HÀNG DỆT MAY VIỆT NAM SANG THỊ TRƯỜNG HOA KỲ SAU KHI VIỆT NAM GIA NHẬP WTO
Việt Nam gia nhập WTO và việc bãi bỏ hạn ngạch dệt may
Dệt may là một trong những ngành công nghiệp phát triển của Việt Nam, với kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này thuộc hàng lớn nhất trong số các mặt hàng xuất khẩu chủ lực. Sau khi Hiệp định Thương mại Việt Hoa Kỳ được phê chuẩn và có hiệu lực từ 10/12/2001, Việt Nam và Hoa Kỳ đã ký tiếp Hiệp định Dệt may song phương, có hiệu lực từ 1/5/2003 đến 31/12/2004 và liên tục được gia hạn hàng năm đến khi Việt Nam chính thức là thành viên của WTO.
Theo các nội dung này, hàng dệt may của Việt Nam không còn chịu mức thuế từ 48% đến 90% đối với một số sản phẩm, mà mức thuế sẽ chỉ còn dưới 10%. Đây là những thuận lợi rất lớn cho hàng Việt Nam có khả năng cạnh tranh trên thị trường Hoa Kỳ. Và khi chính thức trở thành thành viên của WTO kể từ ngày 11/1/2007, Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ cơ chế mới của
WTO. Hiệp định về hàng dệt may của WTO (ATC) được ký kết tại Vòng đàm phán Uruguay (thay thế cho Hiệp định đa sợi), đã quy định chương trình nhất thể hoá các sản phẩm dệt may vào hệ thống thương mại đa biên, mà khi các sản phẩm đã được nhất thể hoá thì không phải chịu sự hạn chế về số lượng nữa. Theo đó, ngay sau khi trở thành thành viên chính thức WTO, Việt Nam đã được các nước thành viên WTO, trong đó có Hoa Kỳ, dỡ bỏ hạn ngạch xuất khẩu vào các nước này. Hạn ngạch đối với hàng dệt may xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ cũng sẽ được bãi bỏ, phù hợp với các quy định trong Thỏa thuận song phương về việc Việt Namgia nhập WTO cũng như quy định tại điều 20(B) của Hiệp định Dệt may song phương. Dệt may Việt Nam từ chỗ bị khống chế theo hạn ngạch, thì nay đã được phép xuất khẩu theo năng lực và nhu cầu thị trường, do đó khả năng mở rộng sản xuất và xuất khẩu là rất lớn.
Việt Nam cũng sẽ được hưởng lợi từ cơ chế mới của WTO. Tại Vòng đàm phán Uruguay, Hiệp định về hàng dệt - may được ký kết, thay thế cho Hiệp định đa sợi. Thực chất của Hiệp định đa sợi là các nước phát triển, nhất là Hoa Kỳ và EU đặt ra cơ chế hạn ngạch nhằm bảo hộ công nghiệp trong nước, theo đó, hàng xuất khẩu của các nước đang phát triển vào các nước này phải chịu 15 - 30% thuế suất, đặc biệt là phải chịu hạn ngạch xuất khẩu. Hiệp định dệt may đã quy định chương trình nhất thể hoá các sản phẩm dệt may vào hệ thống thương mại đa biên. Khi các sản phẩm đã được nhất thể hoá thì không phải chịu sự hạn chế về số lượng nữa. Do đó, khi trở thành thành viên của WTO, hàng dệt may của Việt Nam sẽ không phải chịu hạn ngạch hoặc được hưởng sự nới lỏng các hạn chế về số lượng đối với các sản phẩm còn hạn ngạch. Từ 1/1/2005, trong khuôn khổ WTO, đã bãi bỏ toàn bộ hạn ngạch đối với nhập khẩu hàng dệt may từ các nước thành viên WTO.
Với những lợi thế sẵn có và hội tụ các điều kiện thuận lợi khác trong chuỗi cung ứng hàng dệt may, Việt Nam có thể mở rộng khả năng thâm nhập thị trường thế giới về mặt hàng này, trước hết là thị trường Hoa Kỳ, sau đó là
các thị trường khó tính khác như EU, Nhật Bản. Theo một số nghiên cứu định lượng cho thấy ngành dệt may là ngành có thể tăng trưởng cao nhất. Dự báo, xuất khẩu mặt hàng dệt tăng 75%, may tăng 44% khi thực hiện các cam kết WTO. Tuy nhiên, hàng dệt may Việt Nam sẽ bị cạnh tranh ngay tại thị trường nội địa bởi hàng Trung Quốc, Ấn Độ và Pakistan sau khi thuế nhập khẩu giảm từ 50% đối với hàng dệt may và 40% đối với vải xuống 10-15%. Bên cạnh đó, hệ thống các công ty bán lẻ của nước ngoài với tiềm lực lớn về vốn và kinh nghiệm sẽ cạnh tranh mạnh mẽ với các công ty bán lẻ hàng dệt may của Việt Nam trong nước, ảnh hưởng cả đến hệ thống các cửa hàng bán lẻ truyền thống của doanh nghiệp.
Việc bãi bỏ quota vào thị trường Hoa Kỳ là một thuận lợi nhưng thị trường Hoa Kỳ từ lâu đã được chia phần. Nếu tính theo kim ngạch xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ năm 2005 thì Trung Quốc chiếm 25,12% thị phần, Ấn Độ 5,18%, Pakistan 4,5%, Việt Nam chỉ chiếm 3,23% thị phần. Khả năng mở rộng thị phần sẽ gặp nhiều khó khăn vì ngành dệt may Việt Nam chủ yếu là làm gia công, trong khi khách hàng Hoa Kỳ chỉ muốn doanh nghiệp xuất theo giá FOB. Công nghiệp phụ trợ của ngành dệt may Việt Nam hiện quá yếu. Ngành dệt may hiện phải nhập khẩu hầu hết nguyên phụ liệu cho sản xuất: bông là 90%, xơ sợi tổng hợp nhập gần 100%, hóa chất thuốc nhuộm và máy móc thiết bị nhập gần 100%, vải 70%, sợi trên 50%, phụ liệu may khoảng 50%. Do vậy, kim ngạch xuất khẩu của ngành sang Hoa Kỳ, cho dù có bỏ quota, ước cũng chỉ tăng tối đa khoảng 8-10% mỗi năm. Sau năm 2008, khi Trung Quốc không còn bị khống chế bằng biện pháp tự vệ đặc biệt của Hoa Kỳ và châu Âu như hiện tại, có khả năng xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam sẽ bị giảm do cạnh tranh bởi hàng Trung Quốc.
Sự chuyển dịch đầu tư từ các nước như Đài Loan, Hàn Quốc, Malaysia và Trung Quốc
phát triển nhờ sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế của khu vực, đặc biệt là sự chuyển dịch cơ cấu đầu tư và chuyển hướng đầu tư vào lĩnh vực dệt may từ các nước như Đài Loan, Hàn Quốc, Malaysia và Trung Quốc.
Chi phí sản xuất trong ngành dệt may đang có xu hướng tăng cao tại các nước xuất khẩu chủ yếu, đặc biệt là Trung Quốc. Chính vì vậy, dòng đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực dệt may đang có xu hướng đổ vào Việt Nam.
Việc Hoa Kỳ, EU cảnh báo sẽ áp dụng các biện pháp tự vệ cần thiết để hạn chế sự tăng trưởng xuất khẩu dệt may quá nhanh của Trung Quốc (nhất là kể từ sau thời điểm 1/1/2005) là một cơ hội tốt cho doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian tới. Hiện nay, Hoa Kỳ đã áp dụng hạn ngạch trở lại đối với 3 nhóm hàng "nóng" nhất với mã số 338/339, 347/348, 652 nhập khẩu từ Trung Quốc và 11 nhóm hàng khác đang được điều tra xem xét để đi đến quyết định áp dụng hạn ngạch, trong đó có dệt may. Trong khi đó, một kế hoạch nhằm hạn chế sự gia tăng nhập khẩu dệt may đã được Liên minh châu Âu - EU thông báo với Trung Quốc. EU khuyến cáo sẽ theo dõi chặt chẽ khối lượng hàng dệt may Trung Quốc xuất sang các nước EU từ đầu năm 2005 và áp dụng các biện pháp hạn chế cần thiết nếu phát hiện thấy các sản phẩm dệt may nhập từ nước này đã tăng lên tới "điểm giới hạn nguy hiểm". Trước nguy cơ này, các doanh nghiệp Trung Quốc chắc chắn sẽ phải tìm cách hạn chế xuất khẩu tạm thời để tự vệ, tránh bị áp dụng các biện pháp hạn chế, hoặc tìm hướng đầu tư ra bên ngoài. Các khách hàng nhập khẩu cũng có tâm lý lo ngại và quay sang tìm kiếm nhà sản xuất thay thế, dự phòng nhằm tránh bị động. Tuy nhiên, chỉ nên xem đây là một cơ hội tốt để dệt may Việt Nam giảm bớt khó khăn hiện tại và tăng tốc xuất khẩu, chứ không thể phụ thuộc vào điều này vì các biện pháp hạn chế nhập khẩu đối với Trung Quốc của Hoa Kỳ và EU có thể chỉ được áp dụng trong một thời hạn ngắn. Việc EU bãi bỏ hạn ngạch dệt may cho Trung Quốc từ năm 2008 sẽ đẩy các doanh nghiệp dệt may Việt Nam vào thế cạnh tranh gay gắt hơn. Về lâu dài, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn phải tiếp tục
nâng cao năng lực cạnh tranh, liên kết sản xuất để có thể đáp ứng được những đơn hàng lớn, nhất là khi hạn ngạch xuất khẩu được bãi bỏ ở tất cả các thị trường xuất khẩu.
Là ngành kinh tế được ưu tiên phát triển
Công nghiệp dệt may được coi là một ngành kinh tế chủ chốt, thu hút một lực lượng lao động đáng kể, mang lại nguồn ngoại tệ lớn, chiếm 9% giá trị ngành công nghiệp, 16% giá trị kim ngạch xuất khẩu, 22% lao động của ngành công nghiệp. Đồng thời, với tư cách là ngành hàng xuất khẩu mũi nhọn trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, công nghiệp dệt may không những góp phần tăng tích luỹ tư bản cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền kinh tế, mà còn tạo cơ hội cho Việt Nam hoà nhập kinh tế với khu vực và thế giới.
Trong những năm tới, phát triển công nghiệp dệt may là một trong những định hướng quan trọng của phát triển kinh tế Việt Nam. Một mặt, đây là ngành công nghiệp có lợi thế cạnh tranh, mặt khác, phát triển công nghiệp dệt may tạo tiền đề để phát triển các ngành công nghiệp khác, đồng thời giải quyết vấn đề lao động, xoá đói giảm nghèo.
Khai thác lợi thế về nguồn lao động dồi dào
Một nhân tố có khả năng làm tăng xuất khẩu hàng dệt may trong những năm tới là nhờ lợi thế về lao động dồi dào và giá tương đối rẻ hơn so với các nước trong khu vực. Xét từ góc độ thương mại quốc tế, dệt may được đánh giá là ngành mà Việt Nam có lợi thế so sánh do tận dụng được nguồn nhân công dồi dào, giá rẻ và có tay nghề. Nhờ lợi thế này mà dệt may Việt Nam cũng được coi là có khả năng cạnh tranh so với các nước trong khu vực. Hiện nay, nhân công Việt Nam thu nhập trung bình mỗi tháng khoảng 80 USD, tức bằng 1/2 so với một công nhân Trung Quốc và bằng 1/5 so với một công nhân Nhật Bản. Bên cạnh việc tận dụng được lợi thế về lao động, phát triển sản xuất ngành này còn góp phần giải quyết các vấn đề xã hội cấp bách hiện nay,
đặc biệt là vấn đề việc làm và thu nhập.
Tuy nhiên xét về dài hạn, lợi thế này chỉ đem lại lợi ích ngắn hạn và giá trị gia tăng thấp, bởi nhân công, tài nguyên… chỉ là những lợi thế tĩnh và đang ngày càng mất ưu thế so với các lợi thế động khác, đó là hàm lượng tri thức, công nghệ và dịch vụ… Mặc dù trình độ dân trí của lao động Việt Nam khá cao, cộng thêm truyền thống cần cù, chăm chỉ, ham học hỏi và khéo léo, song nguồn nhân lực của Việt Nam phần lớn là lao động thủ công, quen với làm gia công, tác phong công nghiệp còn thiếu. Hơn nữa, cùng với việc gia nhập WTO, các doanh nghiệp trong ngành dệt may sẽ phải cạnh tranh nhau trong việc thu hút lao động, bằng việc cải thiện mức lương và tiền công lao động, tránh hiện tượng chuyển dịch lao động sang các doanh nghiệp khác có mức thu nhập và điều kiện làm việc tốt hơn, kể cả hiện tượng đình công, bỏ việc làm trong các doanh nghiệp dệt may, một hiện tượng từng xảy ra khá nhiều ở Việt Nam.
Như vậy, những lợi thế truyền thống của Việt Nam về lao động đang có xu hướng giảm nhanh cùng với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Để có thể tiếp tục tận dụng lợi thế này của ngành dệt may trong tương lai, Việt Nam cần nâng cao chất lượng nguồn lao động, nâng cao trình độ khoa học, công nghệ cho đội ngũ cán bộ, kỹ sư, cũng như tác phong công nghiệp, tay nghề cho người lao động, công nhân trong ngành, trong từng doanh nghiệp, xí nghiệp, cơ sở sản xuất. Bên cạnh đó, đã đến lúc chúng ta phải thay đổi tư duy trong cạnh tranh, chuyển từ việc cạnh tranh bằng lợi thế lao động rẻ sang cạnh tranh bằng chất lượng, giá cả và dịch vụ.
Các yếu tố khác
Bên cạnh những yếu tố tác động đến tăng trưởng xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam trong thời gian tới, xuất hiện những yếu tố mới có thể hạn chế tăng trưởng xuất khẩu mặt hàng này. Trước hết, sự suy giảm và khủng hoảng của kinh tế thế giới đã dẫn tới sự suy thoái của kinh tế Hoa Kỳ bắt đầu từ năm 2008. Điều này sẽ dẫn đến suy giảm nhu cầu tiêu thụ mặt hàng dệt may tại
Hoa Kỳ, do đó giảm thị phần xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam. Thứ hai, đồng đô la mất giá so với VND làm cho khả năng cạnh tranh của hàng xuất khẩu Việt Nam tại Hoa Kỳ giảm. Thứ ba, giá nguyên liệu đầu vào của ngành dệt may tăng làm tăng chi phí sản xuất của ngành dệt may. Thứ tư, lãi suất tiền gửi và cho vay của VND tăng làm tăng chi phí sản xuất nói chung và ngành dệt may nói riêng ở Việt Nam.
Tuy nhiên, trong dài hạn, ngành dệt may Việt Nam vẫn có nhiều cơ hội để phát triển. Vấn đề là Việt Nam phải làm thế nào để tạo dựng các yếu tố và chủ động phát triển ngành này.
1.5. KINH NGHIỆM CỦA MỘT SỐ QUỐC GIA TRONG VIỆC ĐẨY MẠNH XUẤT KHẨU DỆT MAY SAU KHI GIA NHẬP WTO
1.5.1. Kinh nghiệm của Trung Quốc
Sau thời điểm Trung Quốc chính thức gia nhập WTO, rất nhiều chuyên gia nghiên cứu về kinh tế Trung Quốc đã nhắc đến sự bùng nổ ngành công nghệ cao của Trung Quốc. Nhưng trên thực tế, ngành kinh doanh mà Trung Quốc hưởng lợi nhiều nhất lại là dệt may. Với qui mô dân số lớn nhất thế giới, nguồn lao động rẻ, Trung Quốc có đủ điều kiện và tiềm năng trở thành trung tâm sản xuất hàng dệt may lớn với chi phí thấp nhất trên thế giới.
Hệ thống quota hiện hành tại Hoa Kỳ không chỉ là rào cản đối với hàng dệt may Trung Quốc mà còn là chiếc ô bảo vệ cho nhiều nước xuất khẩu kém hiệu quả. Để chui qua hàng rào quota, các nhà sản xuất Trung Quốc buộc phải chịu thêm chi phí mua quota từ các nước khác, thông thường bằng cách thiết lập các nhà máy tại các địa điểm xa xôi trên toàn thế giới. Quota đang bóp méo bộ mặt của ngành dệt may thế giới qua những chi phí không cần thiết và tạo nên những trung tâm xuất khẩu kém hiệu quả. Trong khi đó, lợi ích bảo hộ mà các nước phát triển nhằm tới lại không như mong muốn. Đơn giản bởi các nhà sản xuất và môi giới luôn tìm được những đường vòng hợp pháp để thực hiện những bước đi của mình. Việc dỡ bỏ quota vào năm 2005 đã đồng nghĩa
với một quá trình sắp xếp lại toàn bộ ngành dệt may thế giới. Sức hấp dẫn từ phía Trung Quốc càng trở nên nổi bật hơn bao giờ hết. Ngay từ năm 1999, khi Trung Quốc đạt được thỏa thuận thương mại với Hoa Kỳ, rất nhiều nhà sản xuất dệt may lớn đã bắt đầu chuyển đổi hoặc mở rộng hoạt động của mình trên khắp đất nước Trung Quốc. Bản chất của các nhà sản xuất là muốn tìm kiếm không chỉ giá cả rẻ mà cả qui mô, kinh nghiệm, sự linh hoạt và hiệu quả, những yếu tố mà Trung Quốc vượt trội so với các quốc gia khác. Có thể thấy rằng sự cạnh tranh quyết liệt trong tương lai không phải là giữa Trung Quốc với các nước mà là giữa các vùng sản xuất của Trung Quốc mà thôi.
Trung Quốc là quốc gia hùng mạnh nhất thế giới trong lĩnh vực dệt may. Với nguồn cung cấp nguyên liệu bông, len, sơ sợi, vải, máy móc thiết bị, hóa chất, thuốc nhuộm cho đến nguồn nhân lực lao động, Trung Quốc đã tạo nên khả năng cạnh tranh rất lớn. Hơn nữa, Nhà nước Trung Quốc hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất dệt may nhiều mặt như: năm 1998-1999 trợ giá mỗi