Mối quan hệ hữu cơ giữa các giải pháp

Một phần của tài liệu Một số giải pháp quản lý nhằm nâng cao chất lượng quá trình giáo dục đạo đức cho học sinh trường Trung học phổ thông Cẩm Lý huyện Lục Nam - tỉnh Bắc Giang (Trang 105)

- Nội dung và biện pháp thực hiện:

3.3. Mối quan hệ hữu cơ giữa các giải pháp

Mỗi giải pháp quản lý có những mặt mạnh và những điểm hạn chế riêng. Không giải pháp nào có tính vạn năng. Vì vậy để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện nói chung, giáo dục đạo đức nói riêng cần phải phối hợp đồng bộ nhiều giải pháp để các giải pháp này hỗ trợ và bổ sung cho nhau, phát huy được mặt tích cực, đồng thời khắc phục những mặt còn tồn tại hạn chế của từng giải pháp. Quá trình phát triển và hoàn thiện nhân cách của học sinh là một quá trình phức tạp, bằng rất nhiều con đường khác nhau và đòi hỏi sự tham gia đồng bộ của Nhà trường - Gia đình - Xã hội và sự nỗ lực cao của bản thân học sinh. Mỗi giải pháp mà chúng ta thực hiện đơn lẻ thì hiệu quả giáo dục sẽ có nhiều hạn chế. Tuy nhiên trong các giải pháp đã nêu có giải pháp có ý nghĩa quan trọng, bao trùm và có tính chất then chốt, quyết định đến hiệu quả và tính khả thi của các giải pháp còn lại. Theo tôi đó là giải pháp nâng cao nhận thức cho các đối tượng tham gia quá trình giáo dục đạo đức cho học sinh. Chỉ có từ nhận thức đúng con người mới có hành động đúng. Trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội như hiện nay, khi mà cơ chế thị trường chi phối mạnh mẽ các mối quan hệ xã hội thì có không ít người, kể cả những người làm công tác giáo dục cũng có những quan điểm phiến diện, thậm chí cực đoan về công tác giáo dục đạo đức cho học sinh.Vì vậy việc giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các đối tượng này là một việc rất quan trọng và cần thiết. Từ nhận thức đúng, mỗi tổ chức, cá nhân, đoàn thể sẽ thấy được vai trò và trách nhiệm của mình trong toàn bộ quá trình giáo dục. Nếu giải pháp này được thực hiện có hiệu quả thì sẽ tạo được sự đồng thuận, sự ủng hộ của

các lực lượng tham gia quá trình giáo dục, từ đó các giải pháp tiếp theo sẽ có rất nhiều thuận lợi để triển khai thực hiện.

Giải pháp có tính quyết định thứ hai trong phạm vi nhà trường chính là giải pháp nâng cao vị trí, vai trò của GVCN. Suy cho cùng mọi chủ trương biện pháp giáo dục của nhà trường đối với công tác giáo dục đạo đức đều thông qua sự truyền tải và chỉ đạo của GVCN. Giáo viên chủ nhiệm chính là người thay mặt BGH quản lý về mọi mặt hoạt động giáo dục tới từng học sinh, liên hệ với phụ huynh, các lực lượng xã hội,... cùng tham gia quá trình giáo dục này và GVCN là người hơn ai hết hiểu rất rõ tâm tính, hoàn cảnh cụ thể của từng học sinh nên họ sẽ có điều kiện thuận lợi để tìm ra những giải pháp giáo dục tốt nhất. Công tác này không được quan tâm đúng mức thì chắc chắn công tác giáo dục đạo đức cho học sinh sẽ không đạt được kết quả như mong muốn.

Giải pháp có tính quyết định thứ ba là nâng cao ý thức tự tu dưỡng, tự giáo dục và phong trào tự quản của học sinh, vì các em vừa là chủ thể vừa là đối tượng của quá trình giáo dục. Mọi cố gắng của nhà trường, gia đình, xã hội sẽ không còn ý nghĩa nếu chúng ta không phát huy được sự tự ý thức của học sinh. Tuy nhiên vì hầu hết học sinh THPT đều ở độ tuổi mới lớn, kinh nghiệm cuộc sống còn hạn chế nên rất cần sự hướng dẫn, sự định hướng của Nhà trường - Gia đình - Xã hội.

Các giải pháp tiếp theo mang tính chất hỗ trợ cho các giải pháp trên đây. Có như vậy mới phát huy được sức mạnh tổng hợp của mọi lực lượng trong và ngoài nhà trường nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh.

Một phần của tài liệu Một số giải pháp quản lý nhằm nâng cao chất lượng quá trình giáo dục đạo đức cho học sinh trường Trung học phổ thông Cẩm Lý huyện Lục Nam - tỉnh Bắc Giang (Trang 105)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(131 trang)