Định hướng điều hành chính sách tỷ giá hối đoái tại Việt Nam

Một phần của tài liệu Khóa luận tốt nghiệp: Một số đề xuất hoàn thiện chính sách tỷ giá hối đoái nhằm thúc đẩy hoạt động xuất khẩu ở Việt Nam (Trang 69)

MỘT SỐ ĐỀ XUẤT HOÀN THIỆN CHÍNH SÁCH TỶ GIÁ NHẰM THÚC ĐẨY HOẠT ĐỘNG XUẤT KHẨU Ở VIỆT NAM

3.1.2 Định hướng điều hành chính sách tỷ giá hối đoái tại Việt Nam

Thứ nhất, xuất phát từ đặc thù của Việt Nam vẫn đang là một nước nhập siêu, các doanh nghiệp trong nước có nhu cầu nhập khẩu rất lớn về máy móc, trang thiết bị, công nghệ và quản lý cũng như về các loại hàng hoá trong nước chưa sản xuất được, do vậy, để giữ được mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao và ổn định trong giai đoạn hiện nay, cần tiếp tục duy trì cơ chế tỷ giá thả nổi có điều tiết và thực hiện chính sách định giá nội tệ cao (chính sách tỷ giá thấp) thông qua can thiệp bằng các biện pháp trực tiếp và gián tiếp để tốc độ tăng tỷ giá danh nghĩa nhỏ hơn tốc độ tăng tỷ giá thực nhằm khuyến khích đầu tư trực tiếp, gián tiếp từ nước ngoài. Mặt khác, cần nâng cao chi tiêu của Chính phủ vào kết cấu hạ tầng, giao thông và hỗ trợ đào tạo, quảng bá doanh nghiệp và sản phẩm trong nước nhằm đẩy mạnh phát triển sản xuất hàng hoá nội địa hướng mạnh vào thay thế hàng nhập khẩu, qua đó hạn chế nhập khẩu hàng tiêu dùng, tạo thêm công ăn việc làm, đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế và chuẩn bị các yếu tố cho một nền sản xuất hướng tới xuất khẩu. Trong giai đoạn này, cần đẩy mạnh tự do hóa các giao dịch vãng lai, nới lỏng hơn các giao dịch vốn, để từng bước biến đồng Việt Nam

thành đồng tiền chuyển đổi, khuyến khích các luồng kiều hối chuyển về nước đồng thời điều chỉnh dần phương pháp xác định lạm phát theo thông lệ quốc tế, từ đó chủ động kiểm soát và giữ cho lạm phát ở mức ổn định làm cơ sở cho việc định hướng điều hành chính sách tỷ giá ở giai đoạn tiếp theo.

Thứ hai, khi nền kinh tế đã qua giai đoạn quá độ, trở thành một nền kinh tế thị trường đủ mạnh, dựa vào thực lực, ít phụ thuộc vào nhập khẩu và bước đầu hội đủ các điều kiện cho một sự bứt phá về xuất khẩu sẽ thực hiện chính sách định giá nội tệ thấp hay phá giá nội tệ (chính sách tỷ giá cao) nhằm khuyến khích xuất khẩu hàng hoá và dịch vụ, tạo công ăn việc làm cho các ngành sản xuất nội địa phục vụ xuất khẩu, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong nước, từng bước cải thiện cán cân ngoại thương và cán cân thanh toán, nâng cao dự trữ ngoại tệ, tập trung thanh toán nợ nước ngoài. Mặt khác, làm tốt sự phối hợp giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khoá trong việc áp dụng các biện pháp phù hợp nhằm kiểm soát lạm phát, hạn chế dòng chu chuyển vốn đầu tư chảy ra, tránh tác động xấu đến tăng trưởng kinh tế trong nước và đạt được cân bằng cán cân thanh toán.

Thứ ba, khi đã cơ bản đạt được cân bằng bên ngoài, cần thực hiện quản lý chặt chẽ chính sách tài khoá, tiết giảm hợp lý chi tiêu của Chính phủ để hạ thấp mức lạm phát do hệ quả của việc định giá thấp nội tệ (phá giá nội tệ) trước đó nhằm đảm bảo được sự cân bằng hợp lý giữa bên ngoài và bên trong. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh việc điều chỉnh biên độ tỷ giá cho phù hợp với cung - cầu trên thị trường, tiến tới thả nổi hoàn toàn tỷ giá nhằm đảm bảo phù hợp với thông lệ quốc tế và định hướng điều hành chính sách tiền tệ hướng đến lạm phát mục tiêu.

Một phần của tài liệu Khóa luận tốt nghiệp: Một số đề xuất hoàn thiện chính sách tỷ giá hối đoái nhằm thúc đẩy hoạt động xuất khẩu ở Việt Nam (Trang 69)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(96 trang)
w