Phương pháp thực hiện:

Một phần của tài liệu Một số giải pháp quản lý nhằm nâng cao chất lượng quá trình giáo dục đạo đức cho học sinh trường Trung học phổ thông Cẩm Lý huyện Lục Nam - tỉnh Bắc Giang (Trang 80)

Các đối tượng tham gia quá trình giáo dục đạo đức mà chúng ta đề cập ở đây bao gồm: Các lực lượng giáo dục trong nhà trường, gia đình học sinh, bản thân các em học sinh và các lực lượng xã hội trên địa bàn.

* Nâng cao nhận thức cho các lực lượng giáo dục trong nhà trường:

Nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ giáo viên và các tổ chức đoàn thể trong nhà trường về vai trò, ý nghĩa của công tác giáo dục đạo đức trong tình hình mới hiện nay, từ đó mỗi thành viên xác định được trách nhiệm của mình trong công tác này và thông qua đặc thù công tác chuyên môn của bản thân mà có các biện pháp thích hợp góp phần giáo dục đạo đức cho học sinh. Thông qua việc tuyên truyền nâng cao nhận thức, các đối tượng tham gia phải đạt được sự thống nhất về quan điểm sau đây:

+ Giáo dục đạo đức là điều kiện tiên quyết và là yếu tố quan trọng hàng đầu trong việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

+ Thấy được vai trò quan trọng của giáo dục nhà trường trong việc nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức cho học sinh.

+ Xác định được trách nhiệm của từng thành viên nhà trường trong công tác này.

Tổ chức tốt việc học tập, tuyên truyền các chỉ thị, nghị quyết của Đảng và nhà nước về mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh trong thời kỳ đẩy mạnh CNH - HĐH đất nước đã được thể hiện trong các văn bản của Đảng, Nhà nước và của trường đã ban hành như: Luật giáo dục 2005, Nghị quyết TW 2 khoá VIII về GD - ĐT, Chỉ thị số 40 - CT/TW của Ban Bí thư về khoá IX về việc xây dựng , nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; điều lệ trường trung học; quy chế đánh giá xếp loại học sinh THCS và THPT; chức trách nhiệm vụ cán bộ công chức trường THPT Cẩm Lý,... Công tác tuyên truyền học tập được tổ chức với nhiều hình thức khác nhau như học tập chính trị đầu năm, tổ chức hội nghị chuyên đề, thông qua sinh hoạt đoàn thể, sinh hoạt tổ, nhóm chuyên môn,... thông qua việc tuyên truyền học tập, nhà trường cần phải chỉ rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi cán bộ giáo viên, tổ chức đoàn thể trong nhà trường trong công tác giáo dục đạo đức. Cần thống nhất quan điểm giáo dục đạo đức không phải là việc của riêng ai mà là trách

nhiệm của tất cả mọi người, mọi tổ chức đoàn thể, dưới nhiều hình thức khác nhau. Giáo dục đạo đức và giáo dục văn hoá là hai mặt của một vấn đề, chúng gắn bó chặt chẽ với nhau, không tách rời nhau, bổ sung cho nhau trong quá trình hoàn thiện nhân cách cho học sinh. Việc nâng cao nhận thức cho cán bộ giáo viên, công nhân viên trong nhà trường phải được thực hiện thường xuyên, liên tục và trước hết là tạo được sự thống nhất cao trong Chi bộ Đảng, BGH và các tổ chức đoàn thể trong trường như Công đoàn, Đoàn TN, chi hội cựu chiến binh,... Có như vậy mới tạo nên sức mạnh tổng hợp và sự đồng thuận trong tổ chức bộ máy, từ đó nâng cao sức thuyết phục đến từng cá nhân trong đơn vị.

* Nâng cao nhận thức cho các bậc phụ huynh học sinh và các lực lượng xã hội:

Nhà trường thường xuyên liên hệ với gia đình học sinh qua nhiều kênh thông tin: Giáo viên chủ nhiệm, qua học sinh, thông qua sổ liên lạc giữa nhà trường và gia đình, thông qua chính quyền địa phương, qua hội khuyến học và các lực lượng xã hội,... Đặc biệt là qua các kỳ họp phụ huynh, nhà trường cần tranh thủ tuyên truyền rộng rãi các chủ trương, biện pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục để các bậc phụ huynh nắm rõ, từ đó có ý thức trách nhiệm phối hợp cùng nhà trường quan tâm thường xuyên tới kết quả học tập, tu dưỡng rèn luyện của con em mình. Việc thường xuyên liên hệ với phụ huynh cũng giúp nhà trường và gia đình tăng cường việc giám sát, quản lý các hoạt động sinh hoạt, học tập hàng ngày của học sinh.

Bên cạnh việc chú trọng nâng cao nhận thức cho gia đình học sinh, chúng ta cũng chú ý làm tốt công tác tuyên truyền trong các lực lượng xã hội để các tổ chức đoàn thể quần chúng và các tầng lớp nhân dân có nhận thức đúng đắn về trách nhiệm của mình trong việc cùng chung tay góp sức với nhà trường tham gia quản lý, giáo dục học sinh.

* Nâng cao nhận thức cho học sinh, đối tượng và chủ thể của quá trình giáo dục:

Thông qua các hoạt động giáo dục hàng ngày như: Học tập nội quy đầu năm, các giờ học chính khoá, các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, các giờ sinh hoạt lớp, giờ chào cờ đầu tuần, thông qua các hoạt động của Đoàn TN và đặc biệt là vai trò của GVCN,... để tăng cường công tác tuyên truyền, lồng ghép các nội dung giáo dục nâng cao nhận thức cho học sinh.

3.2.2. Giải pháp 2: Nâng cao vị trí, vai trò của giáo viên chủ nhiệm

Đây chính là yếu tố có tính chất quyết định đến chất lượng giáo đục đạo đức trong nhà trường. Giáo viên chủ nhiệm có vai trò và ảnh hưởng rất lớn đến quá trình hoàn thiện nhân cách của học sinh, thậm chí có những GVCN để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng học sinh cho đến hết cuộc đời. Thực tế cho thấy các em học sinh suốt ba năm học tập ở trường phổ thông mặc dù có biết bao thày cô dạy dỗ song người mà các em nhớ nhất, có ấn tượng và ảnh hưởng nhất đến nhân cách các em cho đến mãi về sau chính là GVCN. Vì thế nếu chúng ta quan tâm đúng mức đến vấn đề này thì hiệu quả giáo dục sẽ rất lớn. Học sinh đến trường thật may mắn nếu được GVCN hết lòng yêu thương, có trách nhiệm và tâm lý với các em, và thật thiệt thòi nếu GVCN vô cảm, thờ ơ, thiếu trách nhiệm với công tác này.

- Mục tiêu:

Nâng cao vị trí, vai trò của GVCN và công tác chủ nhiệm trong nhà trường. Giáo viên chủ nhiệm phải nhận thức được vai trò và tầm quan trọng của mình trong công tác giáo dục đạo đức cho học sinh và là người chịu trách nhiệm chính về chất lượng giáo dục đạo đức của học sinh lớp mình. Đồng thời, giáo viên chủ nhiệm cũng là người chịu trách nhiệm toàn diện về các hoạt động của lớp mình trước BGH và các tổ chức đoàn thể trong nhà trường. Từ đó họ xác định được đúng đắn trách nhiệm của mình, thực sự nhiệt tình, gương mẫu, tận tâm, gắn bó tình cảm với học sinh và

đặc biệt giáo viên chủ nhiệm phải là tấm gương sáng cho học sinh noi theo. Giáo viên chủ nhiệm phải truyền tải được nội dung và biện pháp giáo dục đạo đức của nhà trường tới học sinh nhằm đạt mục tiêu giáo dục đã đề ra.

- Nội dung:

Nhà trường cần coi trọng công tác chủ nhiệm lớp, tập trung sự chỉ đạo của BGH, các tổ chức đoàn thể trong nhà trường tham gia hỗ trợ để tổ chủ nhiệm hoạt động có hiệu quả và tạo điều kiện để giáo viên chủ nhiệm hoàn thành nhiệm vụ. Khuyến khích động viên để GVCN phát huy hết năng lực sở trường của mình trong việc quản lý, giáo dục học sinh.

Một phần của tài liệu Một số giải pháp quản lý nhằm nâng cao chất lượng quá trình giáo dục đạo đức cho học sinh trường Trung học phổ thông Cẩm Lý huyện Lục Nam - tỉnh Bắc Giang (Trang 80)