Việt Nam chủ trương hoàn thiện cơ chế tỷ giá theo hướng vừa linh hoạt trong ngắn hạn, vừa ổn định trong dài hạn, góp phần ổn định thị trường tiền tệ và thị trường vốn.
3.1.1.2 Chính sách tỷ giá phải kích thích xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế
Hoạt động ngoại thương, đặc biệt là hoạt động xuất khẩu có tác động quan trọng đến phát triển kinh tế. Xuất khẩu càng phát triển, càng có điều kiện mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm và tăng khả năng cung cấp các nguồn lực khan hiếm cho nền kinh tế, nâng cao năng lực sản xuất trong nước, tạo công ăn việc làm, cải thiện đời sống nhân dân. Ngày nay, vấn đề mở rộng và phát triển ngoại thương không chỉ là vấn đề tất yếu mà còn có vai trò quyết định đến quá trình tăng trưởng bền vững nền kinh tế của một đất nước. Điều này càng có vai trò quan trọng đối với các nước đang phát triển, đang trong quá trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền kinh tế, vì vậy việc lựa chọn và điều hành chính
sách tỷ giá có khả năng khai thác tối ưu những lợi ích của xuất khẩu là điều hết sức quan trọng đối với quá trình phát triển kinh tế của các nước hiện nay.
3.1.1.3 Chính sách tỷ giá phải đảm bảo cân bằng bên trong và bên ngoài đối với nền kinh tế
Chính sách tỷ giá còn bị tác động bởi mục tiêu của các chính sách kinh tế - tài chính của một quốc gia trong từng thời kì nhất định. Trên thế giới, hầu hết các chính phủ đều tác động trực tiếp hay gián tiếp đến tỷ giá hối đoái. Mức độ tác động đến tỷ giá của các yếu tố này phụ thuộc vào sự biến động của môi trường kinh tế vĩ mô trong từng thời kì nhất định: mục tiêu của chính sách tiền tệ trong từng thời kì, sự tác động của nền kinh tế toàn cầu, thực trạng của nền kinh tế... Có bao nhiêu mục tiêu cần đạt được thì cần bấy nhiêu công cụ áp dụng. Và Chính phủ tác động đến tỷ giá thông qua chính sách tỷ giá để đạt được các mục tiêu này.