Thành phố Hà Nội (mới) sau hợp nhất

Một phần của tài liệu Đổi mới tổ chức chính quyền đô thị qua thực tiễn thành phố Hà Nội (Trang 65)

Trước khi hợp nhất Hà Nội – Hà Tây, huyện Mê Linh và bốn xã của huyện Lương Sơn tỉnh Hoà Bình, thành phố Hà Nội có cơ cấu kinh tế Công nghiệp – Thương mại – Du lịch – Dịch vụ rõ nét. Năm 2006-2007, tỷ trọng công nghiệp trong GDP chiếm 40,85%, dịch vụ chiếm 57,75%, tỷ trọng ngành nông nghiệp chỉ chiếm 1,4% GDP. Trong khi đó, tỷ trọng nông nghiệp trong cơ cấu tổng sản phẩm của tỉnh Hà Tây cũ tuy có giảm một cách tương đối so với tỷ trọng công nghiệp trong GDP, song vẫn chiếm tới 26,70% GDP.

Sau khi hợp nhất, cơ cấu kinh tế của thành phố Hà Nội mới hết sức đa dạng. Đặc biết, so với thành phố Hà Nội cũ, thành phố Hà Nội mới xuất hiện hai vùng kinh tế đặc trưng của nông thôn, miền núi Việt Nam như Phú Xuyên – Thanh Oai – Ứng Hoà (thuần nông), huyện Ba Vì và bốn xã của huyện Lương Sơn tỉnh Hoà Bình (miền núi). Tuy nhiên, xu hướng chuyển dịch theo cơ cấu Công nghiệp – Thương mại – Du lịch - Dịch vụ vẫn là chủ đạo.

Tính chất đa dạng cơ cấu kinh tế của thành phố Hà Nội mới là một trong những nhân tố khách quan tác động đến cơ cấu đội ngũ cán bộ, công chức của thành phố Hà Nội sau hợp nhất.

Sau khi hợp nhất Hà Nội – Hà Tây, thành phố Hà Nội mới đã được mở rộng với diện tích tự nhiên 334.470,02 ha và dân số hiện tại là 6.232.940 người thuộc 5 dân tộc: Kinh, Hoa, Mường, Tày, Dao và Hà Tây (cũ) chủ yếu là người dân tộc Việt (Kinh) chiếm tỷ lệ 99,1%; các dân tộc khác: Dao, Mường, Tày chiếm 0,9%. Năm 2006 cũng trên địa bàn Hà Nội và Hà Tây (cũ) cư dân đô thị chiếm tỷ lệ 41,1% và cư dân nông thôn là 58,1%; tỷ lệ nữ chiếm 50,7% và

nam là 49,3%. Mật độ dân cư bình quân hiện nay trên toàn thành phố là 1.875 người/km2, cư dân sản xuất nông nghiệp khoảng 2,5 triệu người.

Thành phố mới có 29 đơn vị hành chính, bao gồm 10 quận: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Tây Hồ, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Long Biên, Hoàng Mai; Hà Đông; 1 thị xã: Sơn Tây; 18 huyện: Đông Anh, Sóc Sơn, Thanh Trì, Từ Liêm, Gia Lâm (Hà Nội cũ); Ba Vì, Chương Mỹ, Đan Phượng, Hoài Đức, Mỹ Đức, Phú Xuyên, Phúc Thọ, Quốc Oai, Thạch Thất, Thanh Oai, Thường Tín, Ứng Hòa (Hà Tây cũ) và Mê Linh (từ Vĩnh Phúc).

Hà Nội nằm ở đồng bằng Bắc bộ, tiếp giáp với các tỉnh: Thái Nguyên, Vĩnh Phúc ở phía Bắc; phía Nam giáp Hà Nam và Hòa Bình; phía Đông giáp các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh và Hưng Yên, phía Tây giáp tỉnh Hòa Bình và Phú Thọ.

Hà Nội nằm ở phía hữu ngạn sông Đà và hai bên sông Hồng, vị trí và địa thế thuận lợi cho một trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học và đầu mối giao thông quan trọng của Việt Nam.

Hà Nội có hai dạng địa hình chính là đồng bằng và đồi núi. Địa hình đồng bằng chủ yếu thuộc địa phận Hà Nội cũ và một số huyện phía đông của Hà Tây (cũ), chiếm khoảng 3/4 diện tích tự nhiên, nằm bên hữu ngạn sông Đà, hai bên sông Hồng và chi lưu các sông. Phần lớn địa hình đồi núi thuộc địa phận các huyện Sóc Sơn, Ba Vì, Quốc Oai, Mỹ Đức. Một số đỉnh núi cao như Ba Vì: 1.281 m; Gia Dê: 707m; Chân Chim: 462m; Thanh Lanh: 427m; Thiên Trù: 378m; Bà Tượng: 334m; Sóc Sơn: 308m; Nùi Bộc: 245m; Dục Linh: 294m...

Hà Nội nằm cạnh hai con sông lớn ở miền Bắc: sông Đà và sông Hồng. Sông Hồng dài 1.183 km từ Vân Nam (Trung Quốc) xuống. Đoạn sông Hồng qua Hà Nội dài 163 km (chiếm khoảng 1/3 chiều dài trên đất Việt Nam, khoảng 550 km). Ngoài hai con sông lớn, trên địa phận Hà Nội còn có các sông: Đuống, Cầu Cà Lồ, Nhuệ, Tích, Tô lịch, Kim Ngưu, Bùi.

Hồ đầm ở địa bàn Hà Nội có nhiều. Những hồ nổi tiếng ở nội thành Hà Nội như Hồ Tây, Trúc Bạch, Hoàn Kiếm, Thiền Quang, Bảy Mẫu. Hàng chục hồ, đầm thuộc địa phận Hà Nội cũ: hồ Kim Liên, hồ Linh Đàm, đầm Vân Trì... và nhiều hồ lớn thuộc địa phận Hà Tây (cũ): Ngải Sơn - Đồng Mô, Suối Hai, Mào Gù, Xuân Khanh, Tuy Lai, Quan Sơn...

Hà Nội hiện có trên 4.000 di tích và danh thắng, trong đó được xếp hạng quốc gia trên 900 di tích và danh thắng (hàng trăn di tích, danh thắng mới được sáp nhập từ Hà Tây và Mê Linh) với hàng trăm đền, chùa, công trình kiến trúc, danh thắng nổi tiếng.

Hà Nội là một trung tâm du lịch lớn ở Việt Nam. Du khách có dịp khám phá nhiều công trình kiến trúc văn hóa – nghệ thuật xây dựng qua nhiều thế hệ, trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước. Những danh thắng tự nhiên đẹp và quyến rũ; những làng nghề thủ công tồn tại hàng trăm năm; những lễ hội truyền thống – sản phẩm văn hóa kết tinh nhiều giá trị tinh thần... sẽ là những sản phẩm du lịch hấp dẫn.

Sau khi đánh giá lại các nguồn lực của thành phố Hà Nội mới, bối cảnh trong nước và quốc tế, lãnh đạo Thành phố Hà Nội chủ trương:

- Coi trọng chất lượng phát triển, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực có hiệu quả; duy trì kinh tế tăng trưởng ổn định theo hướng bền vững (tăng trưởng nhưng phải gắn kết với bảo vệ môi trường và an sinh xã hội). Chủ động, sáng tạo phát huy tiềm năng, thế mạnh về đất đai, tài nguyên, nguồn nhân lực và về truyền thống văn hóa lịch sử của Thủ đô mở rộng để phát triển kinh tế xã hội có hiệu quả, bền vững. Tiếp tục triển khai có hiệu quả 9 chương trình công tác, 5 nhiệm vụ trọng tâm và 2 khâu đột phá theo Nghị quyết của Thành ủy trong tình hình mới. Đồng thời tích cực triển khai các nhiệm vụ trong chương trình tiến tới kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội và coi đây là nhiệm vụ cấp bách được tập trung đến năm 2010. Phát triển đô thị trên cơ sở đẩy

nhanh tiến trình lập, rà soát, điều chỉnh quy hoạch là nhiệm vụ trọng tâm về quản lý và phát triển đô thị; Chú trọng nâng cao điều kiện hạ tầng các vùng còn khó khăn, vùng sâu, vùng xa của Thủ đô. Phát triển giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội toàn diện và có chất lượng. Phát triển kinh tế – xã hội gắn kết chặt chẽ với xây dựng và giữ vững an ninh, quốc phòng của Thủ đô; nâng cao vai trò, vị thế của Hà Nội với trong nước và quốc tế.

- Triển khai thực hiện tốt Nghị quyết của Quốc hội về mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, tập trung thực hiện các giải pháp kiềm chế lạm phát, duy trì tăng trưởng kinh tế hợp lý và đảm bảo an sinh xã hội. Thủ đô Hà Nội có bước phát triển đồng bộ và từng bước hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị (nhất là hạ tầng kỹ thuật về giao thông, điện, nước) theo quy hoạch. Cơ cấu kinh tế Thủ đô tiếp tục chuyển dịch theo hướng: Dịch vụ – Công nghiệp – Nông nghiệp; xây dựng Hà Nội thành trung tâm thị trường hàng hóa bán buôn, xuất – nhập khẩu, trung tâm tài chính - ngân hàng hàng đầu ở khu vực phía Bắc và có vai trò quan trọng của cả nước. Hà Nội đi đầu trong công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; xây dựng vành đai màu xanh, rau sạch để phục vụ đời sống và bảo đảm môi trường. Nâng cao đời sống vật chất, văn hóa và tinh thần của nhân dân; nâng cao chất lượng giáo dục, y tế, các bản sắc văn hóa. Hà Nội phát triển mạnh kinh tế tri thức, đi đầu trong đào tạo nhân tài và nguồn nhân lực chất lượng cao, phấn đấu trở thành một trung tâm đào tạo có uy tín ở khu vực Đông Nam Á. Xây dựng và củng cố chính quyền, đội ngũ cán bộ công chức có năng lực, trình độ, phẩm chất vững mạnh. Giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, củng cố nền quốc phòng toàn dân, xây dựng khu vực phòng thủ vững mạnh. Xây dựng nền tảng vật chất kỹ thuật và văn hóa của Thủ đô XHCN giàu đẹp, văn minh, hiện đại.

- Trên cơ sở 9 chỉ tiêu chính Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội và 15 chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Tây đã đề ra, với những dự báo về tình hình

chính trị, kinh tế quốc tế và trong nước, thực tế của Thủ đô sau khi mở rộng địa giới hành chính, thành phố Hà Nội xác lập một số chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2006 - 2010 và đến năm 2010 như sau:

a/ Về phát triển kinh tế:

- Tăng trưởng GDP trung bình giai đoạn 2006-2010 trên địa bàn: 11- 12%/năm; trong đó giá trị tăng thêm trong lĩnh vực công nghiệp – xây dựng: 14- 15%; dịch vụ: 10-11%; nông – lâm – ngư nghiệp: 1,5-2,5%. Cơ cấu kinh tế: Công nghiệp – xây dựng: 41,5-42,0%; dịch vụ: 52-52,5%; nông nghiệp: 5,5-6,5%;

- GDP bình quân/người cuối năm 2010: 30-31 triệu đồng (1.800-1.850 USB); - Huy động vồn đầu tư xã hội giai đoạn 2006-2010: 410-415 nghìn tỷ đồng; - Tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu bình quân: 27,0 - 27,5%/năm.

b/ Về phát triển văn hóa – xã hội

- Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên bình quân: 1,1% - 1,15%/năm; - Tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2010: 50 - 55%;

- Giảm tỷ lệ hộ nghèo năm 2010 còn 12,5% (theo chuẩn mới dự kiến của Hà Nội: Thành thị -500.000 đồng, nông thôn 330.000 đồng; nếu theo chuẩn quốc gia mới dự kiếm sẽ là 8,5%);

- Tỷ lệ thanh niên trong độ tuổi đạt trình độ trung học phổ thông và tương đương năm 2010: 80%;

- Tỷ lệ xã, phường đạt chuẩn quốc gia về y tế năm 2010: 90%.

c/ Về quản lý đô thị và môi trường:

- Diện tích nhà ở đô thị bình quân đầu người năm 2010: 8 - 8,5% m2; - Cung cấp nước đảm bảo vệ sinh cho trên 95% dân số đô thị, 85% dân số nông thôn.

Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu và chỉ tiêu nêu trên, lãnh đạo thành phố Hà Nội chủ trương tập trung thực hiện một số giải pháp như sau:

- Triển khai thực hiện tốt Nghị quyết của Quốc hội về việc mở rộng địa giới hành chính; đổi mới mạnh mẽ trong tổ chức bộ máy, công tác cán bộ và xây dựng chính quyền vững mạnh; đẩy mạnh cải cách hành chính;

- Đổi mới, nâng cao chất lượng và đẩy nhanh tiến độ công tác quy hoạch phát triển đô thị, hạ tầng nông thôn Thủ đô; tăng cường kỷ cương trong quản lý đô thị; nâng cao hiệu quả công tác quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường;

- Duy trì mức tăng trưởng kinh tế ổn định, đảm bảo chất lượng, bền vững và hiệu quả;

- Phát triển mạnh các lĩnh vực văn hóa – xã hội, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội;

- Củng cố, nâng cao tiềm lực quốc phòng và an ninh; tăng cường kỷ cương kỷ luật trong xã hội; mở rộng đối ngoại và hợp tác phát triển.

Một phần của tài liệu Đổi mới tổ chức chính quyền đô thị qua thực tiễn thành phố Hà Nội (Trang 65)