MỘT SỐ ĐỀ XUẤT HOÀN THIỆN CHÍNH SÁCH TỶ GIÁ NHẰM THÚC ĐẨY HOẠT ĐỘNG XUẤT KHẨU Ở VIỆT NAM
3.2.1 Hoàn thiện cơ chế điều hành tỷ giá
Các quốc gia trên thế giới rất quan tâm đến việc quản lý, lựa chọn cơ chế hay chính sách tỷ giá hối đoái phù hợp nhằm phát huy tính hiệu quả trong việc ổn định thị trường tài chính và nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hoá trong
nước đối với hàng hoá nước ngoài. Đối với Việt Nam, việc lựa chọn một chính sách tỷ giá hối đoái thích hợp cũng đã và đang là vấn đề được quan tâm, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế tăng trưởng có nhiều dấu hiệu chưa bền vững và tình hình lạm phát gia tăng.
Từ năm 2007, Việt Nam chính thức trở thành thành viên của WTO. Một biểu hiện rõ nét nhất ngay sau khi hội nhập, đó là dòng vốn nước ngoài chảy vào nhiều, áp lực lạm phát gia tăng. Cũng như hầu hết các nước khi mở cửa hội nhập, Việt Nam đang phải đối mặt với hiện tượng “Bộ ba bất khả thi”. Đó là, khi dòng vốn nước ngoài vào nhiều, để ổn định tỷ giá NHNN mua ngoại tệ, qua đó gây áp lực lạm phát. Việc kiểm soát dòng vốn, theo qui định của Pháp lệnh Ngoại hối, thì Việt Nam đã tự do hóa giao dịch vãng lai, còn các giao dịch vốn chưa được tự do hoàn toàn nhưng đã nới lỏng một cách tương đối. Theo lý thuyết này, với một tài khoản vốn mở, một quốc gia không thể đạt được cùng một lúc 2 mục tiêu: ổn định lạm phát và ổn định tỷ giá (tỷ giá mục tiêu). Các nỗ lực tăng lãi suất để làm giảm áp lực lạm phát thì đồng thời cũng làm tăng khả năng hút các nguồn vốn từ bên ngoài. Vì vậy, tỷ giá lại được nâng lên, nhưng điều này lại làm suy yếu mục tiêu của các Ngân hàng Trung ương về tỷ giá hối đoái. Tác động hai chiều ngược nhau của chính sách này đã tác động mạnh trong môi trường hiện tại. Đối với các nền kinh tế mới nổi, nơi mà thị trường tài chính và tiền tệ còn kém phát triển, thì hiện tượng bộ ba bất khả thi là vấn đề đặc biệt nghiêm trọng.
Vậy cơ chế điều hành tỷ giá nào phù hợp với tình hình kinh tế và mức độ phát triển thị trường tài chính hiện nay của Việt Nam?
NHNN cần tiếp tục điều hành tỷ giá theo hướng linh hoạt, trong đó tỷ giá VND cần được xác định theo một rổ tiền tệ chủ chốt, không nên neo VND theo USD. Cơ chế tỷ giá neo chặt vào USD có thể phát huy tác dụng trong giai đoạn chịu sự tác động của khủng hoảng tài chính thế giới. Điều này đã được chứng minh khi Trung Quốc, Venezuela đều đã thay đổi chế độ tỷ giá từ linh hoạt sang neo với USD trong cuộc khủng hoảng 2007 – 2009 và đã đem lại những tác động tích cực giúp nền kinh tế phục hồi nhanh. Tuy nhiên hiện nay, có thể tạm thời
khẳng định Việt Nam đã thoát khỏi “ bóng đen” của cuộc khủng hoảng nên cơ chế neo với USD có thể gây tác động tiêu cực. Chính vì vậy, một chế độ tỷ giá linh hoạt dựa trên một rổ tiền tệ như chế độ tỷ giá BBC (Basket - Band – Crawl) có thể sẽ là một sự lựa chọn tối ưu hơn cho Việt Nam trong bối cảnh kinh tế hiện nay.
Đặc điểm của chế độ tỷ giá BBC:
- Tỷ giá được xác định dựa trên một rổ tiền tệ, mỗi một quốc gia khi thực hiện chế độ tỷ giá này phải lựa chọn rổ tiền tệ tối ưu. Thực tế để lựa chọn được rổ tiền tệ tối ưu các nước thường căn cứ vào tỷ trọng thương mại quốc tế của các nước bạn hàng với quốc gia đó, khác với lý thuyết là dựa vào hệ số co dãn thương mại.
- Chế độ tỷ giá BBC thường duy trì một biên độ dao động rộng, có thể lên tới 10% , thậm chí 15%. Với biên bộ dao động rộng NHNN không rơi vào tình huống khó xử khi phải cố gắng bảo vệ một tỷ giá không cân bằng; Chính phủ sẽ dễ dàng đối phó với luồng vốn từ bên ngoài vào trong khi khả năng không đáp ứng được.
- Chế độ tỷ giá BBC được điều chỉnh định kỳ, các nước có thể công khai hoặc không công khai tỷ lệ điều chỉnh, nó tuỳ thuộc vào mục tiêu kinh tế trong từng giai đoạn cụ thể của nước đó. Do có việc điều chỉnh định kỳ nên với chế độ tỷ giá này đã làm mất chênh lệch về lãi suất và lạm phát giữa các nước.
Với đặc điểm nêu trên chế độ tỷ giá BBC có ưu điểm:
- Do việc xác định tỷ giá dựa trên rổ tiền tệ nên tỷ giá ổn định, không bị lệ thuộc vào một đồng tiền, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu đa dạng hoá ngoại tệ trong giao dịch thương mại tránh được rủi ro do tỷ giá gây ra.
- Khi có lạm phát cao hơn các nước bạn hàng thì với chế độ tỷ giá BBC thì tỷ giá thực không chịu tác động giúp duy trì và cải thiện sức cạnh tranh thương mại của mỗi quốc gia vì với biên độ dao động rộng.
- Ngoài ra, duy trì chế độ tỷ giá BBC giúp cho NHNN có chính sách tiền tệ độc lập và tránh được những cú sốc từ bên ngoài như giá cả, đầu tư từ nước ngoài,…
Việt Nam hiện nay được không?
Ngày 25/2/1999, cơ chế tỷ giá của Việt Nam được cải cách đáng kể, NHNN bãi bỏ việc công bố tỷ giá chính thức và thay thế bằng việc thông báo tỷ giá giao dịch bình quân liên ngân hàng. Các ngân hàng thương mại được xác định tỷ giá mua bán đối với USD không vượt quá +0,1% so với tỷ giá bình quân liên ngân hàng của ngày giao dịch trước đó, sau đó biên độ đã tiếp tục được thay đổi để tạo sự linh hoạt hơn cho chính sách tỷ giá. Ngoài ra, hàng năm NHNN sẽ công bố mục tiêu như là một vật neo danh nghĩa trong điều hành tỷ giá. Có thể thấy B- Band và C- Crawl là hai đặc điểm còn lại mà NHNN đang cố gắng thực hiện
Theo mục 2, Điều 39 Nghị định 160/2006/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Ngoại hối thì cơ chế tỷ giá hối đoái của đồng Việt Nam là cơ chế tỷ giá thả nổi có quản lý do NHNN Việt Nam xác định trên cơ sở rổ tiền tệ của các nước có quan hệ thương mại, vay, trả nợ, đầu tư với Việt Nam phù hợp với mục tiêu kinh tế vĩ mô trong từng thời kỳ. Như vậy, trong bối cảnh kinh tế hiện nay, tỷ giá VND được xác định dựa trên rổ tiền tệ (B- Basket) thay vì chỉ dựa vào USD.
Tóm lại, lựa chọn này sẽ phù hợp hơn trong điều kiện mục tiêu dài hạn của Việt Nam là linh hoạt hóa cơ chế tỷ giá và liên kết chặt chẽ hơn với các đối tác thương mại chính. Đây còn có thể là sự lựa chọn đúng hướng cho cơ chế tỷ giá Việt Nam trong tương lai, khi Việt Nam liên kết chặt chẽ hơn với các nước ASEAN trong một cộng đồng kinh tế chung, trong đó có yêu cầu cố định tỷ giá giữa các nước thành viên nhằm thúc đẩy đầu tư và thương mại nội khối, đồng thời linh hoạt hóa tỷ giá với các nền kinh tế lớn khác nhằm đảm bảo phát triển bền vững, tránh các đổ vỡ tài chính dây chuyền khi hệ thống tỷ giá với việc neo vào một ngoại tệ mạnh không đứng vững trước các biến động thị trường như đã từng xảy ra năm 1997.