Vua phải dựa vào thưởng phạt để củng cố quyền thế

Một phần của tài liệu Thuyết pháp trị của Hàn Phi Tử và ý nghĩa của nó đối với việc xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN ở Việt Nam hiện nay (Trang 31)

Những học thuyết của Hàn Phi Tử như "pháp", "thuật", "thế" đều không tách khỏi sự thưởng, phạt. Thưởng, phạt là hai mục lớn của "pháp", là hai công cụ của "thuật", là sự biểu hiện về sức mạnh của "quyền thế". Đứng về phương diện quyền thế mà nói, nếu nắm được sự thưởng phạt thì quyền thế mới ổn định.

Thưởng phạt chính là chỗ dựa để nhà vua khống chế được bề tôi. Nhà vua phải nắm lấy quyền sinh sát, tuyệt đối không để cho bề tôi cùng chia xẻ quyền hành. Thưởng hậu, phạt nặng, khen chê phải đúng lúc, phù hợp. Đó chính là nguyên tắc chủ yếu của sự thưởng phạt. Theo Hàn Phi, muốn bình được thiên hạ thì phải thuận theo nhân tình, nghĩa là thuận theo nhân tình để định ra sự thưởng phạt. Bởi vì, tình cảm của con người vốn có sự yêu mến, chán ghét; cho nên sự thưởng phạt cũng phải dựa vào chỗ đó mà khen thưởng hay trừng phạt; cũng có thể từ đó mà định ra pháp lệnh, hễ cứ việc gì có lệnh cấm mà cứ làm là sẽ bị phạt, còn việc gì được khuyến khích mà làm được thì sẽ có thưởng. Vua là người nắm giữ quyền bính, là người sử dụng quyền thế; cho nên hễ vua ra lệnh làm thì mọi người phải răm rắp tuân theo, vua ra lệnh cấm thì mọi người phải dừng lại ngay.

Trong Thiên VII - Nhị bính, Hàn Phi Tử đã khẳng định công hiệu của sự thưởng phạt khi ông nói về Việt Vương Câu Tiễn, "Việt Vương hiếu dũng mà đa số nhân dân coi thường sự chết" [21, 426]. Vì tin tưởng vào sự thưởng

phạt mà binh sĩ nước Việt bất chấp cả nước sôi lửa bỏng, liều mình xông lên phía trước, lúc chiến đấu ai cũng xem cái chết nhẹ tựa lông hồng.

Trong thiên XXX - Nội trừ thuyết thượng, kế thừa tư tưởng của Tử Sản, Hàn Phi nhấn mạnh người nắm chính quyền phải có uy thế uy nghiêm thì thần dân mới toàn tâm toàn ý tuân theo pháp luật. Ví như lửa rất dũng mạnh uy nghi nên mọi người luôn đề cao cảnh giác mà ít bị bỏng; nước thì mềm mại,

hiền hòa nên mọi người coi thường mà hay bị chết đuối [21, 513].

Luận về quyền thế, Hàn Phi thường phản đối sự hiền từ nhân đức, nhưng ông cũng không hoàn toàn ca ngợi tâm địa độc ác. Thưởng phạt phải thỏa đáng với mọi người. Trong Thiên XXXVIII - Nạn tam [21, 608], Hàn Phi đã bài xích những câu nói của Khổng Tử với Diệp công tử Cao trong vấn đề chính quyền. Từ đó, ông đề xuất chủ trương "trọng Thế". Vì dân của Diệp Công có ý làm phản nên Khổng Tử khuyên Diệp Công phải "duyệt cận viễn lai" (làm vui lòng kẻ ở gần để kẻ ở xa đến thần phục). Từ góc độ học thuyết Nho gia mà xem xét, sau khi tu thân tề gia, người muốn trị quốc phải được kẻ ở gần vừa lòng, kẻ ở xa đến thần phục thì mới đạt đến mức độ bình thiên hạ. từ góc độ Pháp trị, Hàn Phi cho rằng "duyệt cận viễn lai" là chưa đủ. Bởi vì vua làm như vậy là tranh giành nhân tâm với thần tử, khiến cho dân chúng chỉ mong chờ vận may, vừa không biết dùng uy thế để ra lệnh cấm đoán hành vi sai trái, vừa không biết dùng thủ thuật để xác minh gian tình của thần dân. Qua đó, ông vận dụng học thuyết Đạo gia để nhấn mạnh rằng nhân khi sự việc còn nhỏ, dễ xử lý thì phải giải quyết sớm sẽ không sợ dân làm phản. Vận dụng thưởng phạt thỏa đáng, phù hợp với hành vi thực tế của nhân dân. Mọi việc đều làm theo pháp lệnh thì nhân dân không cần phải nhớ ơn hay cảm kích về sự khen thưởng của nhà vua, mà cũng không còn oán trách, thù hận về hình phạt của nhà vua.

Một phần của tài liệu Thuyết pháp trị của Hàn Phi Tử và ý nghĩa của nó đối với việc xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN ở Việt Nam hiện nay (Trang 31)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(82 trang)