Thành phố New York (Hợp chủng quốc Hoa Kì)

Một phần của tài liệu Đổi mới tổ chức chính quyền đô thị qua thực tiễn thành phố Hà Nội (Trang 46)

Thành phố New York là trung tâm của bang New York. Đây là một trong những thành phố lớn và nổi tiếng nhất của Hoa Kì.

Về cơ bản, cấu trúc chính quyền tại New York cũng giống như những thành phố khác của Hoa Kì, được chia thành các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp.

Cơ quan hành pháp

* Cấp thành phố:

Cơ quan hành pháp của New York chịu trách nhiệm về tất cả các dịch vụ công của thành phố, như cảnh sát, cứu hỏa, thực hiện luật của bang và của thành phố, công tố, quản lí tài sản cũng như quản lí các cơ quan công quyền trong thành phố.

Thị trưởng: Là người đứng đầu cơ quan hành pháp thành phố. Thị trưởng được nhân dân thành phố bầu trực tiếp, thông qua phổ thông đầu phiếu.

Phó thị trưởng: Thị trưởng thành phố bổ nhiệm một số Phó Thị trưởng để lãnh đạo những cơ quan quan trọng trong nhánh hành pháp. Phó thị trưởng trực tiếp báo cáo trước Thị trưởng.

* Cấp quận:

Thành phố New York được chia thành 5 quận (borough). Đứng đầu quận là Quận trưởng, do nhân dân quận trực tiếp bầu ra. Quyền lực của Quận trưởng tương đối hạn chế, bao gồm một số vấn đề sau: Tham mưu cho Thị trưởng về các vấn đề liên quan đến quận của mình; quản lí một ngân sách nhỏ cho các dự án trong quận; bổ nhiệm một số quan chức trong quận; bổ nhiệm ban đại diện khu; Lãnh đạo các ủy ban khu trong quận; là thành viên đương nhiên của một số ban và ủy ban khác.

Cơ quan lập pháp

* Cấp thành phố:

Quyền lập pháp nằm trong tay Hội đồng thành phố, một cơ quan “đơn viện” bao gồm 51 đại biểu. Mỗi đại biểu đại diện cho một khu vực khoảng 157.000 dân. Nhiệm kì của đại biểu Hội đồng thành phố là 4 năm. Đứng đầu Hội đồng là Chủ tịch Hội đồng thành phố.

Giống như hầu hết các cơ quan lập pháp khác, Hội đồng thành phố có một số ủy ban phụ trách những lĩnh vực lập pháp khác nhau. Ủy ban thường trực của Hội đồng họp ít nhất 1 tháng 1 lần. Chủ tịch Hội đồng là lãnh đạo của đảng chiếm đa số, lãnh đạo của đảng chiếm thiểu số là thành viên đương nhiên của tất cả các ủy ban. Các dự thảo luật được thông qua tại Hội đồng thành phố bằng biểu quyết quá bán, sau đó được chuyển tới Thị trưởng để ban hành thành luật. Nếu Thị trưởng phủ quyết dự luật, trong vòng 30 ngày, Hội đồng có thể vượt qua phủ quyết nếu 2/3 tổng số đại biểu hội đồng trở lên bỏ phiếu thuận.

Mỗi quận có một ủy ban quận bao gồm Quận trưởng, đại biểu Hội đồng thành phố tại quận và trưởng các ban đại diện khu trong quận. Các ủy ban quận họp hàng tháng để đáp ứng nhu cầu của các cộng đồng địa phương. Cơ quan này có thể trưng cầu dân ý, điều tra hoạt động của các cơ quan chính quyền, kiến nghị về sử dụng, mua bán đất trong nội hạt thành phố tại quận.

* Các ban đại diện khu

Thành phố New York được chia thành 59 khu hành chính. Tại mỗi khu có một Ban đại diện khu. Các ban đại diện khu là cơ quan đại diện địa phương, hoạt động với tư cách cố vấn, bảo vệ quyền lợi cho cư dân cũng như cộng đồng tại thành phố. Mỗi ban đại diện có thể có tới 50 thành viên. Tất cả các thành viên của ban đại diện khu trong mỗi quận do Quận trưởng bổ nhiệm, với một nửa trong số đó do đại biểu Hội đồng thành phố tại quận giới thiệu. Nhiệm kì của thành viên ban đại diện khu là 2 năm, và không bị giới hạn số nhiệm kì. Sau mỗi năm, một nửa thành viên Ban đại diện khu phải bầu lại [40].

Một phần của tài liệu Đổi mới tổ chức chính quyền đô thị qua thực tiễn thành phố Hà Nội (Trang 46)