b/ Đối với bộ máy hành chính cấp huyện:
3.2. Các giải pháp cụ thể 1 Xây dựng Luật Thủ đô
Pháp lệnh Thủ đô (số 29/2000/PL-UBTVQH 10) được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua ngày 28 tháng 12 năm 2000, có hiệu lực từ ngày 03
tháng 02 năm 2001. Qua 8 năm thực hiện, Pháp lệnh đã đóng góp một phần quan trọng vào việc xây dựng Thủ đô Hà nội với tầm vóc và vị trí như ngày hôm nay, đặc biệt là giúp cho các cấp, ngành trong việc định hướng xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển. Trong 8 năm qua, Thành phố đã có những thay đổi và đạt được những thành tựu mang tính bước ngoặt, đột phá, trong một tầm nhìn rộng lớn hơn cả về không gian (bối cảnh hội nhập quốc tế) và thời gian (bề dày lịch sử cũng như tầm vóc phát triển trong tương lai). Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đã phát sinh một số bất cập gây ảnh hưởng rất nhiều đến việc đạt được các mục tiêu xây dựng và phát triển thủ đô mà Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 15/12/2000 của Bộ Chính trị cũng như Pháp lệnh Thủ đô đã đề ra. Trước hết là do hình thức của văn bản pháp luật về Thủ đô còn chưa cao (Pháp lệnh), bị ràng buộc bởi tất cả các văn bản luật có liên quan nên về mặt nội dung, Pháp lệnh Thủ đô mới chỉ dừng lại ở việc đặt ra các mục tiêu, phương hướng, chính sách xây dựng và phát triển Thủ đô mà chưa tạo được cơ sở pháp lý cho việc thực hiện. Nói một cách khác, Pháp lệnh Thủ đô chưa thực sự thể chế hóa được đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước trong việc xây dựng và phát triển Thủ đô. Nội dung của Pháp lệnh vẫn mang nặng tính chất của một nghị quyết và thực sự so với nội dung của Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 15 tháng 12 năm 2000 của Bộ Chính trị thì nội dung của Pháp lệnh Thủ đô chưa thoát ra khỏi sự sao chép, trích dẫn.
Mặt khác, từ khi Pháp lệnh Thủ đô được thông qua và triển khai thực hiện đến nay, tình hình của đất nước nói chung và Thành phố nói riêng đã có nhiều thay đổi mà sự kiện gần đây nhất là việc Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 15/2008/QH12 ngày 29 tháng 5 năm 2008 về mở rộng địa giới hành chính thành phố Hà Nội. Thực tiễn đó đòi hỏi một số mục tiêu, phương hướng xây dựng và phát triển Thủ đô cũng phải được xác định lại cho phù hợp với vị trí và vai trò mới của Thủ đô.
Vì các lý do cơ bản nêu trên, cho thấy việc nâng Pháp lệnh Thủ đô lên thành Luật Thủ đô là rất cần thiết để có thể tạo cơ sở pháp lý sát với thực tiễn hơn, tạo thuận lợi cho việc giải quyết các vấn đề lớn của Thành phố trong việc tiếp tục xây dựng thành phố Hà Nội xứng tầm với vị trí Thủ đô của một đất nước trong điều kiện đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã họi và tăng cường hội nhập như hiện nay.
Khi xây dựng Dự án Luật Thủ đô cần chú ý một số vấn đề trọng yếu sau: - Xác định lại một số mục tiêu phát triển kinh tế, giáo dục, khoa học và công nghệ, văn hóa – xã hội của Thủ đô, bảo đảm phù hợp hơn trong tình hình mới. Đặc biệt là các mục tiêu về phát triển kinh tế, hạ tầng kỹ thuật và môi trường;
- Bổ sung rõ nét hơn mục tiêu bảo tồn và xây dựng các giá trị tinh thần tiêu biểu, đặc trưng cho Thủ đô. Đặc biệt là vấn đề “xây dựng người Hà Nội văn minh, thanh lịch, hiện đại, tiêu biểu cho tinh thần yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội và phong cách lao động sáng tạo của con người Việt Nam”;
- Bổ sung và hoàn thiện các thiết chế cần thiết để tăng cường hiệu quả của công tác quản lý nhà nước ở các cấp, các ngành, các lĩnh vực.
Trong ba vấn đề trên, vấn đề thứ ba mang tính thiết thực nhất (đòi hỏi của thực tiễn) và cũng là nhân tố đóng vai trò quyết định trong việc luật hóa các yêu cầu mang tính đặc thù phát sinh trong quá trình xây dựng, phát triển Thủ đô, nhằm hoàn thành các mục tiêu xây dựng và phát triển Thủ đô nói chung cũng như của Luật Thủ đô sau khi được ban hành nói riêng.
Dự án Luật Thủ đô cần được xây dựng theo các nguyên tắc cơ bản sau: Một mặt, phải tạo ra được cơ sở pháp lý hữu hiệu bảo đảm một “nền hành chính thông suốt từ Trung ương đến cơ sở”. Điều đó có nghĩa là phải bảo đảm được sự chỉ huy, chỉ đạo, điều hành nhanh nhạy, chính xác, kịp thời từ Chính phủ đến thành phố, quận, huyện, phường, xã, không để xảy ra hiện tượng “nhà nước trung ương”, “nhà nước địa phương”; xử lý dứt điểm tình
trạng đùn đẩy, thiếu thống nhất giữa cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành với cơ quan quản lý nhà nước theo lãnh thổ.
Mặt khác, phải xác định được một cách rõ ràng, đầy đủ các nguyên tắc nhằm đẩy mạnh việc phân cấp quản lý nhà nước cho chính quyền cơ sở (quận, huyện, phường, xã).
Đồng thời để tăng cường hiệu quả của việc quản lý nhà nước bằng pháp luật, Dự án Luật Thủ đô cũng cần phải tạo ra được cơ chế nhằm tăng cường hiệu quả của việc xử lý các hành vi vi phạm pháp luật (xử phạt vi phạm hành chính), đáp ứng được yêu cầu quản lý của Thủ đô.