MỘT SỐ ĐỀ XUẤT HOÀN THIỆN CHÍNH SÁCH TỶ GIÁ NHẰM THÚC ĐẨY HOẠT ĐỘNG XUẤT KHẨU Ở VIỆT NAM
3.3.1 Kiến nghị với Chính phủ
3.3.1.1 Về việc loại bỏ thị trường ngoại hối chợ đen
Sự tồn tại của thị trường ngoại hối chợ đen hiện nay là hậu quả của sự thiếu đồng bộ, kém hiệu quả của các chính sách quản lý kinh tế vĩ mô; sự phát triển mạnh mẽ của nạn buôn lậu cả về quy mô và mức độ; sự yếu kém của hệ thống ngân hàng…Loại bỏ thị trường này là điều không đơn giản khi các nguyên nhân làm nó hình thành vẫn đang tồn tại. Tuy nhiên, kiểm soát và tiến tới loại bỏ thị trường này là việc làm cần thiết để ổn định và lành mạnh hóa thị trường tiền tệ trong tương lai.
Thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24/2/2011 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, trong thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp cùng các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định về thu đổi ngoại tệ, kinh doanh vàng. Thị trường ngoại tệ tự do, sau hàng loạt động thái mạnh tay từ cơ quan chức năng, đã lặng sóng.
Tuy vậy, để xoá bỏ thị trường ngoại tệ tự do, giảm dần tình trạng đô la hoá trong nền kinh tế cần có những giải pháp đồng bộ, toàn diện nhằm nâng cao tính chuyển đổi của đồng tiền Việt Nam. Trước mắt, cùng với việc tăng cường kiểm tra, xử lý các hoạt động kinh doanh ngoại tệ trái phép, hệ thống ngân hàng cần đáp ứng kịp thời các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của người dân (đi học tập, du lịch, chữa bệnh ở nước ngoài…). Nếu nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của người dân không được đáp ứng kịp thời, đầy đủ, thị trường ngoại tệ tự do, dưới các hình thức khác nhau, sẽ có điều kiện hoạt động trở lại. Ngân hàng Nhà nước cần có giải pháp cụ thể để chuyển dần quan hệ huy động-cho vay bằng ngoại tệ sang quan hệ mua-bán ngoại tệ, như thu hẹp đối tượng được vay bằng ngoại tệ, tăng mạnh tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với tiền gửi bằng ngoại tệ của khách hàng tại TCTD…Khi tỷ lệ dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ tăng, lãi suất huy động tiền gửi ngoại tệ của TCTD sẽ giảm, và nếu lạm phát được kiểm soát, tỷ giá mua ngoại tệ của các TCTD hợp lý, thì một lượng lớn ngoại tệ trong dân sẽ được bán lại cho các TCTD. Lợi ích đối với hệ thống ngân hàng và nền kinh tế khi đó là rất lớn.
3.3.1.2 Về việc thiết lập đồng tiền chung khu vực
Bên cạnh những nổ lực trong nước, Việt Nam cần dựa vào sức mạnh của khối ASEAN để phát triển nền kinh tế và tạo vị thế riêng cho mình. Trong những năm vừa qua, các nước Đông Nam Á cùng với Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc đang đẩy nhanh tiến trình hòa nhập tài chính-tiền tệ trong khu vực mà bước đầu là thiết lập Quỹ tiền tệ Chấu Á. Nếu dự án này được thực hiện, việc thiết lập một hệ thống tiền tệ chung phục vụ cho các giao dịch nội bộ khối là việc làm đầy khả thi. Điều này có ý nghĩa quan trọng trong việc cũng cố vị thế đồng tiền Việt Nam trên thương trường quốc tế. Sự phối hợp chặt chẽ giữa lợi ích khu vực với các chính sách trong nước sẽ làm gia tăng sức manh đồng Việt Nam trong một tương lai không xa.
3.3.1.3 Về việc nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng xuất khẩu
Xuất khẩu từ lâu đã được đánh giá quá cao trong sự đóng góp của nó đối với nền kinh tế, nhập khẩu thường bị nhìn nhận một cách phiến diện trong tầm nhìn chính sách, nhưng trớ trêu ở chỗ, giá trị nhập khẩu luôn lớn hơn giá trị xuất khẩu, còn xuất khẩu vẫn quanh quẩn ở chổ xuất khẩu các sản phẩm thô.
Sự yếu kém trong cạnh tranh quốc tế rất dễ đưa đến chính sách bảo hộ công nghiệp cực đoan mà kết cục sẽ làm khả năng cạnh tranh càng yếu kém và nền kinh tế càng tồi tệ hơn.
Xét từ góc độ nâng cao năng lực cạnh tranh hàng xuất khẩu, muốn có được năng lực cạnh tranh trong dài hạn, đủ khả năng đảm bảo các mục tiêu đề ra thì Chính phủ Việt Nam cần chuyển dịch cơ cấu từ những ngành hàng dựa trên lợi thế cạnh tranh tĩnh là chủ yếu sang những ngành hàng có lợi thế cạnh tranh động với sản phẩm có hàm lượng tri thức và công nghệ cao. Chính phủ cần hoạch định một chiến lược cạnh tranh trong dài hạn, thích ứng được với thị trường nhiều biến động và cạnh tranh có tính quốc tế làm một yếu tố có tính then chốt đảm bảo cho khả năng canh tranh trong dài hạn.
3.3.1.4 Về khả năng chuyển đổi của VND
Để nâng cao giá trị đồng bản tệ, cũng cố hoạt động quản lý ngoại hối, Chính phủ nên thực hiện việc tự do chuyển đổi VND; trước mắt là trong các giao dịch vãng lai. Khi nền kinh tế tương đối ổn định, quỹ dự trữ ngoại tệ dồi dào, Chính phủ nên tiến hành tiến hành tự do chuyển đổi tiền tệ trong các giao dịch vốn và sau đó mở rộng ra các giao dịch khác.
Cụ thể: thứ nhất, Chính phủ phải có một chính sách vĩ mô hoàn thiện, lành mạnh. Thứ hai, khả năng cạnh tranh của hàng xuất khẩu, của các doanh nghiệp Việt Nam phải được cải thiện. Thứ ba, điều kiện quan trọng kế tiếp trong việc chuyển đổi đồng tiền là phải có đủ lượng ngoại tệ dự trữ. Nguồn ngoại tệ dồi dào, sẵn sàng thoả mãn các các nhu cầu ngoại tệ hợp lý sẽ cũng cố long tin của công chúng vào giá trị đồng bản tệ và là tác nhân quan trọng đẩy nhanh tiến độ
các giải pháp kích thích nền kinh tế như: hiện đại hóa nền sản xuất trong nước, đẩy mạnh tốc độ cổ phần hóa các doanh nghiệp, khuyến khích sản xuất và xuất khẩu những mặt hàng chiến lược, triệt để chống buôn lậu…