Quốc hội thực hiện chức năng lập pháp nghĩa là Quốc hội phải thực hiện
và quán xuyến toàn bộ các giai đoạn của quá trình xây dựng pháp luật. Vấn
đề xây dựng Nhà nước pháp quyền phụ thuộc rất lớn vào việc xây dựng pháp luật mà nội dung trọng tâm là hoạt động làm luật của Quốc hội. Hoạt động làm luật của Quốc hội sẽ đạt hiệu quả cao khi tuân thủ những nguyên tắc sau
Một là, những đạo luật mà Quốc hội ban hành phải rõ ràng, minh bạch,
dễ hiểu. Theo Hàn Phi, khi pháp luật rõ ràng, dễ hiểu, việc thực thi pháp luật
sẽ thuận lợi, và mọi người dân cũng dễ tiếp cận với luật pháp. Thực tế hiện nay, quá trình xây dựng pháp luật của Quốc hội ở Việt Nam hiện nay cũng như việc ban hành các văn bản dưới luật của các cơ quan nhà nước là một vấn đề rất nan giải. Việc ban hành những văn bản pháp luật không rõ ràng đã dẫn tới phải ban hành tiếp theo những văn bản dưới luật để hướng dẫn thực hiện. Điều này làm cho những quy định pháp luật bị chồng chéo, rất khó thực thi các điều luật cho đúng với tinh thần luật pháp. Người dân càng không nắm bắt được nội dung các điều luật mới ban hành.
Hai là, những đạo luật mà Quốc hội ban hành phải phù hợp với hoàn
cảnh xã hội, thống nhất và ổn định, ít biến đổi. Đây cũng là một giá trị trong
thuyết Pháp trị của Hàn Phi. Hoàn cảnh xã hội thay đổi, đất nước đổi mới thì những điều luật cũng phải thay đổi cho phù hợp. Ví dụ như xóa bỏ cơ chế kinh tế bao cấp, thực hiện cơ chế kinh tế thị trường, những điều luật cấm sở hữu tư nhân phải được thay đổi bằng những điều luật kích thích các thành phần kinh tế phát triển, kể cả thành phần kinh tế tư nhân. Tuy nhiên, pháp luật phải thống nhất mới không tạo ra sự chồng chéo giữa các điều luật, giữa
các hoạt động thực thi pháp luật. Pháp luật ổn định sẽ không tạo ra những xáo trộn, bất ổn trong xã hội; bởi vì pháp luật là tiêu chuẩn cao nhất của xã hội.
Bên cạnh việc đảm bảo hai nguyên tắc cơ bản trong hoạt động lập pháp của Quốc hội, chúng ta cũng cần phải chú ý tới việc tăng cường chức năng
giám sát của Quốc hội. Hướng tới Nhà nước pháp quyền XHCN, để đảm bảo
quyền làm chủ đất nước của nhân dân, Quốc hội (cơ quan nhà nước do nhân dân bầu ra) không chỉ có quyền lập pháp mà còn phải thực hiện tốt quyền
giám sát tối cao việc thực thi pháp luật của các cơ quan nhà nước khác, mà
trước hết là Chính phủ; cũng như việc chấp hành pháp luật của mọi công dân.