Với sự đa dạng của các thể chế chính trị - hành chính trên thế giới, cũng như với những đặc trưng riêng về tư tưởng, văn hóa, lịch sử, địa lí..., mỗi quốc gia đều có mô hình tổ chức và hoạt động đặc thù dành cho đô thị trực thuộc Trung ương của mình. Mô hình này có thể có những nét tương đồng với mô hình chính quyền nông thôn ở một số quốc gia, nhưng nhìn chung, luôn có sự khác biệt nhất định giữa hai khu vực đô thị và nông thôn. Sự khác biệt có thể là ở cách phân chia các cấp hành chính lãnh thổ, có thể là ở cách hình thành cũng như tổ chức ra các cơ quan chính quyền. Sự khác biệt cũng có thể nằm ở chính cơ chế thực hiện quyền lực: Phụ thuộc, tự trị, tự quản, mức độ được phân quyền, ủy quyền...
Nói chung, khó có thể kết luận mô hình chính quyền đô thị trực thuộc Trung ương của một nước nào đó ưu việt hơn những nước khác. Mỗi mô hình đều có điểm mạnh riêng và đều có lí do riêng để tồn tại trong những nước cụ thể.
Từ 5 mô hình nói trên, có thể rút ra một số điểm chung như sau:
- Thứ nhất, chính quyền các đô thị trực thuộc Trung ương phần lớn có quyền tự trị. Ngay cả ở Thái Lan, một nước có chế độ quyền lực tập trung khá cao, thành phố Bangkok cũng có những quyền tự trị đáng kể;
- Thứ hai, với mức độ phổ biến ngày càng rộng rãi của học thuyết phân chia quyền lực, rất nhiều nước đã áp dụng mô hình phân chia chính quyền thành các cơ quan lập pháp, hành pháp, thậm chí tư pháp tại đô thị trực thuộc Trung ương của mình;
- Thứ ba, các đô thị trực thuộc Trung ương đều có cơ quan đại diện ở cấp đô thị với tên gọi Hội đồng. Tuy nhiên, vai trò của Hội đồng có thể mạnh hay yếu tùy vào mỗi đô thị;
- Thứ tư, mô hình cơ quan chấp hành - hành chính cá nhân được áp dụng khá rộng rãi tại các đô thị trực thuộc Trung ương. Đó thường là Thống đốc hay Thị trưởng. Thống đốc thường là người lãnh đạo chính quyền đô thị nói chung, bao gồm cả cơ quan lập pháp, hành pháp. Còn Thị trưởng thường chỉ là người đứng đầu bộ phận hành pháp của đô thị. Cơ quan này thường do nhân dân đô thị trực tiếp bầu ra, do vậy, quyền lực của Thống đốc hay Thị trưởng là rất lớn trong mối tương quan với cơ quan đại diện.
- Thứ năm, nhìn chung, mô hình chính quyền hai cấp là mô hình phổ biến cho các đô thị trực thuộc Trung ương. Do có qui mô lớn về cả diện tích và dân số, các đô thị này thường được tiếp tục chia thành những đơn vị hành chính nhỏ hơn. Các đơn vị hành chính này có thể là chính quyền cơ sở, cũng có thể
chỉ là một cấp hành chính trung gian, có chức năng như cánh tay nối dài của chính quyền đô thị.
CHƢƠNG 2