Kinh nghiệm của Ấn Độ

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sỹ - Giải pháp thúc đẩy xuất khẩu mặt hàng dệt may sang thị trường Hoa Kỳ sau khi Việt nam gia nhập WTO (Trang 42)

Trong lịch sử dệt may thế giới, Ấn Độ đã từng là quốc gia có ngành công nghiệp dệt may lớn nhất thế giới. Hai thế kỷ trước đây hàng dệt may của Ấn Độ có mặt ở hầu hết các quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên sau khi giành được độc lập, ngành công nghiệp này đã bị biến thành một đống đổ nát, chỉ còn lại những nhà máy bị bỏ hoang.

Trong khoảng năm năm trở lại đây, Ấn Độ đã nỗ lực tiến hành cải cách, đầu tư mạnh vào công nghiệp dệt may và đạt được mức tăng trưởng lớn. Năm 2004 kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của nước này là 25 tỷ USD và với tốc độ tăng trưởng 40 – 52% như hiện nay thì Ấn Độ đang là đối thủ đáng gờm với Trung Quốc trong lĩnh vực này.

Thời điểm WTO dỡ bỏ chính sách hạn ngạch đã mở ra nhiều vận hội mới cho ngành dệt may Ấn Độ, đặc biệt là cánh cửa vào thị trường phương Tây.

Bản thân Ấn Độ cũng đã nỗ lực hết sức để tận dụng cơ hội tuyệt vời này. Hiện nay, Chính phủ và ngành dệt may Ấn Độ đang phối hợp chặt chẽ nhằm giúp cho ngành dệt may đạt được mức tăng trưởng lớn. Ấn Độ đã đưa ra nhiều chiến lược cụ thể như kết hợp nông nghiệp với dệt may để đảm bảo nguồn cung cấp bông đầy đủ phục vụ cho sản xuất chỉ và công nghiệp dệt, tránh tình trạng giá bông dao động làm ảnh hưởng tới giá cả sản phẩm ngành may, cố gắng giảm phụ thuộc vào nhập khẩu bông từ Ai Cập, Sudan và Parkistan.

Đến nay các nhà máy, công ty may của Ấn Độ được điều hành bởi một hệ thống các nhà quản lý mới, họ tập trung, quan tâm đến hoạt động sát nhập nhằm nâng cao chất lượng và tiết kiệm chi phí. Trong khi đó, Chính phủ nước này cũng theo dõi sát sao hoạt động của ngành dệt may. Từ năm 2000 – 2002, Ấn Độ đã đầu tư gần 1,2 triệu USD để hiện đại hóa những nhà máy bị xuống cấp do quản lý yếu kém; 2 tỷ USD khác cũng được rót vào mua máy móc hiện đại, phục vụ cho dây chuyền sản xuất và hệ thống quản lý chất lượng nhằm đạt tiêu chuẩn quốc tế. Hiện nay, 70% nhà xưởng của Ấn Độ hiện đại hơn các cơ sở sản xuất của Trung Quốc hay Parkistan. Chính phủ Ấn Độ còn khuyến khích phát triển công nghiệp may bằng cách cho phép tự do vay vốn của nước ngoài.

Trong khoảng hai năm trở lại đây, các công ty dệt may Ấn Độ đầu tư khoảng 700 triệu USD vào nhà máy và trang thiết bị mới; và dự kiến sẽ đầu tư thêm khoảng 2,5 tỷ USD đến 2010 để tăng sản lượng và thu hút các nhà bán lẻ ngoại quốc đến đặt hàng. Giới chuyên môn nhận định Ấn Độ đang trở thành đối thủ nặng ký nhất của Trung Quốc về sản xuất và xuất khẩu hàng dệt may.

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sỹ - Giải pháp thúc đẩy xuất khẩu mặt hàng dệt may sang thị trường Hoa Kỳ sau khi Việt nam gia nhập WTO (Trang 42)