Khái quát về chế độ pháp trị ở Việt Nam trong lịch sử

Một phần của tài liệu Thuyết pháp trị của Hàn Phi Tử và ý nghĩa của nó đối với việc xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN ở Việt Nam hiện nay (Trang 47 - 51)

CHƯƠNG 2: MỘT SỐ GIÁ TRỊ TRONG THUYẾT PHÁP TRỊ CỦA HÀN PHI TỬ ĐỐI VỚI VIỆC XÂY DỰNG NHÀ NƯỚC

2.1. Một số giá trị rút ra trong thuyết Pháp trị của Hàn Phi Tử và những vấn đề cấp bách trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN

2.1.2. Khái quát về chế độ pháp trị ở Việt Nam trong lịch sử

Cần phải khẳng định rằng, Nhà nước pháp quyền Việt Nam hiện đại chính là sự kế thừa và phát triển nền pháp trị Việt Nam trong lịch sử. Như vậy, để có thể có được những khuyến nghị mang tính định hướng một cách khoa học và phù hợp với thực tiễn phát triển đất nước trong điều kiện hướng tới Nhà nước pháp quyền XHCN, trước hết, chúng ta phải đi nghiên cứu lịch sử chế độ pháp trị Việt Nam.

Nhà nước Việt Nam ra đời từ rất sớm trong lịch sử. Đó là thời đại Hùng Vương. Trong Đại Việt sử ký toàn thư có đoạn viết: "Hùng Vương lên ngôi, đặt quốc hiệu là Văn Lang... chia nước làm 15 bộ... Hùng Vương là người đứng đầu cả nước về quyền lực, cha truyền con nối... Dưới vua và giúp việc cho vua là các Lạc hầu. Dưới Lạc hầu là Lạc tướng, đứng đầu các bộ lạc"

[23, 133]. Trong buổi ban đầu này, cấu trúc nhà nước còn rất đơn sơ. Về mặt thời gian, nước Văn Lang, với tư cách là một Nhà nước phôi thai ra đời vào khoảng thế kỷ thứ VII trước Công nguyên [22, 93]. Về mặt pháp luật, hiện nay không có một tài liệu nào về pháp luật thành văn thời kỳ hình thành nhà nước Văn Lang. Chỉ có một chứng cứ lịch sử là lời tâu của Mã Viện đối với vua Hán trong thời kỳ khởi nghĩa Hai Bà Trưng rằng: "Luật Việt khác luật Hán hơn mười việc". Như vậy, nước ta đã có luật từ trước khi bị kẻ thù phương Bắc xâm lược. Đó là luật của người "Lạc Việt" mặc dù chưa phải là luật thành văn [37, 15].

Trong thời kỳ hơn nghìn năm Bắc thuộc, pháp luật của nhà nước phong kiến Trung Quốc được sử dụng để nô dịch dân tộc Việt Nam. Quá trình "Việt hóa" đã phản ánh ý chí kiên cường của dân tộc Việt Nam, không tuân thủ luật

pháp của kẻ thù. Thay vào đó là những quan hệ ứng xử theo tục lệ, tập quán của làng xã. Đó là sự hình thành, tồn tại và phát triển của cái gọi là "Lệ làng"

cho tới tận ngày nay, “lệ làng cao hơn phép nước”. Trong thời kỳ xã hội bị ngoại bang đô hộ, nguyên tắc ứng xử này là một giá trị, song đến nay, trong xã hội hiện đại, truyền thống này lại tồn tại như một tập tục tiêu cực, trở thành thói quen sống không theo pháp luật của người dân. Đó là lực cản lớn đối với quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN hiện nay.

Thế kỷ thứ XV được coi là cột mốc quan trọng trong tiến trình phát triển của pháp luật Việt Nam. Các vua Lê, từ Lê Thái Tổ đến Lê Thánh Tông đã dành nhiều chú ý cho việc xây dựng pháp luật. Hàng loạt các công trình luật pháp ra đời đã góp phần tạo nên hệ thống pháp luật phong kiến Việt Nam.

Tiêu biểu như: bộ Quốc triều hình luật gồm 6 quyển (1483), Luật thư gồm 6 quyển (1440 - 1442), Lê triều quan chế (1471),... Song song với việc ban hành các văn bản pháp luật, triều Lê đã tiến hành áp dụng luật pháp một cách kiên quyết và thống nhất trong cả nước. Nhờ đó, nhà Lê đã tạo ra một thời kỳ hưng thịnh của luật pháp và kỷ cương cho nước nhà.

Từ khoảng đầu thế kỷ XVI đến cuối thế kỷ XVIII, triều đại phong kiến nhà Lê suy vong, đất nước ta bị phân chia thành các lãnh thổ khác nhau với những cơ cấu tổ chức nhà nước và chế độ pháp luật khác nhau. Tổ chức nhà nước có sự khác biệt và phức tạp giữa Nam triều (Nguyễn Kim - "Phù Lê diệt Mạc") và Bắc triều (Mạc Đăng Dung - nhà Mạc), giữa Đàng Trong (họ Nguyễn) và Đàng Ngoài (họ Trịnh). Còn về pháp luật, suốt mấy trăm năm (XVI - XVIII), nền lập pháp Việt Nam gần như dẫm chân tại chỗ, pháp luật mang nặng tính cát cứ địa phương

Trong thời kỳ Pháp thuộc (1858 - 1945), tình hình phát triển pháp luật rất phức tạp, đất nước ta song song tồn tại hai loại pháp luật: pháp luật của

thực dân Pháp và pháp luật nhà Nguyễn. Bên cạnh những văn bản pháp luật của Pháp, nhà Nguyễn vẫn sử dụng bộ luật Gia Long để xét xử người bản xứ.

Đặc biệt, trong suốt tiến trình lịch sử dân tộc, có một vấn đề mà chúng ta không thể không nói tới khi bàn về chế độ pháp trị. Đó là những ảnh hưởng mạnh mẽ của Nho giáo đối với sự hình thành, phát triển nhà nước và pháp luật Việt Nam. Do chịu ảnh hưởng to lớn của Nho giáo, pháp luật trong lịch sử đã không trở thành yếu tố thống trị trong việc điều tiết các quan hệ xã hội.

Ngay cả khi pháp luật phát triển nhất thì cũng có sự tác động chi phối của Nho giáo. Chẳng hạn như các bộ luật dưới thời nhà Lê đều do các nhà Nho biên soạn: Luật thư do nhà nho nổi tiếng Nguyễn Trãi soạn, Quốc triều hình luật do nhà nho Phan Phù Tiên soạn. Tuy nhiên, họ đều theo các nguyên tắc

“nhân trị”, “lễ trị” của Nho giáo, không thừa nhận vai trò tối thượng của pháp luật. Hơn nữa, trong xã hội phong kiến Việt Nam, từ nhà Trần trở đi, không có cuộc đấu tranh giữa hai đường lối Pháp trị và Đức trị, mà chỉ có sự thống trị độc tôn của Nho giáo về mặt hệ tư tưởng chính thống. Giai cấp phong kiến Việt Nam tuy tiếp thu Nho giáo và coi trọng lễ nghĩa, nhưng đồng thời họ cũng sử dụng pháp luật, coi pháp luật là công cụ cần thiết nhất trong việc trị nước. Điều này cũng có thể được hiểu là: pháp luật phong kiến dùng để bảo vệ hệ tư tưởng Nho giáo và lễ nghi phong kiến, bảo vệ triệt để sự bền vững và quyền uy cao nhất của ngôi vua.

Sau này, khi nhà nước phong kiến suy vong, xã hội Việt Nam mang nặng nhiều ảnh hưởng tiêu cực của Nho giáo, luật pháp bị buông lỏng hoàn toàn, hoặc chỉ tồn tại về mặt hình thức. Tình trạng trọng lễ mà quyền lực không bị chế định đã hình thành một lối sống truyền thống tiêu cực, “trọng tình, trọng tiền hơn trọng luật”, “lệ làng cao hơn phép nước”, thói cục bộ, địa phương chủ nghĩa rất nặng nề. Cho tới nay, trong xã hội hiện đại, những lễ giáo phong kiến, đạo đức Nho giáo vẫn còn đè nặng lên con người Việt Nam. Vì

vậy, trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, chúng ta cũng cần phải tìm cách khắc phục những ảnh hưởng tiêu cực của Nho giáo đối với chế độ pháp trị.

Điều mà các nhà nghiên cứu chưa lý giải được tường tận là vì sao trong khi người Việt chịu ảnh hưởng lớn của “tam giáo đồng nguyên” (Nho, Phật, Lão) thì mặt đối lập của nó là thuyết Pháp trị lại không được du nhập và có ảnh hưởng không đáng kể. Có thể là do những nguyên lý cứng nhắc của Pháp trị không phù hợp với đời sống và tâm lý trọng tình nghĩa của người Việt;

không phù hợp với bản sắc văn hóa Việt Nam. Ngay cả khi xã hội có nhu cầu thực sự về pháp luật, các triều đại phong kiến Việt Nam phải sử dụng pháp luật như một công cụ cai trị, song cũng không có ai tôn pháp, trọng thuật như Hàn Phi. Vì vậy, khi xã hội suy vi cũng là lúc nạn tham nhũng, thói “mua quan, bán tước” hoành hành, không có bậc nhân nghĩa nào cứu vãn nổi.

Như vậy, pháp luật đã được hình thành với một mức độ nhất định trong các triều đại phong kiến Việt Nam. Tuy nhiên, sự phát triển pháp luật Việt Nam rất rời rạc, đứt đoạn, hiệu lực, hiệu quả pháp luật thấp. Nhìn chung, so với các nước châu Âu, cũng như các nước phát triển ở châu Á, tiêu biểu là Trung Quốc, Việt Nam không có truyền thống xã hội pháp quyền mạnh; ảnh hưởng của pháp luật với tư cách là công cụ quản lý nhà nước, xã hội rất thấp, người dân thường không hiểu pháp luật, không tôn trọng pháp luật. Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là xã hội truyền thống nước ta chịu ảnh hưởng nặng nề của Nho giáo với phương thức cai trị, quản lý Đức trị độc tôn của nó. Bên cạnh đó, nước ta không có những nhà tư tưởng Pháp trị xuất sắc.

Hơn nữa, việc truyền bá những tư tưởng pháp trị, pháp quyền từ bên ngoài vào trong nước trong lịch sử gặp rất nhiều hạn chế, thậm chí bị biến dạng, ảnh hưởng tới xã hội chưa thật lớn, chưa đủ sức cổ vũ cho việc xây dựng một nền dân chủ và Nhà nước pháp quyền. Đó là những thiếu hụt về truyền thống

văn hóa pháp lý đã và đang gây ra nhiều khó khăn trở ngại trong việc xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN ở nước ta hiện nay.

2.1.3. Một số vấn đề cấp bách trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp

Một phần của tài liệu Thuyết pháp trị của Hàn Phi Tử và ý nghĩa của nó đối với việc xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN ở Việt Nam hiện nay (Trang 47 - 51)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(82 trang)