Hàn Phi Tử rất coi trọng việc vận dụng thuật “hình – danh”. Vua đôn đốc nhắc nhở quần thần, đánh giá thành tích của họ dựa trên cơ sở lời nói phải
đi đôi với việc làm, thực chất phải phù hợp với danh nghĩa; tuân theo pháp
luật, định được công tội thì quyết định được việc thưởng phạt. Đó là những phép tắc được sử dụng công khai, được phát huy từ tài trí của vua. Nó làm cho cái “thuật” vừa bí mật, vừa công bằng xác đáng trong từng công việc của vua.
Theo Hàn Phi, “Đạo” là bản thể của muôn loài, là chuẩn tắc của điều phải, điều trái. Cho nên, bậc minh quân nắm lấy bản thể của muôn loài thì sẽ biết rõ căn nguyên của sự vật; nắm được chuẩn tắc của điều phải điều trái thì sẽ biết được đầu mối của cái tốt cái xấu; do đó, cứ chờ đợi một cách khiêm tốn và yên lặng để cho danh nghĩa tự nó tỏ rõ, để cho sự việc tự nó xác định. Khiêm tốn sẽ biết được tình hình đích thực của sự vật, yên lặng sẽ biết được tính chính xác của hành động. Ai có đề xuất gì thì phải chứng tỏ sự phù hợp với thực tiễn; ai đảm nhận công việc gì thì phải tự giải quyết công việc cho phù hợp với chủ trương của họ. Việc làm và lời nói phải được thống nhất với nhau. Bởi vậy, vua có thể yên lặng mà lời nói và công việc của bề tôi tự tỏ rõ tính chân thực của nó.
Nếu vua chúa không thẩm tra xem xét sự việc kỹ lưỡng, những bậc hiền sĩ, những người có tài thực thi pháp thuật sẽ bị hại, tổn hao nhân tài của đất nước. Theo Hàn Phi, bậc vua chúa với những người có sách lược sử dụng pháp luật sáng suốt, không có sự nghiên cứu kỹ lưỡng mà đã ra lệnh giết chết; đối với bọn người bợ đỡ được các quan lại triều thần tiến cử không đợi đến lúc có công đã ban cho tước lộc. Như vậy thử hỏi những người có sách lược trị nước sáng suốt có dám đương đầu với mối nguy hiểm để đề xuất ý kiến của họ hay không? Bọn bề tôi gian tà có chịu tự rút lui để từ bỏ lợi ích của họ hay không? Chính vì vậy mà uy quyền của nhà vua ngày càng bị thu
hẹp, thế lực riêng của bọn quyền quý thì ngày càng được lớn mạnh (Thiên XI
– Cô phẫn) [21, 645].
Để giúp vua khống chế được bề tôi, Hàn Phi chủ trương vua phải sử dụng thuật "Tham ngũ". Tham ngũ tức là đạo lý của vua về cách thức quan
sát bề tôi một cách tỉnh táo và tỉ mỉ. Khi khảo sát tỉ mỉ bằng nhiều phương
diện, vua sẽ phát hiện người hiền tài trong đám bề tôi; cho đám bề tôi khảo sát lẫn nhau thì có thể phát hiện ra cái thật, cái giả và những điều sai sót trong đám bề tôi. Muốn vậy, theo Hàn Phi, vua phải có cách trừng trị thích đáng và cụ thể đối với bọn người kết bè kéo cánh làm lợi cho riêng mình và khen thưởng những người biết tuân theo pháp luật, trừng phạt những ai biết kẻ gian mà không tố cáo, coi tội đó bằng với tội của kẻ gian. Còn đối với lời nói của kẻ khác, phải phối hợp các sự việc rồi đem đối chiếu với các điều kiện thiên thời, địa lợi, nhân hòa sau đó thẩm định lại những điều kiện trên, nếu thấy phù hợp thì mới kết luận đó là kẻ ác hay người hiền tài. Vua cần phải lắng nghe ý kiến của nhiều người để hiểu rõ thực chất tình hình. Vua phải áp dụng nhiều thái độ cư xử khác nhau, thay đổi sự ban phát ân trạch để khảo sát thái độ trung hay gian của bề tôi. Vua ban bố rõ các pháp lệnh để làm cho bề tôi tránh được tội lỗi. Vua lập ra chế độ kiểm tra để theo dõi các quan có
hành vi độc đoán chuyên quyền (Thiên XLVIII - Bát kinh) [31, 531]. Như vậy, thuật "Tham ngũ" mà Hàn Phi đề ra đảm bảo cho việc thi hành pháp luật có đầy đủ tính khách quan. Việc sử dụng thuật "Tham ngũ" đòi hỏi vua chúa phải có nhiều kỹ xảo và mưu kế rất đặc biệt.