Đặc điểm tình hình trường THPT Cẩm Lý

Một phần của tài liệu Một số giải pháp quản lý nhằm nâng cao chất lượng quá trình giáo dục đạo đức cho học sinh trường Trung học phổ thông Cẩm Lý huyện Lục Nam - tỉnh Bắc Giang (Trang 44)

- Quản lý các điều kiện để thực hiện quá trình giáo dục đạo đức trong nhà trường

2.2.1. Đặc điểm tình hình trường THPT Cẩm Lý

2.2.1.1. Sơ lược lịch sử nhà trường

Năm 1979 trường Bổ túc văn hoá vừa học vừa làm Cẩm Lý được thành lập nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của con em đồng bào các dân tộc khu vực đồng chiêm trũng của huyện Lục Nam, bao gồm các xã: Cẩm Lý, Đan Hội, Vũ Xá, Bắc Lũng, Yên Sơn, Khám Lạng, Huyền Sơn.

Thời kỳ đầu mới thành lập do cơ sở vật chất rất khó khăn, đội ngũ thiếu, không đồng bộ, dẫn đến chất lượng giáo dục còn nhiều hạn chế nên hàng năm chỉ tuyển sinh chỉ từ 1 đến 2 lớp với khoảng trên dưới 100 học

sinh, thậm chí có những năm chỉ tuyển được một lớp với trên hai chục học sinh. Có những thời kỳ tưởng chừng trường tan rã.

Năm 1996, do tình hình kinh tế - xã hội phát triển, đời sống nhân dân trên địa bàn được nâng lên nên nhu cầu học tập, nhất là ở bậc THPT ngày càng cao. Đòi hỏi cấp bách là phải có một trường THPT trên địa bàn mới đáp ứng được nhu cầu học tập của con em nhân dân cũng như mới đáp ứng được nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực phục vụ công cuộc phát triển kinh tế xã hội của địa phương trong giai đoạn mới. Trước thực tế đó, theo đề nghị của UBND huyện Lục Nam và Sở GD - ĐT, tháng 6 năm 1996 UBND tỉnh Hà Bắc (Nay là tỉnh Bắc Giang) đã ra quyết định thành lập Trường phổ thông cấp 2 - 3 Cẩm Lý trên cơ sở sát nhập hai trường: Trường BTVH VHVL Cẩm Lý và Trường THCS Cẩm Lý. Năm đầu tiên thành lập toàn trường có 23 lớp với khoảng trên 1000 học sinh trong đó khối THCS có 17 lớp, khối BTVH có 4 lớp, khối THPT chỉ tuyển được 2 lớp 10 với hơn 100 học sinh. Từ năm học thứ hai trở đi (Năm học 1997 - 1998), quy mô nhà trường phát triển rất nhanh chóng. Đến năm học 1999 - 2000 trường đã có 33 lớp, trong đó có 16 lớp THCS, 17 lớp THPT với hơn 1600 học sinh. Với quy mô phát triển quá nhanh chóng như vậy, nên CSVC của nhà trường ngày càng trở nên quá tải, sự quản lý một nhà trường hai cấp học có đặc thù về học sinh và đội ngũ giáo viên hết sức khác nhau ngày càng trở nên phức tạp, gây khó khăn không ít cho các hoạt động giáo dục của nhà trường. Hơn nữa để đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục và hiệu quả quản lý cũng như để đáp ứng nhu cầu phát triển của hai nhà trường nên tháng 7 năm 2000, UBND tỉnh Bắc Giang đã ra quyết định số 133/ QĐ - UB ngày 11 tháng 7 năm 2000 về việc thành lập trường THPT Cẩm Lý trên cơ sở tách Trường PT cấp 2 - 3 Cẩm Lý thành hai trường: Trường THPT Cẩm Lý và Trường THCS Cẩm Lý. Địa bàn tuyển sinh của trường gồm 8 xã trên địa

bàn của huyện Lục Nam và một số xã trên địa bàn của huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương.

Trường THPT Cẩm Lý nằm trên địa bàn xã Cẩm Lý, huyện Lục Nam. Trường có nhiệm vụ tuyển sinh con em đồng bào các dân tộc thuộc vùng chiêm trũng phía nam của huyện. Mặc dù là trường ở vùng sâu vùng xa của một huyện miền núi nhưng giao thông đi lại cũng tương đối thuận tiện: Trường nằm ngay trên tuyến đường quốc lộ 37 nối tỉnh Lạng Sơn với vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ là tỉnh Hải Dương - Hải Phòng - Quảng Ninh và tuyến đường sắt Yên Viên - Hạ Long cũng chạy qua địa phận xã Cẩm Lý.

Xã Cẩm Lý còn có vị trí địa lý khá đặc biệt, là nơi giáp ranh giữa hai tỉnh Bắc Giang và Hải Dương. Trường nằm cách trung tâm huyện lỵ Lục Nam 12 km, cách thị trấn Sao Đỏ của huyện Chí Linh 16 km. Vì là một đầu mối giao thông quan trọng nên tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn cũng khá phức tạp.

2.2.1.2. Môi trường giáo dục của trường

Nhân dân các xã trên địa bàn tuyển sinh của trường chủ yếu sống bằng nông nghiệp nên tình hình kinh tế còn gặp rất nhiều khó khăn. Là những xã vùng chiêm trũng của huyện nên nông nghiệp chủ yếu là độc canh cây lúa, do thời tiết vùng này khá khắc nghiệt nên công việc thì vất vả mà thu nhập lại rất bấp bênh. Vì vậy việc đầu tư về thời gian và kinh phí cho con em học hành còn rất nhiều hạn chế. Các em học sinh ngoài giờ học còn phải tham gia lao động sản xuất giúp đỡ gia đình nên thời gian dành cho học tập bị ảnh hưởng nhiều. Hơn nữa do trường ở xa các trung tâm văn hoá nên trình độ dân trí nói chung còn thấp, gây không ít khó khăn cho công tác giáo dục của nhà trường.

Một phần của tài liệu Một số giải pháp quản lý nhằm nâng cao chất lượng quá trình giáo dục đạo đức cho học sinh trường Trung học phổ thông Cẩm Lý huyện Lục Nam - tỉnh Bắc Giang (Trang 44)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(131 trang)