Lĩnh vực nông – lâm – ngư nghiệp

Một phần của tài liệu Chuyển giao công nghệ ở Việt Nam thực trạng và giải pháp (Trang 65)

* Nông nghiệp

Từ khi thực hiện chính sách đổi mới đến nay, ngành nông nghiệp nước ta đã đạt được những thành tích lớn, góp phần chuyển nhanh sang sản xuất hàng hóa, đưa nông sản thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực, đời sống nông dân được cải thiện đáng kể. Giá trị sản xuất nông nghiệp tăng bình quân hàng năm là 5,6%. Hiện nay, Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu gạo đứng thứ hai trên thế giới, vấn đề an ninh lương thực của đất nước được đảm bảo.

Đạt được kết quả trên là nhờ vào việc thực hiện chính sách đổi mới về phát triển nông nghiệp và nông thôn, đẩy mạnh đầu tư. Nhưng bên cạnh đó, việc ứng dụng và chuyển giao các thành tựu khoa học và công nghệ đóng vai trò rất quan trọng trong các khâu lai tạo giống cây trồng, kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh, thủy lợi, nuôi trồng, chế biến nông sản, tiếp thu các công nghệ giống lúa lai và giống lúa cao sản mới, triển khai kỹ thuật nuôi cấy mô.

Với sự nỗ lực của các nhà khoa học, nhiều biện pháp đã được triển khai kịp thời trong sản xuất. Các giống cây trồng, vật nuôi đang có trong cơ cấu sản xuất hiện nay phần lớn là do kết quả của khoa học và công nghệ mang lại, một phần do các nhà khoa học nghiên cứu đưa lại, một phần do cải tiến giống nhập ngoại. Việc áp dụng các giống cây lương thực – thực phẩm mới vào sản xuất đã làm tăng năng suất từ 15 – 20%, góp phần nâng cao sản lượng lương thực trong cả nước đạt trên 38,62 triệu tấn vào năm 2004, đảm bảo an ninh lương thực và xuất khẩu từ 3 - 4 triệu tấn gạo/năm. Giá trị sản xuất nông nghiệp trên một đơn vị đất nông nghiệp tăng từ 13,5 triệu đồng/ha năm 1995 lên 18,2 triệu đồng/ha năm 2004.

Về nghiên cứu chọn giống, trong những năm qua các nhà khoa học đã chọn, tạo được trên 30 giống lúa quốc gia (mỗi giống lúa quốc gia làm lợi 10 tỷ

đồng/vụ), 12 giống ngô lai có năng suất cao, giá rẻ, đạt chất lượng tốt, nhờ đó không phải phụ thuộc vào nhập khẩu ngô lai từ nước ngoài (mỗi giống ngô làm lợi 5 tỷ đồng/vụ), 9 giống lạc và nhiều giống cây công nghiệp, cây ăn quả…

Trong năm 2004, tổng diện tích lúa đạt 7.466 nghìn ha, năng suất trung bình cả năm đạt 45,1 tạ/ha, tăng gần 4 tạ so với năm 1999, sản lượng lúa cả nước đạt 33,67 triệu tấn, tăng 4,45 triệu tấn (hơn 7%) so với năm 1999. Nguyên nhân chủ yếu là do áp dụng các giống cao sản mới, các kỹ thuật canh tác tiên tiến làm cho năng suất tăng lên trong khi diện tích tăng không đáng kể. Đặc biệt, thời gian qua, các nhà khoa học Việt Nam đã nghiên cứu ra 4 trong 5 loại giống lúa phục vụ xuất khẩu là OM 1490, OM 2013, MTL 250, VND 95-20 và ST 3. Tổng diện tích gieo trồng 4 loại giống lúa này đã chiếm 30% tổng diện tích lúa xuất khẩu. Giống lúa còn lại IR 64 cũng do các nhà khoa học nghiên cứu ra trước đây.

Về chăn nuôi, trong thời gian qua, do tích cực đẩy mạnh việc ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới về di truyền, khai thác có hiệu quả nguồn gen qúy của vật nuôi, lai tạo các giống ngoại nhập, ngành chăn nuôi đã chọn, nghiên cứu ra được 12 giống vật nuôi có năng suất phù hợp với điều kiện Việt Nam, góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng của ngành, đạt trung bình 3,5–5%/năm. Các kết quả nghiên cứu về chăn nuôi đã mở ra một triển vọng lớn cho chăn nuôi gia cầm và thủy hải sản tại các hộ gia đình, tạo nguồn thu nhập lớn cho nông dân. Công nghệ cấy truyền phôi đã được đưa vào áp dụng để tạo đàn bò giống hạt nhân và bò lai hướng sữa, xây dựng đàn bò cái hạt nhân hướng sữa cho năng suất cao, đạt 3.400 – 4000 lít/chu kỳ, cao gấp 1,5 lần giống bò sữa thường, có con cho sữa cao tới 6.592 lít/chu kỳ. Khảo nghiệm thành công công thức lai 2–3 máu giữa lợn ngoại (Đại Bạch, Landrace) với lợn nội (Móng Cái). Các công thức lai với tỷ lệ máu lợn ngoại 1/2, 3/4, 7/8 cho tỷ lệ nạc tương ứng là 39-43%, 44-47%, 49-52%. Hoàn chỉnh quy trình công nghệ nuôi lợn lai với các quy mô khác nhau có thể ứng dụng trong nông hộ. Ứng dụng chương trình phần mềm PIGBLUP, PIGALES và PIGCHAMP trong đánh giá giá trị và quản lý lợn giống.

Thời gian qua chúng ta đã triển khai việc nuôi giữ và sản xuất ở quy mô công nghiệp các giống gà hướng thịt, gà hướng trứng 240-280 trứng/năm. Đưa vào sản xuất các dòng gà BT1, BT2 tạo ra từ kết quả nghiên cứu trong nước và tổ hợp lai như: IBE, ABE, ISA-MPK, tổ hợp lai gà Tam Hoàng- RhodRi… Đưa

vào phục vụ sản xuất giống gà thả vườn có nguồn gốc từ Trung Quốc (Tam Hoàng, Lương Phương…), từ Israen (Kabir), từ Pháp (Sasso) phù hợp với chăn nuôi nông hộ. Hình thành các hộ chăn nuôi thả vườn có quy mô ngày càng cao, làm thay đổi cơ cấu chăn nuôi. Nhờ công tác nghiên cứu chọn lọc nên các giống vịt siêu trứng Khakicampell, vịt siêu thịt CV super M, vịt CV layer 2000 được nhập vào nước ta trong nhiều năm nay vẫn giữ được các chỉ tiêu kinh tế – kỹ thuật như lúc mới nhập, phát huy được trong sản xuất, đã trở thành nguồn thu nhập lớn cho nông dân các tỉnh trong toàn quốc và xuất khẩu sang một số nước.

* Lâm nghiệp

Công tác trồng rừng, chăm sóc và bảo vệ rừng đã đạt được nhiều tiến bộ, hàng triệu cây con đã được tạo ra để chuyển giao vào công tác trồng rừng. Kết quả trong 5 năm 1996 – 2000 đã trồng được 1,1 triệu ha rừng tập trung, bảo vệ 9,3 triệu ha rừng hiện có, khoanh nuôi tái sinh 700 nghìn ha. Tổng diện tích và độ che phủ rừng cả nước tăng lên đáng kể: năm 1995, có 9.302.200 ha, chiếm 28,3% độ che phủ; năm 2000, có 10.915.592 ha, chiếm 33,2% độ che phủ. Năm 2003, diện tích rừng tập trung theo Chương trình 5 triệu ha rừng đạt 200.000 ha, diện tích rừng bị cháy giảm 60%, bị phá giảm 51% so với năm 2002.

Nhiều biện pháp kỹ thuật, quy trình sản xuất đã được chuyển giao như: quy trình khôi phục, chăm sóc, làm giàu rừng; quy trình trồng rừng thâm canh phục vụ nguyên liệu giấy đưa năng suất từ 8 – 10 m3/ha/năm lên 18 – 20 m3/ha/năm ở 5 tỉnh miền núi phía Bắc; quy trình trồng bạch đàn; quy trình trồng phi lao; quy trình ươm thông nhựa và trồng thông trên các vùng đất khô cằn, kỹ thuật trích nhựa thông; kết quả nhân giống luồng bằng cành không sử dụng kích thích tố.

Trong thời gian qua, chúng ta đã nghiên cứu thành công kỹ thuật nhân giống keo lai bằng hom phổ biến cho các tỉnh phía Nam. Đồng thời chuyển giao công nghệ nuôi cấy mô các giống keo lai, cung cấp giống cho các dự án khuyến lâm. Ba dòng keo lai tự nhiên BV10, BV16 và BV32 đã được công nhận giống có khả năng sinh trưởng nhanh, có giá trị kinh tế hơn keo lá tràm. keo tai tượng bạch đàn đã được đưa vào phổ biến rộng rãi trong sản xuất, tạo ra hàng triệu cây con để trồng rừng. Kết quả rừng trồng sau 3 – 4 năm đã cho tỷ lệ cây sống, tỷ lệ tăng trưởng, năng suất rừng trồng tăng lên gấp hai lần (có nơi tăng gấp 5 lần) so với rừng trồng bằng cây con có nguồn gốc từ hạt.

Về nuôi trồng thủy sản: Chúng ta đã nghiên cứu thành công mô hình nuôi tôm sú năng suất cao (1,5 – 2,5 tấn/ha) ít phải thay nước; các mô hình nuôi cá kết hợp với lúa có năng suất lúa 4,5 – 5 tấn/ha/năm. Áp dụng và chuyển giao rộng rãi quy trình sản xuất tôm sú, tôm tảo, tôm càng xanh, cung cấp tôm giống chủ động cho việc nuôi tôm thương phẩm.

Nghiên cứu thành công và áp dụng rộng rãi công nghệ sản xuất giống cá ba sa nhân tạo, thay thế hoàn toàn và không phụ thuộc vào việc phải nhập cá giống từ Campuchia, hạ giá thành cá giống, chủ động trong sản xuất, góp phần mang tính quyết định trong việc khôi phục và phát triển nghề nuôi cá bè. Trong nghiên cứu đã đạt được kết quả sản xuất giống thủy sản biển (cá giò, cá song) và cá nước ngọt (cá chép lai, cá rô phi đơn tính, trê lai, cá bống, cá tra,…). Sản xuất được giống cua biển, ghẹ, điệp, ốc hương, sò huyết, trai ngọc. Đồng thời đã đạt được kết quả nuôi vi tảo, luân trùng, artemia thu bào xác và sản xuất thức ăn công nghiệp cho tôm cá.

Về khai thác thủy sản: Hoạt động nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực này đã đạt được một số thành tựu đáng kể, như: xây dựng atlas ngư cụ Việt Nam gồm 100 bản vẽ về các mẫu ngư cụ điển hình ở Việt Nam; xác định các nghề có năng suất cao phù hợp với cỡ loại tàu khai thác hải sản xa bờ; khảo sát, thiết kế và thi công các mẫu lưới kéo đôi cho tàu công suất 200 và 300 CV; tiến hành thiết kế ba loại lưới rê mực (2a=50; 60; 70mm); ứng dụng thành công chài di động cho nghề vây khơi khai thác thủy sản.

Về chế biến thủy sản: Áp dụng chương trình quản lý chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm theo hệ thống HACCP. Công nghệ chế biến một số sản phẩm từ cá tạp; công nghệ chế biến nước mắm ngắn ngày sử dụng enzim có nguồn gốc vi sinh vật và thực vật.

Một phần của tài liệu Chuyển giao công nghệ ở Việt Nam thực trạng và giải pháp (Trang 65)