- Biện pháp thực hiện:
3.2.3. Giải pháp 3: Nâng cao ý thức tự tu dưỡng và phong trào tự quản của học sinh
của học sinh
Học sinh vừa là chủ thể, vừa là đối tượng của quá trình giáo dục. Mọi biện pháp giáo dục đạo đức có hiệu quả hay không suy cho cùng đều phụ thuộc vào ý thức tự tu dưỡng của học sinh. Vì thế chúng ta cần phát huy được ý thức tự tu dưỡng, tự học, tự rèn của học sinh thì quá trình giáo dục của chúng ta mới đạt được kết quả như mong muốn. Sự hình thành và phát triển đạo đức của mỗi cá nhân là một quá trình lâu dài và phức tạp. Trong quá trình đó, các tác động bên ngoài và những động lực bên trong thường xuyên tác động qua lại lẫn nhau. Nhờ giáo dục những yếu tố bên trong dần dần lấn át được yếu tố bên ngoài trong việc điều chỉnh hành vi của trẻ. Ở học sinh THPT tri thức đạo đức được chuyển hoá thành niềm tin đạo đức rõ ràng và khi đó mọi hành vi của trẻ đã có tính nguyên tắc rõ rệt. Khi đó việc xem xét, đánh giá hay cư xử bất cứ điều gì, học sinh cũng dựa trên quan điểm, niềm tin đạo đức của mình.
Vậy tự tu dưỡng về mặt đạo đức là một hành động tự giác, có hệ thống mà mỗi cá nhân thực hiện với bản thân mình nhằm khắc phục những hành vi trái đạo đức và điều chỉnh những hành vi đạo đức của mình, thúc đẩy sự phát triển nhân cách.
- Mục tiêu:
Quá trình giáo dục đạo đức phải biến được nhu cầu giáo dục các giá trị đạo đức từ bên ngoài thành nhu cầu bên trong của học sinh. Biến được quá trình giáo dục thành quá trình tự giáo dục. Từ chỗ học sinh phải cưỡng bức thực hiện thành ý thức tự giác chấp hành ở các em, dần biến tri thức đạo đức thành niềm tin đạo đức.
- Nội dung:
Thông qua nhiều con đường giáo dục khác nhau, khơi gợi lòng tự trọng, ý thức về quyền và nghĩa vụ của các em đối với cộng đồng và xã hội. Chúng ta phải coi các em là chủ thể của quá trình giáo dục. Giáo dục cho các em ý thức tự lập, tự chủ, tự chịu trách nhiệm về hành vi ứng xử của mình. Giáo viên phải giúp học sinh nắm vững mục đích, phương pháp và tổ chức việc tự tu dưỡng của các em, trong đó phải hướng dẫn các em lập kế hoạch tự tu dưỡng, nêu rõ những phẩm chất nào cần rèn luyện, củng cố hay khắc phục.
- Biện pháp:
Qua phần trình bày ở chương 1, chúng ta đều biết rằng, tuổi học sinh THPT là giai đoạn đầu của tuổi thanh niên. Về mặt tâm sinh lý các em không còn là trẻ con nữa mà đã có bước phát triển mới về chất so với lứa tuổi thiếu niên. Các em rất có nhu cầu được tự khẳng định mình, được mọi người xung quanh thừa nhận là người lớn, vì vậy các em thường có lòng tự ái, tự trọng khá cao. Các em không muốn phụ thuộc vào người lớn, bị người lớn áp đặt cho mình suy nghĩ và hành động. Khi được người lớn tôn trọng, tin tưởng thì các em rất hăng hái, nhiệt tình, trách nhiệm trong công việc. Vì vậy chúng ta cần nắm bắt được đặc điểm tâm lý này để phát huy ý thức tự tu dưỡng, tự học, tự rèn của các em.
Vậy chúng ta phải làm thế nào để nâng cao ý thức tự tu dưỡng của học sinh .
Một là chúng ta phải giúp học sinh tự đánh giá đúng về mình, tránh tự mãn, tự cao tự đại hoặc tự ti đều có hại cho công tác tự tu dưỡng.
Hai là học sinh phải có một viễn cảnh tốt đẹp về tương lai của mình vì một người chỉ tích cực tự tu dưỡng khi biết mình phải đi tới đâu, trở thành con người như thế nào. Vì vậy chúng ta cần giáo dục cho học sinh sống lạc quan, có niềm tin vào tương lai.
Ba là học sinh phải có ý chí và nghị lực mạnh để kiên trì thực hiện mục tiêu của mình.
Bốn là sự tự tu dưỡng của học sinh phải được tập thể giúp đỡ, đồng tình ủng hộ.
Năm là công việc tự tu dưỡng của học sinh phải được giáo viên giúp đỡ, kiểm tra và uốn nắn thưỡng xuyên.
Sáu là học sinh phải có động cơ tu dưỡng đạo đức tốt đẹp, trong sáng, có ý nghĩa xã hội cao cả.
Trong quá trình giáo dục, chúng ta không nên áp đặt suy nghĩ chủ quan của mình cho các em mà cần gợi ý, hướng dẫn để các em tự nhận xét, đánh giá, lĩnh hội những chuẩn mực đạo đức xã hội. Cần làm cho học sinh thấy rõ nghĩa vụ của mình trong các mối quan hệ xã hội. Phải làm cho học sinh hiểu rằng tự tu dưỡng diễn ra trong quá trình hoạt động thực tiễn mới đem lại kết quả, vì chỉ qua thực tiễn thì niềm tin đạo đức mới được hình thành. Chúng ta cần làm cho học sinh hiểu rằng tự kiểm tra, tự đánh giá thường xuyên là một việc làm không thể thiếu được của người tự tu dưỡng, có như vậy mới có cơ sở để khuyến khích vươn lên và củng cố lòng tin.
Để nâng cao hơn nữa ý thức tự tu dưỡng của các em, chúng ta cần chú ý động viên và mở rộng hơn nữa phong trào tự quản của học sinh. Trong những năm vừa qua, Đoàn TN nhà trường đã xây dựng được nền nếp tự quản khá tốt trong các phong trào hoạt động của học sinh như các hoạt động thi đua thực hiện nền nếp kỷ cương, từ theo dõi chấm điểm, kiểm tra, đánh giá, nhận xét đều do các em tự quản; hoạt động của đội thanh niên xung kích “ Cờ đỏ” do các em tự chỉ đạo, một số hoạt động
ngoài giờ hoàn toàn do các em đảm nhiệm, cán bộ Đoàn, GVCN chỉ làm nhiệm vụ giám sát, chỉ đạo từ xa. Khi được giao trách nhiệm tự quản, tự các em thấy được trách nhiệm của mình nên ý thức tự giác cao hơn, không còn tư tưởng làm một cách chống đối, chiếu lệ, hình thức nữa. Hầu hết các em học sinh khi được tin tưởng giao nhiệm vụ em nào cũng tỏ ra nhiệt tình, thấy trách nhiệm của mình cao hơn, có ý thức hoàn thành nhiệm vụ được giao, các em như thấy mình lớn hơn khi được thầy cô tin tưởng giao nhiệm vụ. Nhiều em tỏ ra rất chững chạc, tự tin trước công việc được giao. Qua hoạt động tự quản, học sinh được cọ xát với môi trường xung quanh, buộc các em phải bộc lộ những phẩm chất của mình và các em rèn cho mình ý thức tự lập, biết vận dụng tri thức đã được học để xử lý các tình huống nảy sinh trong quan hệ với môi trường bên ngoài hay nói cách khác là rèn luyện cho các em cách ứng xử trong các mối quan hệ xã hội.