Thực thi pháp luật

Một phần của tài liệu Thuyết pháp trị của Hàn Phi Tử và ý nghĩa của nó đối với việc xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN ở Việt Nam hiện nay (Trang 26)

Việc thực thi pháp luật chỉ có hiệu quả khi pháp luật được coi là quy tắc

chuẩn mực của mọi hành động. Pháp lệnh nghiêm minh là để ngăn chặn tội

lỗi và gạt bỏ tình riêng. Hình phạt nghiêm khắc là để quán triệt pháp lệnh trừng phạt kẻ dưới. Mọi chuyện ban thưởng, xử phạt đều phải tuân theo pháp lệnh. Ví như, người thợ mộc khéo léo tuy chỉ bằng mắt mình mà có thể nhìn ước lượng được chuẩn mực cho thích hợp, nhưng anh ta vẫn cứ phải lấy thước để làm chuẩn; cho nên, khi mực đã nẩy, những gì cong queo cũng phải chặt bỏ đi. Pháp luật phải là chuẩn mực của xã hội, quyết không thể vì quyền lực

và trách nhiệm mà uốn cong pháp lệnh. Cho nên, theo Hàn Phi, để chỉnh đốn

trật tự xã hội thì không có gì tốt bằng pháp chế (Thiên VI – Hữu độ) [21, 428].

Điều cần nhấn mạnh là tinh thần bình đẳng của pháp luật, nghĩa là ngoài vua ra, mọi người đều phải bình đẳng trước pháp luật. Vua chúa cũng phải có quyết tâm thi hành pháp trị, không vì tình riêng, quyền thế mà né tránh pháp luật. Ví như chuyện Kinh Trang Vương nước Sở nhắc nhở thái tử chớ coi

thường pháp luật nhà nước (Thiên XXXIV – Ngoại trừ thuyết hữu thượng)

[21, 576]. Trước pháp luật, người người đều bình đẳng. Tư tưởng tiến bộ này chính là tinh hoa của Pháp gia.

Pháp luật phải có tính phổ biến và tính tuyệt đối. Bởi vì, bậc thánh nhân

cai quản đất nước không dám trông chờ trăm họ có thể chịu sự cảm hóa về thiện và đức của mình, mà phải bằng một hệ thống pháp luật để kiềm chế họ, khiến cho họ không dám làm điều xằng bậy; nhờ đó mà hiệu lệnh nhân dân cả

nước như một. Bậc vua chúa anh minh phải coi trọng pháp trị. Trong thiên L – Hiển học, Hàn Phi nói: “…Dù không phải dùng thưởng phạt mà có được người dân tự làm điều thiện thì bậc minh quân cũng không quý. Tại sao vậy? Tại phép trị nước không thể mất, mà số dân cần trị không phải chỉ có một

người…” [21, 386]. Việc coi trọng pháp trị là do hành động chính trị đòi hỏi

phải có hiệu quả phổ biến và tất nhiên với đối tượng cai trị là toàn dân. Cảm hóa đạo đức chỉ mang tính cục bộ, ngẫu nhiên. Pháp trị tạo ra sự thống nhất giữa lời nói và hành động thông qua sự cưỡng chế. Nói như vậy không có nghĩa là Hàn Phi phủ nhận vai trò của đạo đức. Theo ông, cảm hóa đạo đức chỉ có tác dụng với thiểu số người dân lương thiện, còn đối tượng cai trị là toàn thể dân chúng (nghĩa là mọi loại người) thì cần phải chủ trương pháp trị, cưỡng chế. Đó là tính phổ biến và tuyệt đối của pháp luật trong khi thực thi nó.

Việc thực thi pháp luật phải bảo đảm tính nghiêm minh, cưỡng chế của

pháp luật. Đó là lý trí pháp luật, nhấn mạnh rằng tình cảm con người không

can dự vào kỷ cương, pháp luật. Công lý và tình riêng cần phải phân minh. Như vậy, theo Hàn Phi, người làm chính trị cần phải lạnh lùng, khách quan mà lại công bằng chính trực, đặt pháp luật lên trên hết một cách có lý trí. Qua đó, ông cũng phê pháp gay gắt quan điểm “nhân trị” của Nho gia, Mặc gia,

“Nhân từ không thể dùng để trị quốc” (Thiên XLIX – Ngũ đố) [21, 396].

Hàn Phi thường nhấn mạnh một nội dung quan trọng trong thực thi pháp luật là: “thưởng hậu, phạt nặng”. Bởi vì, thưởng phạt có tác dụng mạnh mẽ đến lòng tư lợi của con người. Ban thưởng hậu hĩnh, mọi người sẽ thiết tha mong lập được công lao; hình phạt thật nặng, người dân sẽ ghê sợ mà đoạn tuyệt với những hành vi gian manh, không dám phạm lỗi. Ban thưởng hậu hĩnh cho công lao của một người sẽ khuyến khích những người khác lập công. Hình phạt nặng đối với một kẻ phạm tội sẽ ngăn cấm được mọi người làm

chuyện xấu. “Cái gọi là hình phạt nặng để kẻ gian thấy rằng lợi ích có được do phạm tội là nhỏ bé mà hình phạt đưa tới lại vô cùng nặng nề; người ta không muốn vì cái lợi nhỏ mà phải chịu xử tội nặng nên sẽ không có những

hành động gian trá” (Thiên XLVI – Lục phản) [21, 462]. Luận về thưởng

phạt, Hàn Phi khẳng định chỉ có ban thưởng hậu hĩnh mới đủ khuyến thiện, chỉ có hình phạt thật nặng mới đủ diệt ác.

Một phần của tài liệu Thuyết pháp trị của Hàn Phi Tử và ý nghĩa của nó đối với việc xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN ở Việt Nam hiện nay (Trang 26)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(82 trang)