Cấu trúc quá trình giáo dục đạo đức trong trường THPT

Một phần của tài liệu Một số giải pháp quản lý nhằm nâng cao chất lượng quá trình giáo dục đạo đức cho học sinh trường Trung học phổ thông Cẩm Lý huyện Lục Nam - tỉnh Bắc Giang (Trang 25)

* Mục tiêu giáo dục đạo đức.

Giáo dục đạo đức có 3 mục tiêu sau đây:

- Trang bị cho mọi người những tri thức cần thiết về tư tưởng chính trị, đạo đức nhân văn, kiến thức pháp luật và văn hoá xã hội. Cần truyền tải cho học sinh những hiểu biết về thước đo giá trị, định hướng giá trị trong các lĩnh vực chính trị xã hội, truyền thống lịch sử văn hoá của dân tộc, lịch sử cách mạng của Đảng ta, đạo đức và tư tưởng Hồ Chí Minh.

Giáo dục đạo đức phải gắn liền với giáo dục pháp luật, chính trị tư tưởng, những tri thức về vốn sống qua các hoạt động: Giao tiếp ứng xử, học tập, lao động, hoạt động xã hội,...

- Hình thành ở mọi công dân thái độ đúng đắn, tình cảm, niềm tin đạo đức trong sáng đối với bản thân, mọi người, với sự nghiệp cách mạng của Đảng, dân tộc và với mọi hiện tượng xảy ra xung quanh.

Đây là nhiệm vụ rất quan trọng vì chỉ khi có thái độ đúng đắn, có tình cảm trong sáng, có niềm tin đạo đức đối với bản thân và xã hội thì mới tạo ra động lực từ bên trong điều chỉnh nhận thức và hành vi của mỗi cá nhân phù hợp chuẳn mực đạo đức chung của xã hội. Đặc biệt cần hình thành niềm tin vào Đảng, vào sự nghiệp đổi mới, vào sự thành công của công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Đây là nhân tố quan trọng góp phần hình thành lý tưởng sống của mỗi cá nhân.

- Rèn luyện để mọi người tự giác thực hiện những chuẩn mực đạo đức xã hội, có thói quen chấp hành quy định của pháp luật, nỗ lực học tập rèn luyện, tích cực cống hiến sức lực, trí tuệ vào sự nghiệp công nghiệp hoá

- hiện đại hoá đất nước. Hành vi và thói quen đạo đức là mục tiêu của giáo dục đạo đức và cũng là thước đo đánh giá nhân cách của mỗi con người.

Hành vi và thói quen đạo đức phải được phải được thể hiện bằng những hành động cụ thể, bằng hiệu quả giải quyết các mâu thuẫn nảy sinh trong quan hệ của chủ thể với mọi người, với tự nhiên và xã hội.

Tóm lại, mục tiêu giáo dục đạo đức là trang bị cho học sinh có nhận thức đúng đắn và đầy đủ những giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp của dân tộc và của thời đại, nhận thức đầy đủ về quyền và nghĩa vụ, bổn phận và trách nhiệm của cá nhân đối với xã hội, đối với công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

* Nhiệm vụ giáo dục đạo đức.

Qua phần trình bày ở trên, chúng ta đều nhận thấy vai trò to lớn của đạo đức đối với mỗi cá nhân và đối với toàn xã hội. Mục tiêu của giáo dục là học sinh được phát triển toàn diện. Vì vậy giáo dục đạo đức trong nhà trường là một nhiệm vụ vô cùng quan trọng và rất nặng nề. Để đạt được mục tiêu đã đề ra, giáo dục đạo đức có nhiệm vụ:

- Giáo dục ý thức đạo đức.

Cung cấp cho người học những tri thức cơ bản về chuẩn mực đạo đức, phẩm chất đạo đức, những yêu cầu của xã hội đối với hành vi đạo đức của mỗi cá nhân, từ đó giúp họ ý thức được và có trách nhiệm trước hành vi đạo đức của mình trong các mối quan hệ xã hội.

- Giáo dục tình cảm niềm tin đạo đức.

Qua quá trình giáo dục khơi dậy ở người học những rung động, xúc cảm trước hiện thực xung quanh, biết yêu, ghét rõ ràng, biết đồng cảm, chia sẻ với người khác và có niềm tin vào đạo lý, vào những điều tốt đẹp của cuộc sống từ đó có thái độ ứng xử đúng đắn trước các diễn biến phức tạp của đời sống xã hội.

Đây là quá trình tổ chức rèn luyện đạo đức trong học tập, trong sinh hoạt, trong cuộc sống nhằm tạo nên thói quen, tạo lập được hành vi đạo đức đúng đắn, trở thành phẩm chất của nhân cách, trở thành thói quen nhân cách bền vững.

* Nội dung giáo dục đạo đức.

Nội dung của giáo dục đạo đức gồm những chuẩn mực đạo đức truyền thống tốt đẹp của dân tộc, những giá trị đạo đức cần thiết của con người Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá cần trang bị cho học sinh nhằm đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực của nền kinh tế xã hội đất nước. Giáo dục đạo đức trong nhà trường XHCN phải hướng vào các yêu cầu của cuộc sống, của xã hội, của mục tiêu xây dựng nền đạo đức mới XHCN ở nước ta. Đạo đức XHCN là kiểu đạo đức khắc phục được sự đối lập giữa lợi ích xã hội và lợi ích của cá nhân, đem lại hạnh phúc cho mỗi cá nhân và toàn xã hội. Trên cơ sở kế thừa những chuẩn mực đạo đức truyền thống, kết hợp với lý luận của chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chúng ta có thể phân chia thành các nhóm chuẩn mực của nội dung giáo dục đạo đức sau đây:

- Nhóm chuẩn mực đạo đức thể hiện nhận thức tư tưởng chính trị bao gồm giáo dục lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với xây dựng Tổ quốc XHCN, đường lối công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước, tình yêu quê hương đất nước, có lòng tự hào dân tộc, tin tưởng vào đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước. Những chuẩn mực đạo đức thể hiện tư tưởng chính trị sẽ góp phần định hướng lý tưởng sống cho mỗi cá nhân vì chỉ khi có lý tưởng sống đúng đắn thì mới tạo ra động lực mạnh mẽ trong học tập, lao động và cuộc sống. Đạo đức cao nhất của mỗi con người là sống, làm việc, rèn luyện vì “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”

- Nhóm chuẩn mực đạo đức hướng vào sự tự hoàn thiện bản thân bao gồm các chuẩn mực sau: Tự trọng, tự tin, tự lập, sống giản dị, tiết kiệm,

trung thực, siêng năng, hướng thiện, nhân ái, giàu lòng vị tha, có xúc cảm trước nhân tình thế thái.

- Nhóm những chuẩn mực đạo đức thể hiện quan hệ với mọi người và với dân tộc khác. Đó là lòng nhân nghĩa, lòng biết ơn tổ tiên, cha mẹ, thày cô, người có công với nước, có lòng yêu thương, khoan dung, vị tha, hợp tác, bình đẳng, tôn trọng, thuỷ chung, biết cùng chia sẻ và cùng chung sống, giữ chữ tín,...Trong bối cảnh nước ta thực hiện nền kinh tế thị trường và mở rộng hội nhập Quốc tế như hiện nay, chuẩn mực này giúp học sinh có cách nhìn nhận, đánh giá, ứng xử đúng đắn trước những biến động phức tạp của tình hình kinh tế - xã hội đất nước cũng như xu thế toàn cầu hoá hiện nay.

- Nhóm những chuẩn mực đạo đức thể hiện quan hệ với công việc. Đó là làm việc có tinh thần hợp tác và trách nhiệm cao, có lương tâm nghề nghiệp, tôn trọng pháp luật, lẽ phải, dũng cảm, liêm khiết. Những giá trị trên sẽ là động lực giúp mỗi cá nhân nâng cao hiệu quả hoạt động, hoàn thiện nhân cách, học tập, lao động và hoạt động xã hội, đồng thời thể hiện tập trung ý thức, trách nhiệm của mỗi công dân trong xã hội.

- Nhóm chuẩn mực liên quan đến xây dựng môi trường sống tự nhiên và xã hội. Đó là xây dựng hạnh phúc gia đình, giữ gìn và bảo vệ tài nguyên, môi trường, xây dựng xã hội dân chủ, tiến bộ văn minh, bình đẳng, bảo vệ hoà bình, phát huy truyền thống và di sản văn hoá dân tộc và nhân loại.

Vấn đề giữ gìn và bảo vệ môi trường sống (Bao gồm cả môi trường gia đình và môi trường xã hội) đang là vấn đề bức xúc của thời đại ngày nay, khi mà tình hình kinh tế - chính trị - môi trường trên thế giới diễn biến ngày càng phức tạp, vì vậy đòi hỏi chúng ta phải giáo dục cho học sinh trở thành những người có lương tâm, có đạo đức, có trách nhiệm trước các vấn đề cấp bách trên.

* Phương pháp giáo dục đạo đức

Phương pháp giáo dục đạo đức là các thức tác động có của nhà giáo dục lên đối tượng giáo dục nhằm đạt được mục tiêu giáo dục đạo đức hay nói cách khác là nhằm hình thành những phẩm chất đạo đức và những kỹ năng ứng xử tốt đẹp trong các mối quan hệ, từ đó hình thành và phát triển nhân cách.

Có nhiều phương pháp giáo dục đạo đức khác nhau, nhưng thông thường có thể được phân chia thành 3 nhóm sau đây:

- Nhóm phương pháp tác động lên nhận thức.

Nhóm phương pháp này xuất phát từ nguyên tắc sự thống nhất giữa ý thức và hành động, giữa lý trí và tình cảm trong mọi hành vi của con người có nguồn gốc từ nhận thức. Quá trình hình thành và phát triển nhân cách là sự kết hợp chặt chẽ giữa hoạt động ý thức và hoạt động thực tiễn. Mặc dù những kinh nghiệm mà học sinh thu lượm được trong cuộc sống là hết sức quan trọng song những kinh nghiệm ấy còn hạn hẹp, phiến diện, không phản ánh hết được các mối quan hệ hết sức phưc tạp, đa dạng và phong phú của xã hội. Do đó các nhà giáo dục có trách nhiệm cung cấp cho họ những kinh nghiệm sống mà xã hội loài người đã tích luỹ được sau khi đã được khái quát hóa và hệ thống hoá nhằm giúp học sinh có cách nhìn đầy đủ hơn trước các vấn đề đặt ra trong cuộc sống.

- Nhóm phương pháp tổ chức hoạt động và tích luỹ kinh nghiệm ứng xử xã hội.

Thực tế cuộc sống vốn vô cùng đa dạng và phong phú. Thông qua hoạt động thực tế, rất nhiều mối quan hệ xã hội nảy sinh đòi hỏi đối tượng phải giải quyết, yêu cầu họ phải động não, phải vận dụng những tri thức đã có để ứng xử từ đó họ sẽ được tập dượt, rèn luyện, tích luỹ kinh nghiệm sống, hình thành nên hành vi, thói quen từ đó dần hình thành và hoàn thiện nhân cách của mình.

- Nhóm phương pháp kích thích hoạt động và điều chỉnh hành vi ứng xử của học sinh.

Chức năng cơ bản của phương pháp này là kích thích, thúc đẩy, điều chỉnh, ức chế các hành vi ứng xử của học sinh. Phương pháp này góp phần củng cố kết quả của hai nhóm phương pháp trên.

Nhóm này gồm các phương pháp: Thi đua, khen thưởng, phê bình, trách phạt. Thưởng phạt luôn luôn đi liền với nhau, bổ sung cho nhau. Nếu thi đua khen thưởng là để động viên các cá nhân hoặc tập thể học sinh đua tài gắng sức, vươn lên đạt kết quả tốt đẹp, tích cực của xã hội, qua đó học sinh được động viên, khen thưởng thường rất tự hào phấn khởi thì hình thức trách phạt biểu thị thái độ không đồng tình, lên án, phủ định của giáo viên, của tập thể, của xã hội đối với những hành vi, những hành động của cá nhân hay tập thể trái với quy tắc chuẩn mực ứng xử của xã hội, buộc họ phải từ bỏ hoặc điều chỉnh lại cách ứng xử cho phù hợp với chuẩn mực đã được quy định. Việc khen thưởng hay trách phạt phải đảm bảo hết sức khách quan, công bằng, đúng mức thì mới có tác dụng tích cực, nếu không sẽ phản tác dụng, việc khen chê sẽ không có hiệu quả.

Một phần của tài liệu Một số giải pháp quản lý nhằm nâng cao chất lượng quá trình giáo dục đạo đức cho học sinh trường Trung học phổ thông Cẩm Lý huyện Lục Nam - tỉnh Bắc Giang (Trang 25)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(131 trang)