Hiện nay có một bộ phận không ít giáo viên cho rằng học sinh đến trường chỉ là để học tập văn hoá và nhiệm vụ trọng tâm của họ là dạy chữ, còn giáo dục đạo đức là việc của người khác, là trách nhiệm của gia đình, của BGH, của giáo viên chủ nhiệm, họ không phải chịu trách nhiệm về việc ấy. Rất đáng tiếc quan điểm này không chỉ có ở một số ít người. Vì vậy họ phó mặc việc giáo dục đạo đức cho nhà trường, cho giáo viên chủ nhiệm, cho Đoàn thanh niên. Đành rằng giáo dục văn hoá là quan trọng nhưng văn hoá và đạo đức không hề tách rời nhau mà có quan hệ mật thiết với nhau, hỗ trợ nhau trong quá trình hoàn thiện nhân cách, trí tuệ cho học sinh. Giáo dục đạo đức phải được thực hiện đồng bộ trong tất cả các hoạt động của nhà trường, thông qua từng môn học, từng giờ học, trong từng hoạt động hàng ngày và là trách nhiệm của tất cả mọi cá nhân, tổ chức, đoàn thể trong trường. Mỗi hành vi, mỗi lời nói của thày đều được học sinh
nhận xét, đánh giá. Công tác giáo dục đạo đức sẽ kém hiệu quả nếu không tạo được sự đồng thuận, ủng hộ trong hội đồng giáo dục nhà trường. Mỗi giáo viên chủ nhiệm hàng tuân chỉ dạy ở lớp mình vài ba tiết, trong khi mỗi lớp có trên chục môn học khác nhau cùng từng ấy thày cô dạy. Rõ ràng nếu mỗi giáo viên bộ môn có trách nhiệm hơn một chút thì hiệu quả giáo dục đạo đức sẽ tăng lên rất nhiều. Hơn nữa xuất phát từ nhận thức sai lệch như vậy về giáo dục đạo đức nên giáo viên không thể hiểu được tâm sinh lý lứa tuổi học sinh, không hiểu được tâm tư nguyện vọng và suy nghĩ của các em, vô cảm trước các hành vi của các em và do đó dễ dẫn tới áp đặt chủ quan, tình cảm thày trò không gần gũi, vì thế chất lượng và hiệu quả giáo dục chắc chắn không cao.