XUẤT NHẬP KHẨU CỦA VIỆT NAM
2.3.3 Nguyên nhân
2.3.3.1 Nguyên nhân khách quan
- Do Việt Nam tiến hành đổi mới cơ chế kinh tế chậm nên rất lúng túng trong việc điều hành chính sách kinh tế, đặc biệt là chính sách đối ngoại và chính sách tỷ giá.
- Việt Nam tiếp thu kinh nghiệm đổi mới cơ chế điều hành chính sách tỷ giá của các nước tương đồng như Việt Nam chưa được tốt. Xuất phát điểm cũng là nước đang phát triển, cũng trong quá trình chuyển đổi, song Trung Quốc đã có những bước đi mạnh dạn, linh hoạt khi điều hành chính sách tỷ giá và đã rất thành công; giờ đây, Trung Quốc đã trở thành một cường quốc kinh tế với tốc độ phát triển cao nhất thế giới. Đây là một trong những bài học Việt Nam cần tiếp thu.
- Thị trường ngoại hối phát triển còn chậm, doanh số còn quá nhỏ, cung ngoại tệ không đủ đáp ứng nhu cầu ngoại tệ, tỷ giá chưa được xác định theo quan
hệ cung cầu, từ đó ảnh hưởng tới giá hàng hóa xuất khẩu tính bằng ngoại tệ, giá hàng hóa nhập khẩu tính bằng nội tệ, làm giảm sức cạnh tranh thương mại quốc tế của Việt Nam.
- Khả năng cạnh tranh của hàng xuất khẩu từ nội địa còn hạn chế; thị trường xuất nhập khẩu chưa được mở rộng, xu hướng gia tăng sử dụng các hàng rào kỹ thuật nhằm bảo hộ sản xuất trong nước của các quốc gia cũng là nhân tố làm hạn chế sự tác động của tỷ giá đến xuất nhập khẩu và đến tổng cầu của nền kinh tế.
2.3.3.2 Những nguyên nhân chủ quan
- Nhà nước chưa xây dựng được mục tiêu điều hành chính sách tỷ giá trong dài hạn cũng như trong từng thời kỳ cụ thể do những mục tiêu kinh tế vĩ mô mâu thuẫn nhau: giữa khuyến khích xuất khẩu và ổn định kinh tế, giữa nhập khẩu hàng hóa và nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng xuất khẩu, giữa kìm hãm tốc độ lạm phát và tăng trưởng kinh tế.
- Sự phối hợp giữa các chính sách tỷ giá, chính sách ngoại hối, chính sách tiền tệ chưa tạo ra sự tác động tương hỗ, thuận chiều nên tác động của các chính sách này tới nền kinh tế bị giảm sút. Nhiều khi mục tiêu của các chính sách này còn cách xa nhau, có khi trái ngược nhau trong nội dung cụ thể liên quan tới điều hành tỷ giá. Ví dụ như qua phân tích thực tiễn diễn biến của tỷ giá trong thời gian qua ta thấy rằng việc dùng tỷ giá để kiềm chế lạm phát, che dấu sự mất giá của VND chỉ đem lại sự giảm sút trong sức cạnh tranh thương mại quốc tế của Việt Nam trên cả thị trường trong nước và quốc tế, hàng xuất khẩu gặp khó khăn hơn còn hàng nhập khẩu thì không kiểm soát được, VND không vì thế mà ổn định.
- Do dự trữ ngoại hối còn mỏng, và sự can thiệp của NHNN vào thị trường ngoại hối thường diễn ra chậm, do đó đã hạn chế hiệu quả của hành động can thiệp, làm cho tình hình cung cầu ngoại tệ thường xuyên căng thẳng.
- Sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước ở tầm vĩ mô còn chưa đồng bộ nên ít nhiều ảnh hưởng đến nền kinh tế.