Thực hiện chính sách giá

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sĩ quản trị kinh doanh Một số giải pháp hoàn thiện hoạt động marketing tại ngân hàng thương mại cổ phần á châu chi nhánh đồng nai (Trang 94)

Xuất phát từ đặc điểm người dân Việt Nam có thu nhập thấp, vốn kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam còn nhỏ. Nên người dân và các doanh nghiệp Việt Nam rất nhạy cảm về vấn đề giá cả. Các NHTM Việt Nam không chỉ cạnh tranh với nhau, mà còn cạnh tranh với các ngân hàng quốc doanh và các ngân hàng nước ngoài vốn có tiềm lực tài chính mạnh. Vì vậy các ngân hàng thương mại nói chung và ACB-Đồng Nai nói riêng cần chú ý đến vấn đề về giá trong hoạt động kinh doanh ngân hàng. Tuy nhiên, thực hiện một chính sách giá là một bài toán khó cho bất kỳ ngân hàng nào, nhất là trong giai đoạn hiện nay, cạnh tranh mang tính khốc liệt. Chính sách giá không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập và lợi nhuận của ngân hàng mà còn ảnh hưởng đến vị thế và thế lực của ngân hàng. Giá sản phẩm dịch vụ ngân hàng được thể hiện dưới hình thức lãi suất ( tiền gửi và tiền vay) và chi phí sử dụng dịch vụ của ngân hàng.

Đối với lãi suất huy động, ngân hàng không thể tự mình quyết định mà phải áp dụng mức lãi suất của toàn hệ thống ACB. Do đó, ngân hàng không thể điều chỉnh lãi suất cho khách hàng được. Tuy nhiên, dựa vào năng lực tài chính tốt và cơ cấu sản phẩm đa dạng, ngân hàng có thể áp dụng mức lãi suất linh hoạt cho nhóm khách hàng trung thành với từng sản phẩm cụ thể. Do đó, ngân hàng có thể tận dụng hình thức này để thu hút khách hàng dựa trên lợi nhuận của ngân hàng, không làm giảm lợi nhuận của ngân hàng. Ngân hàng có thể tư vấn sản phẩm với mức lãi suất hấp dẫn nhất cho khách hàng vì hiện tại ngân hàng có rất nhiều sản phẩm với mức lãi suất khác nhau. Nếu không áp dụng sản phẩm thích hợp sẽ làm giảm lợi ích khách hàng. Từ đó, ngân hàng sẽ mất tính cạnh tranh.

Đối với lãi suất cho vay, ngân hàng cần căn cứ vào phân loại và xếp hạng tín dụng của khách hàng để thực hiện chính sách cho vay với lãi suất ưu đãi đối với nhóm khách hàng lớn, uy tín tín dụng cao để duy trì khách hàng và đồng thời tăng dư nợ tín dụng. Ngân hàng có thể đưa ra mức lãi suất cho vay theo kỳ hạn, vay ngắn hạn sẽ được ưu đãi với lãi suất thấp hơn vì nếu vay với thời hạn dài gắn liền với rủi ro của sự trượt giá đồng tiền.

Tuy nhiên, việc tăng lãi suất cho vay và giảm lãi suất huy động sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến thu nhập của ngân hàng nên cần thu hẹp biên độ chênh lệch lãi suất đầu vào và đầu ra. Như vậy cần phải giảm thiểu chi phí, tăng dư nợ cho vay, hạn chế rủi ro trong đầu tư,…

Các giải pháp cần thực hiện để giảm thiểu chi phí:

+ Giảm chi phí hoạt động bằng cách tăng huy động tiền gửi thanh toán của tổ chức và cá nhân vì lãi suất cho sản phẩm này thấp hơn lãi suất đối với các sản phẩm tiền gửi có kỳ hạn. Ngoài ra, còn phải quan tâm đến chi phí cho việc quản lý tài sản như tiết kiệm trong việc sử dụng tài sản, công cụ, dụng cụ, tiết kiệm tối đa việc đầu tư tài sản cố định, tiết kiệm chi phí sử dụng văn phòng phẩm,…

+ Nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn, không để tiền mặt tồn đọng nhiều trong kho quỹ nhưng vẫn phải đảm bảo an toàn thanh khoản, và tuân thủ quy định dự trữ bắt buộc của NHNN.

+ Ngoài ra, cần phải thực hiện các biện pháp hỗ trợ khác như đơn giản hóa thủ tục hồ sơ, thời gian thực hiện thủ tục nhanh gọn, thuận tiện trong giao dịch, có nhiều chính sách ưu đãi,…

Ngoài ra, vấn đề giá cả còn đề cập đến phí dịch vụ. Nhờ vào công nghệ ngân hàng hiện đại nên phí giao dịch rất hợp lý và ưu đãi. Đây là một lợi thế của ngân hàng. Ngân hàng cần xây dựng chính sách giá linh hoạt, chú ý đến từng nhóm khách hàng, trong đó ưu tiên nhóm khách hàng lớn và khách hàng truyền thống. Ngân hàng có thể miễn, giảm phí thực hiện dịch vụ của nhóm đối tượng này. Việc miễn, giảm phí này phải được trình lên Hội sở để được phê duyệt. Việc miễn, giảm phí này có thể thu hút thêm các giao dịch có giá trị lớn, từ đó có thể mang đến lợi nhuận cao hơn cho ngân hàng.

Thực tế, tại ACB-Đồng Nai không có bộ phân marketing chuyên biệt nên mọi vấn đề liên quan đến giá cả đều do phòng kinh doanh đảm nhiệm. Sau đó, phòng kinh doanh làm tờ trình lên Ban Giám đốc Chi nhánh, sau đó Ban Giám Đốc Chi nhánh lại tiếp tục trình lên Hội sở. Việc này gây nên sự chậm trễ hồ sơ của khách hàng. Giải quyết vấn đề này, Phòng kinh doanh lên lập tờ trình cho một khung giá, phí dịch vụ cụ thể để khi phát sinh trường hợp giao dịch nào thì áp dụng mức phí dịch vụ tương ứng giao dịch đó.

Ngân hàng cần cải tiến và nâng cao hơn nữa hoạt động thanh toán. Hoạt động thanh toán ngày một nhanh chóng và chính xác. Như vậy, ngân hàng sẽ thu hút được nhiều tài khoản tiền gửi. Qua đó, ngân hàng có một nguồn vốn có chi phí rẻ nhất và có khối lượng lớn nhất.

Nói chung, trong lĩnh vực kinh doanh ngân hàng, chính sách giá cả linh hoạt, hấp dẫn là một lợi thế của một ngân hàng, góp phần củng cố vị thế của ngân hàng trên thị trường. Tuy nhiên, ngân hàng đưa ra chính sách giá thích hợp dựa trên năng lực tài chính của mình.

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sĩ quản trị kinh doanh Một số giải pháp hoàn thiện hoạt động marketing tại ngân hàng thương mại cổ phần á châu chi nhánh đồng nai (Trang 94)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(116 trang)