Quá trình hình thành và phát triển

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sỹ: Hoàn thiện công tác tạo động lực cho người lao động tại Viện công nghệ thông tin và truyền thông, trường Đại học Bách Khoa Hà Nội (Trang 51)

THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG – TRƯỜNG ĐẠI HỌC BÁCH KHOA HÀ NỘ

3.1.1. Quá trình hình thành và phát triển

Lịch sử hình thành và phát triển của Viện CNTT-TT ngày nay đã trải qua những mốc son đáng nhớ:

+ Năm 1969, Trường ĐHBK HN thành lập Tổ Toán – Tính thuộc Bộ môn Toán để đào tạo kỹ sư “Toán công trình” theo gợi ý của GS. Tạ Quang Bửu.

+ Tháng 9/1970, theo chỉ thị của Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Trường ĐHBK HN thành lập Bộ môn Toán Tính thuộc Khoa Toán - Lý để đảm nhiệm độc lập công tác đào tạo “Kỹ sư Toán Tính”.

+ Năm 1980, Trung tâm Máy tính, Trường ĐHBK HN được thành lập theo Quyết định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trong giai đoạn 1980-1995 Trung tâm Máy tính phục vụ đào tạo kỹ sư toán công trình, kỹ sư toán tính, đồng thời trực tiếp xử lý số liệu tuyển sinh đại học khu vực miền Bắc trong một thời gian dài.

+ Năm 1987, Trường ĐHBK HN thành lập Khoa Tin học, trên cơ sở Bộ môn Toán Tính, Khoa Toán – Lý.

+ Năm 1995 Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định thành lập 7 Khoa Công nghệ Thông tin ở các trường đại học trọng điểm trong cả nước. Khoa Công nghệ Thông tin, Trường ĐHBK HN được thành lập ngày 26/3/1995 trên cơ sở Khoa Tin học, Trung tâm Máy tính và các tổ chuyên môn Tin học thuộc Khoa Điện tử - Viễn thông.

+ Ngày 19/5/2009, Bộ Giáo dục và Đào tạo ra quyết định thành lập Viện Công nghệ Thông tin và Truyền thông, Trường ĐHBK HN, trên cơ sở Khoa CNTT và Dự án Hỗ trợ phát triển đào tạo đại học và sau đại học về Công nghệ Thông tin và Truyền thông.

Qua gần 15 năm phấn đấu, phát triển và trưởng thành, Viện CNTT-TT, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội đã đạt được một bước phát triển đáng ghi nhận

cả về lượng lẫn về chất. Từ chỗ chỉ có biên chế 3 bộ môn, 1 trung tâm máy tính và gần 50 cán bộ, nhân viên, trong đó số lượng cán bộ giảng dạy có học vị từ Thạc sỹ trở lên còn rất ít và với độ tuổi trung bình khá cao, được tập hợp từ nhiều đơn vị với quan điểm, phong cách và sở trường hết sức đa dạng, đến nay Viện đã có biên chế 5 bộ môn, 1 trung tâm máy tính, 3 phòng thí nghiệm chuyên đề với đội ngũ cán bộ công chức lên tới hơn 130 người, trong đó hầu hết có trình độ trên Thạc sỹ.

Đặc biệt, trong những năm gần đây, số lượng cán bộ giảng dạy trẻ đã học xong cao học, tiến sỹ ở các nước tiên tiến như Anh, Pháp, Mỹ, Nhật, ... về Viện công tác ngày càng nhiều. Đây sẽ là đội ngũ kế cận xứng đáng của các thầy, cô đi trước, là lực lượng nòng cốt của Viện trong những năm sắp tới, và là minh chứng cho tầm nhìn xa của các thế hệ lãnh đạo Viện, các bộ môn, trung tâm trong các năm qua.

Bước phát triển quan trọng về chất còn thể hiện ở ngành đào tạo. Từ chỗ chỉ đào tạo theo 1 chuyên ngành chung là Tin học, từ năm 2003 Viện đã chuyển sang đào tạo theo 5 chuyên ngành hẹp tương ứng với 5 bộ môn và phù hợp với 5 chuyên ngành thuộc nhóm ngành công nghệ thông tin trong Chương trình khung đào tạo đại học và trên đại học của Bộ Giáo dục và Đào tạo, phù hợp khuyến cáo của Hiệp hội

ACM (http://www.acm.org/education/curricula-recommendations)

Viện CNTT-TT cũng đã triển khai có hiệu quả các chương trình đào tạo kỹ sư tài năng, kỹ sư chất lượng cao và các chương trình đào tạo hợp tác quốc tế khác. Đặc biệt Viện hiện là đơn vị chủ trì tổ chức thực hiện Dự án hợp tác đào tạo kỹ sư CNTT theo chuẩn mực quốc tế ký kết giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Nhật Bản.

Bên cạnh các hoạt động đào tạo, các hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ cũng đã có những chuyển biến mạnh mẽ với hàng loạt các đề tài các cấp (trong đó có nhiều đề tài cấp nhà nước) đã và đang được thực hiện tại Viện. Vai trò của các bộ môn đang được nâng cao theo hướng xây dựng bộ môn trở thành đơn vị chuyên môn nòng cốt của Viện, hoạt động chủ động và hiệu quả trên cả 3 lĩnh vực: đào tạo, nghiên cứu và hợp tác quốc tế.

Để phục vụ cho công tác đào tạo, trong những năm qua Viện đã xây dựng các quan hệ liên kết, hợp tác khá chặt chẽ với hầu hết các đơn vị hoạt động trong lĩnh

vực CNTT, trong đó có: các khoa CNTT tại các trường đại học trọng điểm (Đại học Quốc gia Hà nội, Đại học Huế, Đại học Đà nẵng, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Cần thơ) và một số trường đại học khác (Đại học Vinh, Đại học Thái Nguyên,...), Viện CNTT (Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam), Viện Tin học sử dụng tiếng Pháp (IFI), Viện Điện tử - Tin học (Bộ Công nghiệp), Tổng công ty Điện tử - Tin học (Bộ Công nghiệp), các Trung tâm Tin học của các Bộ, Ngành, các Công ty Tin học hàng đầu trong nước như FPT, CMC, AIC… và các Công ty Tin học hàng đầu thế giới như IBM, Microsoft, Compaq, Oracle, Sun… Các đối tác liên kết này đã tiếp nhận hàng trăm sinh viên năm cuối của Viện đến thực tập, tạo điều kiện cho các em được tiếp cận với công nghệ mới và các vấn đề ứng dụng có ý nghĩa thực tiễn cao. Về phần mình, Viện không chỉ cung cấp nguồn nhân lực bậc cao mà còn triển khai nhiều khoá đào tạo về Tin học cho cán bộ của nhiều đơn vị, đặc biệt cho các ngành như Ngân hàng, Tài chính, Toà án, Kiểm sát, Vật giá…

Viện cũng có quan hệ trao đổi thường xuyên với nhiều trường đại học và tổ chức khoa học trên thế giới như ở Pháp, Canada, Mỹ, Nhật, Italia, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore… để cố gắng khai thác các cơ hội gửi cán bộ và sinh viên của Viện đi đào tạo và bồi dưỡng ở nước ngoài. Định hướng chung đối với các quan hệ quốc tế của Viện là nỗ lực mở rộng theo chiều ngang nhưng cũng phải đi vào chiều sâu để từng bước hình thành các nhóm nghiên cứu có hợp tác chặt chẽ với các đối tác nước ngoài.

Kết quả gần 15 năm phấn đấu hết mình của tập thể cán bộ, nhân viên trong Viện đã xây dựng một nền tảng phát triển được hợp thành từ 3 yếu tố cơ bản: đội ngũ cán bộ, chất lượng đào tạo và hiệu quả nghiên cứu khoa học-chuyển giao công nghệ. Nền tảng này sẽ là tiền đề quan trọng cho những bước đi tiếp theo của Viện trên con đường phát triển và hội nhập.

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sỹ: Hoàn thiện công tác tạo động lực cho người lao động tại Viện công nghệ thông tin và truyền thông, trường Đại học Bách Khoa Hà Nội (Trang 51)