Thành phố Hà Nội trước hợp nhất

Một phần của tài liệu Đổi mới tổ chức chính quyền đô thị qua thực tiễn thành phố Hà Nội (Trang 57)

Hà Nội không chỉ là một đơn vị hành chính thành phố trực thuộc Trung ương mà còn là Thủ đô - Trung tâm đầu não về chính trị và hành chính quốc gia, trung tâm lớn về kinh tế, văn hoá, khoa học và công nghệ của cả nước. Trên địa bàn thành phố Hà Nội không chỉ có các cơ quan hành chính, sự nghiệp và doanh nghiệp của thành phố Hà Nội mà còn có trụ sở của Trung ương Đảng và Chính phủ, các cơ quan hành chính, sự nghiệp, doanh nghiệp của các Bộ , ngành. Chính vì vậy, thành phố Hà Nội đóng vai trò hết sức to lớn trong sự phát triển chung của cả nước.

Theo số liệu lưu trữ của Sở Nội vụ Thành phố Hà Nội:

- Trong lĩnh vực phát triển kinh tế: Hà Nội đạt mức tăng trưởng cao nhất trong 10 năm gần đây. Trong 2 năm 2006 - 2007, GDP tăng bình quân 11,81%, 6 tháng đầu năm 2008 tăng 10,9% so với cùng kỳ năm trước. Các ngành, lĩnh vực đều đạt tốc độ tăng trưởng cao. Cơ cấu kinh tế đã và đang chuyển dịch theo hướng công nghiệp hoá. Tỷ trọng công nghiệp trong GDP chiếm 40,85%, dịch vụ chiếm 57,75%, nông nghiệp chiếm 1,4% GDP.

- Trong lĩnh vực đầu tư phát triển: Các nguồn lực đầu tư phát triển trên địa bàn thành phố Hà Nội đang được huy động. Năm 2006, tổng đầu tư toàn xã hội đạt 41.900 tỷ đồng, tăng 18,6% so với năm 2005; năm 2007 đạt 47.230 tỷ đồng, tăng 20,7% so với năm 2006. Ước tính trong hai năm 2006 - 2007 thành phố Hà Nội đã thu hút 4,8 tỷ USD, vượt chỉ tiêu định hướng trong giai đoạn 2006 - 2010 là 3,5-4 tỷ USD. Thành phố Hà Nội đang trở thành 1 trong 3 địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút FDI. Xu hướng xã hội hoá được đẩy mạnh trong các lĩnh vực y tế, văn hoá, giáo dục, khoa học – công nghệ, vận

tải hành khách công cộng, thu gom vận chuyển rác thải, cung cấp nước sạch. Năm 2006, thu ngân sách trên bàn tăng 25,5%, năm 2007 tăng 20,6%, ước tính 6 tháng đầu năm 2008 tăng 46,2%.

- Trong lĩnh vực xây dựng, quản lý và phát triển đô thị: Thành phố Hà Nội đang triển hai phân cấp công tác quy hoạch cho các quận, huyện theo Luật Xây dựng. Hiện nay, thành phố Hà Nội đang phát triển mô hình xây dựng khu đô thị mới kết hợp với các dự án nhà ở xen kẽ trong khu vực nội thành. Theo phương hướng đó, đang xây dựng 41 dự án khu đô thị mới có quy mô bình quân trên 22 ha/khu và nhiều khu chung cư cao tầng hiện đại. Trong 2 năm 2006, 2007 và 6 tháng đầu năm 2008, diện tích xây dựng nhà ở đạt 3,925 triệu m2 (đạt gần 60% kế hoạch 5 năm). Các công trình giao thông trọng điểm đang được khẩn trương tiến hành như: cầu Thanh Trì, cầu Vĩnh Tuy,… và các tuyến đường trọng điểm như đường 5 kéo dài, đường vành đai 1, nút giao thông Kim Liên… Chất lượng dịch vụ công cộng ngày càng cao. Tỷ lệ thất thu, thất thoát nước giảm thêm 3%. Tỷ lệ người dân hưởng nước sạch đạt 88,5%, đáp ứng tiêu chuẩn trung bình 110-115 lít/người/ngày; tỷ lệ thu gom rác thải sinh hoạt đô thị đạt trên 97%; tỷ lệ chiếu sáng đường phố đạt từ 95-98%; tỷ lệ cây xanh bình quân đạt trên 5,70 m2/đầu người; công tác quản lý môi trường được tiếp tục tăng cường. Hiện nay thành phố Hà Nội đang phối hợp với các tỉnh Hoà Bình, Hà Nam, Nam Định và Ninh Bình xay dựng Đề án tổng thể bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ, sông Đáy.

- Trong lĩnh vực phát triển văn hoá và an sinh xã hội: Thành phố Hà Nội đang thực hiện cuộc vận động xây dựng người Hà Nội văn minh thanh lịch. Triển khai nhiều hoạt động thông tin, tuyên truyền, biểu diễn nghệ thuật chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc và các ngày lễ lớn. Giai đoạn 2006-2008 hoàn thành thực hiện 15 dự án đầu tư cho lĩnh vực văn hoá (Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Thư viện Hà Nội và 13 di tích). Công tác tu bổ, tôn tạo các di tích

lịch sử tiếp tục được đẩy mạnh: thành lập Trung tâm bảo tồn khu di tích Cổ Loa – Thành cổ Hà Nội; phối hợp với Bộ Quốc phòng để nhận bàn giao và hoàn chỉnh hồ sơ xin công nhận Thành cổ là di tích đặc biệt quốc gia. Hoàn thành xây dựng và tập trung chỉ đạo triển khai kế hoạch tổng thể tiến tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Thành phố đã tích cực phát động và thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” được đông đảo tầng lớp nhân dân tham gia hưởng ứng. Số hộ đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa trên 82% (cuối năm 2005 là 77%). Thành phố Hà Nội đang tập trung giải quyết những vấn đề xã hội, nâng cao chất lượng sống của nhân dân; đã và đang triển khai có hiệu quả các chương trình kế hoạch hoá gia đình, chăm sóc sức khoẻ và dinh dưỡng trẻ em. Chương trình vận động xây dựng gia đình văn hoá và các chương trình hành động vì sự tiến bộ của phụ nữ, bình đẳng giới, các quyền của phụ nữ và trẻ em được thực hiện tốt. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng giảm từ 14,1% cuối năm 2005 xuống còn 10,8% (vượt kế hoạch đề ra là 12% voà năm 2010). Thành phố chủ động, tích cực và giám sát chặt chẽ công tác phòng chống dịch bệnh tiêu chảy cấp ở người và dịch cúm gia cầm; công tác kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm được triển khai có hiệu quả. Đến nay, có 202 xã, phường (87,1%) đạt chuẩn quốc gia về y tế; số giường bệnh đạt 18 giường/1 vạn dân; tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đủ 6 loại vắc xin là 99,9%. Đến nay, trên địa bàn tỷ lệ người luyện tập thể thao thường xuyên là 30%. Tích cực triển khai đề án “Phát triển thị trường lao động”; trung bình mỗi năm giải quyết việc làm cho khoảng 85.000 lao động; công tác giảm nghèo, tăng giàu và nâng cao phúc lợi xã hội thường xuyên được quan tâm; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 1,4%; Chính sách đối với người có công và gia đình chính sách được thực hiện tốt. Các hình thức bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế tự nguyện trong nhân dân được mở

rộng. Thực hiện hỗ trợ cấp thẻ y tế cho trên 54.000 người, trợ cấp cho trên 12.000 người.

Trong lĩnh vực phát triển khoa học – công nghệ, giáo dục - đào tạo: Thành phố Hà Nội đang thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, từng bước đẩy mạnh xã hội hoá trong công tác nghiên cứu khoa học; triển khai Đề án “Phát triển thị trường khoa học – công nghệ Thành phố đến năm 2010, định hướng năm 2015”. Duy trì phổ cập tiểu học và phổ cập trung học cơ sở, tỷ lệ phổ cập trung học phổ thông đạt 80%. Trong giai đoạn nửa đầu nhiệm kỳ, có thêm 130 trường đạt chuẩn quốc gia, đưa tổng số trường đạt chuẩn quốc gia trên địa bàn lên 154 trường (chiếm 17%) . Triển khai có hiệu quả cuộc vận động xây dựng “Nhà trường văn hoá - Nhà giáo mẫu mực - Học sinh thanh lịch”. Thành phố đã phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương tổ chức tại Hà Nội thành công cuộc thi Olympic Toán học quốc tế lần thứ 48. Cơ sở vật chất ngành Giáo dục tiếp tục được tập trung đầu tư. Tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày ở cấp tiểu học đạt 95,24% (chỉ tiêu đến năm 2010 là 100%), ở cấp trung học cơ sở đạt 48,04% (chỉ tiêu đến năm 2010 là 60%). Công tác đào tạo nghề được quan tâm; hàng năm đã đào tạo nghề cho 70.000 người, trong đó dài hạn là 26.000 người; nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 53% (năm 2005 là 45%). Đến nay, trên địa bàn Hà Nội (cũ) có 219 cơ sở dạy nghề, trong đó ngoài công lập chiếm 65%. Thành phố đã ban hành chính sách ưu tiên đào tạo nghề cho thanh niên thuộc diện giải phóng mặt bằng, thu hồi đất nông nghiệp; cấp thẻ học nghề cho thanh niên vùng thu hồi đất do giải phòng mặt bằng, vùng đô thị hoá nhanh.

- Trong công tác xây dựng chính quyền: Thực hiện Nghị quyết 15/2008/NQ-QH12 của Quốc hội về việc mở rộng địa giới thủ đô Hà Nội, sau khi sắp xếp lại các cơ quan chuyên môn theo Nghị định số 13/2008/NĐ-CP ngày 04/02/2008 của Chính phủ, thành phố Hà Nội đã hoàn thành hợp nhất bộ

máy hành chính tỉnh Hà Tây với bộ máy hành chính thành phố Hà Nội cũ. Thực hiện chương trình 04/Ctr-Tu ngày 10 tháng 5 năm 2006 của Thành uỷ Hà Nội về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực chính quyền các cấp, từ năm 2006 đến nay, cải cách hành chính và công tác cán bộ được xác định là hai nhiệm vụ trọng tâm, đột phá, đã được các cấp, các ngành tập trung chỉ đạo triển khai và có bước chuyển biến tích cực. Thực hiện và phát huy hiệu quả mô hình “một cửa liên thông” trong thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp, đầu tư xây dựng cơ bản. Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo có chuyển biến tích cực, các vụ khiếu nại, tố cáo được xem xét, kết luận theo đúng quy định. Công tác lãnh đạo, điều hành của thành phố tiếp tục được đổi mới theo tinh thần: Sâu sát cụ thể, phân công rõ người, rõ trách nhiệm, rõ thời gian hoàn thành.

Hiện nay, thành phố Hà Nội đang mở rộng quan hệ đối ngoại, hợp tác phát triển, nâng cao vị thế Thủ đô. Thành phố Hà Nội đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành Trung ương xây dựng quy hoạch Vùng Thủ đô, các quy hoạch phát triển trong vùng kinh tế đô thị Bắc Bộ. Triển khai kế hoạch hợp tác đã ký kết với các tỉnh, thành phố trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và lân cận. Tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch tại Hoa Kỳ, Anh, Thuỵ Điển và các tỉnh phía Tây Nam Trung Quốc; hợp tác, hỗ trợ nước bạn Lào; triển khai các dự án hợp tác với thành phố Seoul (Hàn Quốc) về phát triển công nghệ thông tin và quy hoạch phát triển hai bên bờ sông Hồng. Tiếp tục đẩy mạnh quan hệ hợp tác với tỉnh Vân Nam, Quảng Tây (Trung Quốc) trong các lĩnh vực kinh tế – thương mai – du lịch. Tiếp tục thực hiện tốt Chương trình hành động của thành phố thực thi các cam kết trong WTO.

Một phần của tài liệu Đổi mới tổ chức chính quyền đô thị qua thực tiễn thành phố Hà Nội (Trang 57)