Xây dựng và phát triển thị trường công nghệ

Một phần của tài liệu Chuyển giao công nghệ ở Việt Nam thực trạng và giải pháp (Trang 104 - 106)

Trong những năm gần đây, thị trường công nghệ đã bắt đầu hình thành, song còn rất manh nha. Chúng ta chưa tạo ra được những động lực và cơ chế đủ mạnh để kích thích cả cung lẫn cầu trên thị trường này. Để tạo lập và thúc đẩy thị trường công nghệ phát triển cần phải:

* Đẩy mạnh đổi mới cơ chế và chính sách kinh tế nhằm tạo nhu cầu ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ vào sản xuất và đời sống

Tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, đẩy mạnh cải cánh doanh nghiệp nhà nước, từng bước hạn chế độc quyền của các Tổng công ty nhà nước; ban hành các chính sách về cạnh tranh và kiểm soát độc quyền, về giải thể và phá sản doanh nghiệp, hạn chế khoanh nợ, dãn nợ. Nhà nước cần triệt để xóa bỏ bao cấp, đổi mới cơ chế quản lý đối với các doanh nghiệp nhà nước, bảo vệ cạnh tranh tự do, lành mạnh. Chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, thực hiện các cam kết quốc tế và thúc đẩy việc gia nhập Tổ chức thương mại quốc tế (WTO) tạo ra sức ép đẩy các doanh nghiệp quan tâm thực sự đến hiệu quả sản xuất, kinh doanh và tính toán hiệu quả khi lựa chọn công nghệ, đổi mới sản phẩm.

Tăng cường hỗ trợ của Nhà nước đối với việc nâng cao năng lực đổi mới công nghệ của doanh nghiệp (như cung cấp thông tin, tư vấn chuyển giao công nghệ; có cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ; miễn giảm thuế đối với những sản phẩm đang trong sản xuất thử nghiệm, sản phẩm thay thế hàng nhập khẩu và

các sản phẩm xuất khẩu; miễn thuế đối với phần kinh phí mà các cơ sở sản xuất dùng để đào tạo và đào tạo lại; thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi với việc thực hiện chế độ khấu hao nhanh nhằm đẩy nhanh tốc độ đổi mới công nghệ, chú trọng các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Phát triển thị trường vốn, đặc biệt là thị trường chứng khoán, hoàn thiện và mở rộng các công cụ của thị trường tài chính, như thuê mua tài chính, công ty tài chính,… để các doanh nghiệp có thể tiếp cận các nguồn vốn đầu tư trung và dài hạn phù hợp với chu kỳ đổi mới sản phẩm, đổi mới công nghệ.

Áp dụng cơ chế Nhà nước mua sản phẩm khoa học và công nghệ từ những nghiên cứu không sử dụng ngân sách nhà nước để phục vụ các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Có những biện pháp nhằm quản lý chặt chẽ công nghệ nhập.

* Tạo lập môi trường pháp lý cho hoạt động của thị trường công nghệ

Hoàn thiện cơ sở pháp lý cho hoạt động của thị trường công nghệ như; Luật khoa học – công nghệ, luật sở hữu trí tuệ, luật chuyển giao công nghệ. Đẩy mạnh việc tuyên truyền, giáo dục, phổ biến và nâng cao hiệu lực thực thi pháp luật về sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ.

Thể chế hóa các giao dịch trong thị trường công nghệ nhằm đẩy mạnh thương mại hóa sản phẩm khoa học và công nghệ, góp vốn bằng bản quyền đối với sản phẩm nghiên cứu hoặc các hình thức sở hữu trí tuệ khác; mua, bán sản phẩm khoa học và công nghệ; giao dịch thương mại điện tử,…

Ban hành các quy định về tiêu chuẩn, chất lượng, an toàn của sản phẩm khoa học và công nghệ trước khi đưa vào ứng dụng thực tiễn. Hình thành các tổ chức quản lý thị trường về công nghệ.

* Cải thiện môi trường đầu tư nước ngoài, thu hút công nghệ mới

- Chính phủ cần sớm ban hành văn bản pháp luật chi tiết để thực hiện các quy định tại Chương III, phần 6 của Bộ Luật dân sự về chuyển giao công nghệ với những nội dung mở rộng cho các nhà đầu tư có sự chuyển giao công nghệ, kèm theo việc ban hành Thông tư hướng dẫn cụ thể trong việc thực hiện Nghị định về chuyển giao công nghệ;

- Xúc tiến việc hướng dẫn thi hành Điều 65 Luật Đầu tư nước ngoài (sửa đổi năm 2005) về việc cho phép các viện, trường, bệnh viện được liên doanh, liên kết với các đối tác nước ngoài;

- Khuyến khích các hoạt động nghiên cứu và phát triển trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; khuyến khích đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao, các vùng kém phát triển… thông qua ưu đãi thuế;

- Ban hành danh mục các công nghệ ưu tiên được chuyển giao hoặc miễn thuế hoặc giảm thuế chuyển giao công nghệ;

- Ban hành danh mục các dự án hoàn toàn không phải lập danh mục báo cáo tác động môi trường trong bất kỳ giai đoạn nào như tinh thần Điều 39 Nghị định số12/CP ngày 18-02-1997. Hạn chế tối đa việc lập và phê duyệt đề án đánh giá tác động môi trường qua 2 giai đoạn;

- Tiếp tục ban hành, bổ sung, sửa đổi các văn bản có liên quan nhằm cải thiện môi trường đầu tư, góp phần thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước;

- Tăng cường quản lý các hoạt động dịch vụ, tư vấn chuyển giao công nghệ, đánh giá tác động môi trường để tránh những phiền hà, trung gian không cần thiết.

* Phát triển các tổ chức trung gian, môi giới trên thị trường công nghệ

Khuyến khích, hỗ trợ việc hình thành và phát triển các tổ chức tư vấn, môi giới dịch vụ chuyển giao công nghệ, chợ thiết bị và công nghệ ở địa phương và ở quy mô cả nước.

Một phần của tài liệu Chuyển giao công nghệ ở Việt Nam thực trạng và giải pháp (Trang 104 - 106)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(123 trang)