Thành phố thủ đô Tokyo (Nhật Bản)

Một phần của tài liệu Đổi mới tổ chức chính quyền đô thị qua thực tiễn thành phố Hà Nội (Trang 41)

a. Khái quát về các đơn vị hành chính địa phương tại Nhật Bản

Về mặt hành chính, Nhật Bản được chia thành các đơn vị hành chính lãnh thổ với hai loại: Đơn vị hành chính thông thường, và đơn vị hành chính đặc biệt. Thành phố Tokyo và mỗi đô thị nằm trong Tokyo là những đơn vị hành chính thông thường; 23 phường đặc biệt của Tokyo là những đơn vị hành chính đặc biệt.

Các đơn vị hành chính thông thường: Các đơn vị hành chính thông thường giống nhau ở tổ chức cũng như chức năng và gồm có hai cấp: Cấp vùng và cấp đô thị cấu tạo nên vùng.

Vùng: Nhật Bản có 47 vùng tạo thành chính quyền địa phương vùng. Hầu hết các vùng được gọi là “ken” trong tiếng Nhật - ví dụ, Akita-ken, hay Hiroshima-ken - nhưng cũng có một vài ngoại lệ. Tokyo được gọi có một sự khác nhỏ: “Tokyo-to” trong tiếng Nhật. Thông thường mọi người hay nhắc tới Tokyo như một thành phố, nhưng nói đúng ra, đây là một đô thị cấp vùng. Sự phân biệt này là quan trọng bởi vì có một số thành phố nằm trong vùng đô thị Tokyo.

Các đô thị: Đô thị là các đơn vị hành chính địa phương có quan hệ chặt chẽ và trực tiếp với cư dân địa phương. Chúng được phân loại thành “shi”, “cho”, hay “son” trong tiếng Nhật, có thể tạm dịch là thành phố, thị trấn, hay làng (city, town, village trong tiếng Anh).

Vùng và đô thị là các đơn vị hành chính có địa vị ngang nhau. Vùng có thẩm quyền quản lí khu vực rộng hơn, còn đô thị thì trực tiếp xử lí các vấn đề liên quan đến cư dân. Vùng và đô thị cùng hợp tác để quản lí địa phương theo phần trách nhiệm của mình.

Để được công nhận là thành phố, một đô thị cần phải có dân số từ 50.000 người trở lên, cũng như đáp ứng một số yêu cầu khác. Thị trấn cũng phải đáp ứng những điều kiện nhất định do cấp vùng qui định.

Các thành phố chọn lọc: Các thành phố có ít nhất 500.000 dân có thể được chính quyền trung ương chỉ định là “thành phố chọn lọc”. Để đối phó với những thách thức tại các thành phố lớn, các thành phố chọn lọc có nhiều quyền lực hơn thành phố thông thường trong việc sử dụng những biện pháp hay qui chế đặc biệt. Tokyo đương nhiên được coi là thành phố chọn lọc.

Các đơn vị hành chính địa phương đặc biệt: Các đơn vị hành chính địa phương đặc biệt được thành lập nhằm những mục tiêu đặc biệt liên quan đến việc quản lí địa phương. Chúng khác các đơn vị hành chính thông thường ở lãnh thổ, tổ chức, và thẩm quyền quản lí.

b. Chính quyền thành phố Tokyo

Hiện tại, ở Tokyo có 26 thành phố, 5 thị trấn và 8 làng và 23 phường đặc biệt (gọi là “ku” trong tiếng Nhật).

Các phường đặc biệt chỉ có ở Tokyo. Ở khía cạnh nào đó, khu vực các phường có chức năng như một khu hành chính cấu thành trung tâm của Tokyo. Khu vực này được chia thành 23 phường, về nguyên tắc, được hưởng qui chế như thành phố, nhưng trên thực tế lại phải tuân theo một cơ chế đặc biệt được thiết kế để đáp ứng nhu cầu của vùng đô thị. Chính quyền vùng đô thị Tokyo (Tokyo Metropolitan Government - TMG), với tư cách là chính quyền vùng, thực hiện một số chức năng hành chính mà lẽ ra do thành phố thực hiện - ví dụ, đánh thuế và thu một phần thuế đô thị trên khu vực này.

Bên cạnh các phường đặc biệt, vùng đô thị Tokyo còn có 39 đô thị - 26 thành phố (shi), 5 thị trấn (cho) và 8 làng (son) - là những đơn vị hành chính thông thường. Hệ thống hành chính và tài chính của chính quyền vùng đô thị cũng như những đô thị trong lòng nó tương tự như chính quyền vùng nói chung. Chính quyền vùng và các đô thị cùng hoạt động bình đẳng trong những lĩnh vực như nhau; chính quyền vùng đô thị xử lí các công việc hành chính tổng quát, còn các đô thị thực hiện các dịch vụ sát với đời sống hàng ngày của cư dân địa phương.

Cơ cấu chính quyền của Tokyo như sau:

- Cơ quan lập pháp của Tokyo là Hội đồng vùng đô thị Tokyo: Gồm 127 thành viên được cử tri Tokyo bầu trực tiếp với nhiệm kì 4 năm.

+ Chủ tịch Hội đồng: do các đại biểu Hội đồng bầu ra. Chủ tịch Hội đồng đại diện cho Hội đồng, chủ tọa các phiên họp và giám sát công việc của Hội đồng. Chủ tịch cũng là người phát ngôn của Hội đồng. Giúp việc cho Hội đồng có một ban thư kí. Chủ tịch Hội đồng bổ nhiệm, bãi nhiệm nhân viên của ban này.

+ Các ủy ban: Hội đồng thành lập các ủy ban nhằm bảo đảm giải quyết được tất cả các vấn đề phát sinh đối với chính quyền. Các Ủy ban có hai loại: Ủy ban thường trực và ủy ban đặc biệt, do Hội đồng thành lập để xử lí các vấn đề đặc biệt.

Hội đồng vùng đô thị Tokyo là cơ quan lập pháp chính của vùng đô thị Tokyo, có thẩm quyền ban hành, sửa đổi và hủy bỏ các văn bản pháp luật cấp vùng, phê chuẩn ngân sách thông qua nghị quyết của Hội đồng, bầu ra các thành viên của ủy ban quản lí bầu cử. Bên cạnh đó, những quyết định bổ nhiệm quan trọng của Thống đốc, như bổ nhiệm Phó Thống đốc và Tổng đốc, cần có sự nhất trí của Hội đồng. Đại diện cho người dân Tokyo, Hội đồng có quyền thanh tra, giám sát tất cả các mặt của hoạt động quản lí hành chính.

+ Thống đốc thành phố: Do cử tri bầu trực tiếp, có vai trò đại diện cho vùng đô thị Tokyo. Với nhiệm kì 4 năm, Thống đốc có toàn quyền kiểm soát các công việc của vùng đô thị, có quyền hạn và trách nhiệm duy trì sự thống nhất chung của hoạt động quản lí hành chính vùng. Tại khu vực 23 phường đặc biệt, Thống đốc có thẩm quyền như một Thị trưởng.

+ Các cơ quan trực thuộc: Giúp việc cho Thống đốc có các Phó Thống đốc, một Tổng đốc, và các cơ quan khác. Tại thời điểm ngày 01/4/2005, có tổng cộng 171.283 nhân viên làm việc trong các cơ quan này.

- Chính quyền cấp đô thị: Bao gồm Hội đồng đô thị và Thị trưởng. Cả hai cơ quan này đều do nhân dân đô thị trực tiếp bầu ra. Như đã nói ở trên, cấp đô thị trực tiếp xử lí các công việc liên quan đến cư dân đô thị. Đây không hẳn là cấp dưới của chính quyền vùng đô thị, mà là những đơn vị hành chính tự trị trong lãnh thổ vùng đô thị [41].

Một phần của tài liệu Đổi mới tổ chức chính quyền đô thị qua thực tiễn thành phố Hà Nội (Trang 41)