Phù hợp với xu thế hội nhập kinh tế quốc tế, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực khoa học và công nghệ ngày càng được mở rộng về quy mô, hình thức và hiệu quả. Cho đến nay, Việt Nam đã có quan hệ hợp tác và đối tác về khoa học và công nghệ với trên 70 quốc gia, tổ chức quốc tế, vùng lãnh thổ; đồng thời là thành viên tích cực của nhiều tổ chức khu vực và quốc tế. Nét đặc trưng trong những năm qua là với sự hỗ trợ của nhiều nước, nhiều trung tâm, tổ chức nghiên cứu hỗn hợp giữa các tổ chức khoa học và công nghệ với các nước đã được tạo dựng, những cơ sở khoa học và công nghệ này được trang bị các thiết bị nghiên cứu, triển khai hiện đại, phục vụ cho hoạt động phát triển, tiếp nhận các thành tựu khoa học và công nghệ hiệu quả hơn. Cụ thể một số trung tâm như:
- Trung tâm đào tạo và chuyển giao công nghệ Việt - Đức (HWC) được thành lập trên cơ sở Dự án Trung tâm tư vấn và đào tạo kỹ thuật hợp tác giữa
Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng và Phòng Tiểu thủ công nghiệp Koblenz (CHLB Đức) với tổng kinh phí là 1,8 triệu DM;
- Trung tâm hợp tác công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc (VIKOTECH), kết quả hợp tác giữa Viện nghiên cứu ứng dụng công nghệ Việt Nam (NACENTECH) với Viện KH&CN Hàn Quốc (KIST) do Chính phủ Hàn Quốc viện trợ không hoàn lại với tổng số vốn là 2,88 triệu USD;
- Trung tâm đào tạo hạt nhân Việt Nam – Ấn Độ, kết quả hợp tác giữa Viện năng lượng nguyên tử Việt Nam và Ủy ban năng lượng nguyên tử Ấn Độ với tổng số vốn là 215 nghìn USD;
- Khu trình diễn, nghiên cứu và chuyển giao kỹ thuật nông nghiệp tổng hợp Việt Nam –Trung Quốc, kết quả của hợp tác giữa Trường đại học Nông nghiệp I Hà Nội với Viện KHKT nông nghiệp tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc;…
Có được những kết quả như trên là do sự tác động của một loạt các chính sách đổi mới, khuyến khích phát triển khoa học và công nghệ và mở rộng các loại hình hợp tác quốc tế đa phương, song phương giữa Việt Nam với nhiều tổ chức và các quốc gia trên thế giới. Việt Nam đã tham gia tích cực vào các hội nghị, hội nghị cấp cao, diễn đàn của nhiều tổ chức khoa học và công nghệ của khu vực và thế giới. Với việc thực hiện đúng các cam kết quốc tế, Việt Nam ngày càng có điều kiện hội nhập sâu hơn và có vị thế cao trong các tổ chức khoa học và công nghệ quốc tế.
Trên cơ sở các nghị định thư đã ký kết với các nước, Bộ KH&CN đã phê duyệt 24 nhiệm vụ hợp tác KH&CN thực hiện từ năm 2003 với kinh phí hỗ trợ hơn 17 tỷ đồng từ nguồn ngân sách sự nghiệp khoa học. Các nhiệm vụ, chương trình hợp tác này bao gồm các nhiệm vụ, dự án nghiên cứu chung, các dự án nhập kết quả nghiên cứu hoặc chuyển giao công nghệ, hội thảo, triển lãm công nghệ,…Trong số các nhiệm vụ đã được phê duyệt, có rất nhiều dự án có ý nghĩa khoa học và giá trị trong thực tiễn cao.
Thông qua hợp tác quốc tế, các quy trình đàm phán thỏa thuận, điều kiện thương mại được thuận lợi hơn, do đó có nhiều hoạt động chuyển giao công nghệ diễn ra nhiều hơn.