Kinh nghiệm của Hàn Quốc

Một phần của tài liệu Khóa luận tốt nghiệp: Một số đề xuất hoàn thiện chính sách tỷ giá hối đoái nhằm thúc đẩy hoạt động xuất khẩu ở Việt Nam (Trang 31)

Để có được một Hàn Quốc như ngày nay, Chính phủ Hàn Quốc đã áp dụng hàng loạt các biện pháp nhằm quản lý, điều tiết nền kinh tế, trong đó đặt trọng tâm là hướng về xuất khẩu.

Chính sách hướng về xuất khẩu: Chính phủ Hàn Quốc đã thực hiện chính sách hướng về xuất khẩu với hai bước đi quan trọng đó là khuyến khích và tăng cường tiết kiệm thông qua việc tăng lãi suất, cải thiện thâm hụt thương mại bằng việc phá giá đồng nội tệ. Bên cạnh đó, Chính phủ Hàn Quốc đã thực hiện hàng loạt biện pháp nhằm hỗ trợ xuất khẩu như giảm thuế nhập khẩu, hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp xuất khẩu một cách hợp lý, ưu đãi về tài chính cho các ngành công nghiệp mũi nhọn, điều chỉnh chế độ tỷ giá linh hoạt, mục tiêu xuất khẩu được cụ thể hóa bởi Chính phủ và khen thưởng, động viên từ Tổng thống Hàn Quốc.

Sau hàng loạt những chính sách của Chính phủ, kết quả đạt được là hết sức khả quan. Hàn Quốc trở thành một trong những quốc gia có tốc độ phát triển kinh tế nhanh nhất thế giới với kim ngạch xuất khẩu tăng từ 41 triệu USD năm 1960 lên 1.048 triệu USD vào năm 1970.

Thành công từ chính sách tỷ giá: Để có được những kết quả trên, Hàn Quốc đã khá thành công trong việc sử dụng công cụ tỷ giá hối đoái để thực hiện công

nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước thông qua chiến lược hướng vào xuất khẩu, cải thiện cán cân thanh toán quốc tế và đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế. Từ thực tiễn thành công của Hàn Quốc, một số kinh nghiệm được rút ra như sau:

Một là, Hàn Quốc là tấm gương kiên nhẫn theo đuổi chính sách phá giá tiền tệ để tăng trưởng xuất khẩu. Đối với một quốc gia phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu các mặt hàng máy móc, nguyên liệu, thiết bị và công nghệ cũng như vay nợ nước ngoài để đầu tư thì việc phá giá tiền tệ có thể làm giảm tăng trưởng do tác động làm cản trở đầu tư lớn hơn khuyến khích xuất khẩu. Tuy nhiên, sự khôn ngoan của Hàn Quốc chính là việc mở rộng xuất khẩu ở quy mô lớn kết hợp với các nhân tố khác làm giảm chi phí nhập khẩu và gánh nặng nợ. Hai là, tỷ giá KRW/USD được điều chỉnh theo hướng giảm giá trị đồng nội tệ trong một thời gian dài song song với quá trình Hàn Quốc chuyển từ chế độ tỷ giá cố định sang thả nổi. Nghệ thuật phá giá tiền tệ ở Hàn Quốc chính là nhờ sử dụng linh hoạt các yếu tố thị trường và chỉ điều chỉnh khi cần thiết: khi USD lên giá, chính phủ để thị trường tự điều tiết, còn khi USD giảm giá, Chính phủ đã tăng cung đồng KRW nhằm có lợi cho xuất khẩu.

Ba là, sau việc phá giá tiền tệ, Hàn Quốc đã có biện pháp thích hợp để loại bỏ khả năng giảm giá kéo dài của nội tệ và sau đó củng cố các nhân tố thị trường khác giúp cho tỷ giá duy trì ở mức độ ổn định. Sự ổn định của tỷ giá KRW/USD đạt được là do Chính phủ Hàn Quốc đã duy trì được một biên độ dao động ổn định suốt trong thời gian dài.

Bốn là, không nên neo giữ đồng bản tệ với một ngoại tệ mạnh. Kinh nghiệm từ cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ châu Á cho thấy, một trong những nguyên nhân quan trong gây ra khủng hoảng trong giai đoạn đó là các nước trong khu vực neo giữ tỷ giá đồng bản tệ với ngoại tệ duy nhất là USD.

Một phần của tài liệu Khóa luận tốt nghiệp: Một số đề xuất hoàn thiện chính sách tỷ giá hối đoái nhằm thúc đẩy hoạt động xuất khẩu ở Việt Nam (Trang 31)