Vận dụng phương thuật cố nhiên là phải bí mật bất ngờ nhưng cũng có những nguyên tắc cơ bản. “Vô vi” theo Hàn Phi Tử là một thứ phương thuật được chuyển hóa từ tư tưởng Đạo gia. Pháp là quy tắc cho toàn dân thi hành, dùng thuật cũng phải giữ gìn tôn trọng pháp luật. Có như vậy mới có sự phục tùng. Vua đặt ra pháp chế, đôn đốc các quan cai trị dân chúng, đòi hỏi bề tôi
phải đạt được hiệu quả chắc chắn. Đó là quan điểm “vô vi” của Hàn Phi Tử,
nó hoàn toàn khác với sự hư không tĩnh lặng, không làm nên trò trống gì trong “vô vi” của Lão Tử. Tuân thủ pháp luật thì trách nhiệm mới hoàn thành,
“bậc vua chúa chính là những người giữ yên pháp chế, xem xét bề tôi có làm được việc hay không; cho nên bậc vua chúa anh minh chỉ cần cai quản các quan lại cho tốt, không cần phải hao phí tinh thần sức lực để cai trị dân
chúng” (Thiên XXXV – Ngoại trừ thuyết hữu hạ) [31, 394]. Đó là sự vận
dụng cao nhất của “thuật”.
Theo “vô vi”, quyền uy của vua không cần phải thể hiện ra ngoài. Mọi việc được chia cho văn võ bá quan, quyền bính chủ yếu, quan trọng được đặt trong tay vua. Thánh nhân nắm được quyền bính chủ yếu, văn võ bá quan từ bốn phương sẽ lui tới, đem sức lực ra phục vụ. Vua chỉ cần đối xử với họ một cách bình thản, họ sẽ tự thể hiện tài năng của mình. Văn võ bá quan khắp nơi tự giữ được cương vị của mình rồi thì vua sẽ có thể quan sát được mọi hoạt động của họ bằng sự bình thản tĩnh lặng. Quần thần quanh vua đã được sắp
đặt đâu vào đấy thì vua cứ việc mở rộng cửa để đón những chính kiến và chính tích. Vua tôi đều ở vào vị trí thích hợp nên trên dưới yên ổn, có thể chẳng cần phải làm gì cả. Điều đó cũng giống như cứ để cho gà gáy báo trời, bắt mèo săn chuột; khi quần thần đều trổ hết tài năng của mình thì vua ở trên ngai vàng có thể yên vị vô sự. Vua mà kiêu ngạo khoa trương, thích khoe khoang tài năng của mình thì văn võ bá quan sẽ dựa vào đó để nịnh hót, lấy lòng mà dối gạt vua, trật tự vua tôi sẽ rối loạn, đất nước sẽ không thể cai
quản nổi (Thiên VIII – Dương quyền) [31, 71]. Nắm được quyền bính chủ
yếu, thủ tĩnh “vô vi”, bậc minh quân sẽ khiến bề tôi phải trổ hết tài năng mà mình thì không phải làm gì vất vả.
Tuy nhiên, nguyên tắc cơ bản của “vô vi” trị theo Hàn Phi là phải dựa
vào pháp luật. Bởi vì, “vua không thể đủ thời gian để đôn đốc tất cả bề tôi
làm việc; cũng không thể dựa vào cảm giác và lý trí của mình để cai trị các
quan. Vua phải dựa vào thưởng phạt để thẩm định việc thưởng phạt” (Thiên
VI – Hữu độ) [31, 60]. Pháp luật tuy giản lược mà mọi người đều không dám xúc phạm. Đó là do vua nắm được quyền thế, hiểu được hành pháp, dụng thuật. Đây cũng giống như nguyên tắc phân quyền, phân cấp quản lý trong khoa học quản lý hiện đại.
“Vô vi” của vua cũng có ý nghĩa là tập hợp tài trí của muôn người tạo
nên thành quả chung. Sức mạnh của một người không thể thắng sức mạnh
của muôn người, trí khôn của một người không thể hiểu hết được mọi vật. Sức mạnh và trí óc của vua không thể bằng sức mạnh và trí óc của tất cả mọi người trong nước. Cho nên bậc minh quân cai quản đất nước, trước khi quyết định công việc thường trưng cầu ý kiến, tập trung trí tuệ và sức mạnh của mọi người dân; nhờ vậy mà gặt hái những thành quả tốt đẹp.
Cũng chỉ có “vô vi”, vua mới có thể thăm dò, đánh giá được bề tôi. Do lợi ích của vua và bề tôi không giống nhau, bề tôi thường nhòm ngó ý vua,
tìm cách làm vừa lòng vua để mưu lợi riêng, thậm chí khi cần có thể dối gạt, phản bội vua; từ đó làm ảnh hưởng đế sự cường thịnh của quốc gia. Bởi vậy, Hàn Phi Tử chủ trương vua “chỉ có để yên không làm gì cả mới có thể suy đoán được tình hình thực tế của bề tôi” (Thiên XXXIV – Ngoại trừ thuyết hữu thượng) [31, 366]. Vua không làm việc gì sơ xuất, không tùy tiện biểu lộ sự yêu ghét, thì bề tôi sẽ không nhòm ngó được, sẽ an phận thủ thường, tôn trọng và thi hành pháp luật. Đó mới gọi là “hư tĩnh vô vi”.