Nhân vật mang khát vọng lịchsử và lí trí hành động

Một phần của tài liệu Thế giới nhân vật trong tiểu thuyết của Nguyễn Xuân Khánh (qua tác phẩm Hồ Qúy Ly, Mẫu Thượng ngàn, Đội gạo lên chùa (Trang 38)

6. Kếtcấu Luận văn

2.2.1.Nhân vật mang khát vọng lịchsử và lí trí hành động

Trong tiểu thuyết Hồ Quý Ly, Nguyễn Xuân Khánh không chỉ vén bức

màn thâm nghiêm của một giai đoạn đầy bão táp lịch sử, phục dựng lịch sử qua những chân dung con người mà quan trọng là, ông đã miêu tả và làm sống dậy tinh thần - khát vọng của lịch sử. Tinh thần và khát vọng ấy, được thể hiện rất rõ nét trong hình tượng nhân vật trung tâm: Hồ Quý Ly. Trước khi trở thành nhân vật tiểu thuyết, Hồ Quý Ly đã là một nhân vật lịch sử. Do vậy, xây dựng chân dung Hồ Quý Ly - nhân vật nguyên mẫu của lịch sự hiện vẫn còn tồn tại nhiều tranh cãi trong một tác phẩm văn chương, Nguyễn Xuân Khánh đã làm một cuộc tự thử thách chính mình. Thành công khi xây dựng hình tượng Hồ Quý Ly tiêu biểu cho kiểu nhân vật mang khát vọng và lí trí hành động, không phải bằng quan niệm đã có của lịch sử, về quá khứ biết trước của nhân vật cho thấy năng lực sáng tạo dồi dào và bản lĩnh của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh, một cây bút tiểu thuyết có nghề. Cuốn tiểu thuyết gồm 13 chương, ngoài hai chương mở đầu và kết thúc, chương 9 và chương 10 (Minh Đạo I và II) trần thuật trọn vẹn về Hồ Quý Ly, các chương còn lại tập trung làm sáng tỏ hệ thống thế giới nhân vật mà ở đó, Hồ Quý Ly vẫn là linh hồn và làm chủ mọi mối quan hệ phức tạp nhất.

Trước khi làm vua triều Hồ (1400-1407), Hồ Quý Ly đã đặt chân vào chính trường từ ba mươi năm trước đó, trong một bối cảnh lịch sử sóng gió: nhà Trần tiễu trừ quân phiến loạn của ông vua phường chèo Dương Nhật Lễ, lập Trần Nghệ Tông lên ngôi, rồi nhường ngôi cho cho Trần Ngung để về vị thế Thái Thượng hoàng. Ba mươi năm làm Thái sư dưới triều Trần, trở thành “mắt bão” trên vũ đài chính trị, Hồ Quý Ly vừa phải chèo chống con thuyền lịch sử vượt

qua cơn bão táp, vừa phải đối phó với những người thuộc tôn thất nhà Trần, quân Chiêm Thành phía Nam, nhà Minh ở phương Bắc và lòng dân trăm họ. Đặt nhân vật này vào tình thế lịch sử không có nhiều lựa chọn, Nguyễn Xuân Khánh đã bộc lộc rất rõ khí chất của Hồ Quý Ly - một nhà chính trị có tài thao lược, quyền biến và kiệt hiệt, một nhà cải cách táo bạo, dám nghĩ dám làm. Giữa bối cảnh vận mệnh xã tắc đang ở thế ngàn cân treo sợi tóc, thù trong giặc ngoài: ở phía Nam, quân Chiêm Thành tiến ra giao chiến với nhà Trần, phía Bắc nhà Minh lăm le dòm ngó, triều đình rối ren, diệt được quân phiến loạn Dương Nhật Lễ thì đến đồng đảng Phạm Sư Ôn kéo xuống Thăng Long trấn thủ… “thời của những mưu sâu, kế lạ, đâu có phải thời của những kẻ hữu dũng vô mưu” [1; tr.225]. Hồ Quý Ly đã không một chút chần chừ, ngay lập tức hành động, và chấp nhận mọi tổn thất vì: “Đất nước ta quá ư hỗn loạn, cần có một thay đổi, cần có một sự đảo lộn. Lẽ dĩ nhiên, tàn nhẫn đấy, đau thương đấy, nhưng ta sẽ cố gắng cho bớt cảnh đầu rơi máu chảy” [1; tr.486]

Tham vọng thay đổi cục diện của đất nước, giữ yên giang sơn và lòng dân của Hồ Quý Ly, xét một cách tích cực, đó là cuộc cách tân dân chủ vì lợi ích bình đẳng của muôn dân trăm họ. Ở phương diện này, Hồ Quý Ly thực sự là một trí thức mẫn cảm thời thế. Ông ban hành một loạt các chính sách như hạn điền: “bắt người có ruộng tự cung khai, cắm biển đề tên chủ ruộng, ai thừa số quy định thì sung công”. Ông không muốn trong dân gian có kẻ lang thang nên cho làm sổ hộ khẩu khắp nước, không sót một người dân nào để chú ý quản lý từng người dân, cấp đất cho họ làm ruộng… Rồi chính sách hạn nô cho phép nhà giàu chỉ giữ lại một số ít nô tì nhất dịnh, còn lại trả về gia đình, sư sãi hoàn tục… Về mục đích, những chính sách cải tổ của Hồ Quý Ly đều nhằm tập trung sức người sức của để cứu nước khỏi cơn nguy khốn. Nhưng sai lầm Hồ Quý Ly là ngay khi ban hành những chính sách ấy và ý thức rõ: “Phàm cái gì mới là người ta hay chống lại” [1; tr.491], ông đã vấp phải sự phản đối kịch liệt từ giới quý tộc nhà Trần và một

bộ phận đông đảo tăng ni, phật tử của Phật giáo vốn là quốc giáo rất được lòng người trong những triều đại trước.

Với cá tính mạnh mẽ, dám đương đầu với sóng gió, Hồ Quý Ly đã không từ bỏ bất kì chính sách nào mà ông cho là đúng đắn, phù hợp. Ông quyết liệt đến tàn bạo, độc tài đến nghiệt ngã trước tình thế lịch sử đặt ra nên tất cả mọi người, từ tôn thất nhà Trần đến muôn dân đều căm thù ông như một bạo chúa. Là con người hành động, Hồ Quý Ly đã làm tất cả mọi việc để đạt được mục đích của mình. Ông sẵn sàng trừng phạt những kẻ đi ngược với thuận ý của ông, bất kể đó là người Quý Ly từng tôn trọng hay là người trong họ tộc ông hết lòng cưu mang, sủng ái. Hồ Quý Ly thẳng tay giết Nguyễn Đa Phương, người em kết nghĩa, con trai của thầy dạy; Thượng tướng Trần Khát Chân, Phạm Khả Vĩnh, quan thái bảo Trần Nguyên Hàng, những tôn thất nhà Trần nổi tiếng khẳng khái, từng hiển danh trong cuộc kháng chiến chống quân Chiêm Thành, xây dựng Tây Đô, cũng chính Hồ Quý Ly đã có lần dành cho Trần Khát Chân nhiều lời khen ngợi: chững chạc, chín chắn, một vị đô tướng tinh thông binh pháp và vô cùng bình tĩnh… Ở bậc đại trí thức như Hồ Quý Ly, tinh thần và khát vọng lịch sử không chỉ là hành động, mà còn là khát khao của một con người mang nỗi mặc cảm ngoại tộc nên luôn luôn củng cố niềm tin vào dòng dõi huyết thống của mình. Quý Ly dặn con trai Nguyên Trừng những lời đau đáu: “Trong đạo hiếu, việc làm rạng rỡ tổ tiên, làm cho tên tuổi của dòng họ vang danh, lưu truyền sử sách, đó chính là đại hiếu. Lúc nào trong tâm khảm con cũng phải nhớ con dòng dõi họ Hồ. Việc đổi sang họ Lê chỉ nhất thời; người quân tử cũng phải biết chịu khuất thân, miễn chí lớn cuối cùng đạt được.” [1; tr.54]

Là con người khôn ngoan, luôn tính toán kín kẽ mọi chuyện, Hồ Quý Ly đã quyết định hôn nhân của con trai cả là Hồ Nguyên Trừng với Quỳnh Hoa - con gái của quan thái bảo Trần Nguyên Hàng “nhất thiết ông ta phải là thân gia

với ta” [1; tr.63] để thu phục quan thái bảo, để ông ta thấu hiểu mình. Ngay cả ý định lập thêm kinh đô mới, một nơi địa thế hiểm trở, có thể dựa lưng vào núi cũng vì ông đang chứng kiến tận mắt sự thối ruỗng của vương triều nhà Trần và tự đặt câu hỏi: “so với một triều đại mới được dựng lên, được quét sạch lũ tham quan ô lại, được tổ chức cứng rắn, được hết lời bàn ra tán vào, thì hỏi hai triều đại ấy bên nào tốt hơn, mạnh hơn?” [1; tr.105]. Khát vọng của Hồ Quý Ly là khát vọng của một nhà chính trị có tinh thần tự nhiệm, dám tranh biện với cái cũ, cái trì trệ và tranh biện với chính mình để củng cố niềm tin vào con đường mình đang đi. Sự tỉnh táo đến lạnh lùng, sự đa nghi đến mức tàn độc ở Thái sư đã khiến ông càng ngày càng lún sâu vào canh bạc chính trị, và để thực hiện khát vọng đổi mới đất nước, Hồ Quý Ly chấp nhận bước qua những rào cản mà với ông, nó cũng đau đớn như chính lúc làm đau mình và làm đau người khác.

Trái ngược hoàn toàn với Hồ Quý Ly, ông vua già Nghệ Tôn (tên húy là Trần Phủ, con thứ ba của vua Trần Minh Tôn, mẹ là Lê Thị, cô của Lê Quý Ly), người rất mực tin tưởng Quý Ly, cũng là một nhân vật tư tưởng nửa vời, mang khát vọng của một con người muốn “giữ yên” bánh xe lịch sử. Khi lịch sử đặt lên vai ông trọng trách gánh vác cơ nghiệp nhà Trần, Trần Phủ đã khước từ vì “Từ lúc còn trẻ, ta vốn không có chí làm vua. Ý nguyện của ta chỉ mong cho đất nước được thanh bình, hết loạn li…”[1; tr.114]. Được muôn dân ủng hộ và các bậc tôn thất nhà Trần kính trọng, lúc ở trên ngai vàng, vua Trần Nghệ Tôn rất chú trọng đến văn hiến, cư xử trọng thị với các bậc danh nho, mong cầu người hiền tài… Nhưng, dầu biết đất nước có nhiều vấn đề phải thay đổi tận gốc rễ, ông vẫn không muốn làm vì sợ nhiễu sự. Ông chỉ muốn giải quyết mọi việc theo nề nếp tổ tông, ông vua phải là khuôn mẫu của sự nhân từ, thương dân… Triều đình trong ba năm ông cai trị mọi việc đều suôn sẻ vì đã có những thủ túc thân tín bên cạnh. Nhưng khi đối mặt với kẻ thù ngoại bang, quân Chiêm Thành lăm le tiến đánh, ông nhường ngôi cho em là Trần Kính, xưng vua Duệ Tông, còn ông lên

làm Thái thượng hoàng, Nghệ Hoàng cũng không tránh khỏi những va chạm khốc liệt của lịch sử. Cái chết của ông vua già cũng là minh chứng cho sự tàn lụi của một vương triều yếu đuối, bạc nhược và đầy lo âu trong từng bước đi lịch sử.

Nhà chép sử Sử Văn Hoa mặc dù là nhân vật hoàn toàn hư cấu, nhưng lại là nhân vật tư tưởng có ý nghĩa quan trọng trong việc thể hiện các quan điểm của lịch sử. Thái độ của người trí thức và sự lựa chọn trước những khúc quanh của lịch sử được thể hiện rất rõ trong nhân vật này. Trong suốt thiên tiểu thuyết, kể từ khi xuất hiện ở chương I, trải qua nhiều cơn tao đoạn đến lúc chết, Sử Văn Hoa vẫn bộc lộ tâm hồn ngay thẳng, trung thực ngay giữa mối quan hệ phức tạp của các phe phái đối lập. Nhân vật gây ấn tượng với người đọc bởi những suy tư sâu sắc về lịch sử: “Sử là hồn núi hồn sông. Sử là tinh túy của đất nước. Dân tộc nào biết chép sử càng sớm càng có nhiều cơ hội văn hiến. dân tộc nào càng biết quý trọng đến sử, vàng có nhiều cơ hội trường tồn. Thịnh đấy! Suy đấy! Chẳng vì thịnh mà kiêu, chẳng vì suy mà nản. Cứ bền lòng nhìn vào sử như tự ngắm mình trong một tấm gương. Ngắm để vẽ, để tô, để sửa, ắt khuôn mặt càng dễ ưa, dễ coi. Hồn núi ở đó, hồn sông cũng ở đó.” [1; tr.42]. Là người chép sử, lại có nghề chiêm bốc, Sử Văn Hoa biết mình luôn trong tình cảnh “đùa chơi với lửa” bởi lẽ: “Ta là kẻ dùng cây bút, dùng ba tấc lưỡi để hé nhìn tương lai, để sống ở đời, để làm bạn với vua chúa. Chỉ một chữ thôi, chỉ một câu nói thôi, ta có thể làm xổng xích một bạo chúa, hoặc có khi ngăn chặn một cuộc chém giết.” [1; tr.43, 44]. Nhà chép sử quyết tâm không che giấu sự thật bên trong giấc mộng của ông vua già nên đã giải mã giấc mơ “hầu mõm đỏ, lầu gà trắng” vì theo ông, người gần đến cái chết (vua Nghệ Tôn) cần phải biết sự thật. Ông không đồng tình với cách làm tàn bạo, bất chấp tất cả của Hồ Quý Ly nhưng cũng cương quyết không theo lời Trần Khát Chân viết một cuốn sách bôi nhọ Thái sư. Sử Văn Hoa sẵn sàng đón nhận cái chết khi ở trong tù, ông ngày đêm viết cuốn sách mơ ước của đời mình, trong đó có chương “Minh Đạo luận” nhưng cũng rất quân tử khi nói ra sự

thật trong “giấc mộng kẻ bôi vôi” của Hồ Quý Ly… Nhân vật Sử Văn Hoa mang cốt cách trí thức, tinh thần phản biện và sự mẫn cảm thời thế. Tính cách cứng cỏi, thông tuệ và thấu cả những huyền vi của tạo hóa đã giúp ông không chịu khuất phục trước bạo quyền. Không thể phủ nhận, trong việc xây dựng chân dung nhân vật Sử Văn Hoa triền miên trong dòng suy nghĩ, tự vấn, tác giả đã lồng ghép những suy tư của bản thân đối với việc minh định, nhìn nhận lịch sử: “Núi sông cũng có âm dương; một đất nước cũng có âm dương; Phật giáo và Nho giáo. Phật giáo là phần âm của hồn dân Việt. Đạo Phật giữ phần linh thiêng, phần chìm, phần lặng lẽ và thâm thúy của núi sông. Đã bao đời nay, nó vẫn ngân nga trong tiếng chuông chùa làng, lẩn khuất trong đầu ngọn tre, dưới mái rạ, để xoa dịu, nâng đỡ hồn người dân quê trong những lúc nhiễu nhương loạn lạc… Còn Nho giáo, phần dương của núi sông, đó là phép tắc, lễ giáo, đó là cương cường xông pha, đó là mở núi lấp biển, đó là vàng son vinh quang.” [1; tr.514, 515]. Những trải nghiệm ấy được đúc kết từ biết bao suy tư, nghiền ngẫm của nhân vật trong suốt chiều dài thời gian lịch sử, cũng là trải nghiệm của cá nhân nhà văn khi đi tìm hiểu và đào sâu vốn văn hóa dân tộc - cội rễ của lịch sử.

Trong biến động của lịch sử, những bậc trí thức như Hồ Quý Ly, Sử Văn Hoa, Đoàn Xuân Lôi, Hồ Nguyên Trừng… là những con người biểu hiện cụ thể và rõ nét nhất khát vọng của họ trong các vấn đề quốc gia dân tộc. Nếu Hồ Quý Ly, ngay từ lúc làm quan Thái sư đã muốn mình làm mây làm mưa tưới mát khắp muôn nhà thì Hồ Nguyên Trừng lại mong ước trở thành “rường cột để chống đỡ xã tắc” [1; tr.55]. Dường như, Hồ Nguyên Trừng cũng là nhân vật mà tác giả gửi gắm nhiều ý tưởng nhất, bên cạnh Hồ Quý Ly. Hoài bão làm rường cột của nước nhà song Hồ Nguyên Trừng trong hành động và suy tư vẫn là một khối mâu thuẫn lớn. Là con trai cả của Hồ Quý Ly, Hồ Nguyên Trừng rất thấu hiểu tham vọng và chí lớn của cha nhưng ông cũng nhìn thẳng vào cục diện của tình thế lịch sử để biết rằng: “Nhà Trần hiện nay đã thối ruỗng, đáng lật đổ. Và cha là

người duy nhất hiện nay có thể lật đổ nhà Trần dễ dàng. Nhưng ơn sâu của nhà Trần với muôn dân thì cha có lật đổ được không?” [1; tr.104]. Ông dứt khoát không đồng tình với những việc làm mù quáng đến tàn bạo của cha, nhưng cũng không dễ dàng thoái lui khỏi chiến trường chính sự. Chính “lũy tre, nếp nhà, mặt đất” đã níu kéo Nguyên Trừng trong giấc mơ bay như lời tiên đoán của Sử Văn Hoa, và lựa chọn cuối cùng của nhân vật vẫn là “Lặng lẽ đi về phía có tiếng trống” với mơ ước thưở bình sinh: “tha nhật tác đống tác lương dĩ phù xã tắc”. Thượng tướng Trần Khát Chân đại diện cho những bậc tôn thất nhà Trần lại khư khư giữ nhưng tư tưởng bảo thủ một cách mù quáng. Là một trong số ít những tài năng còn lại của triều Trần, thượng tướng nhận thức rõ phải thay đổi thì mới cứu vãn tình thế nước nhà. Nhưng ông lại cực đoan duy trì ngôi báu, duy trì những giá trị cũ kĩ của triều đại phải tới hồi kết thúc. Con người như Trần Khát Chân đi ngược lại bánh xe của lịch sử cuối cùng đã phải trả giá đắt trong cuộc thảm sát ở Đốn Sơn.

Trong tiểu thuyết Mẫu thượng ngàn, hình ảnh các bậc trí thức mang khát

vọng thời cuộc cũng là một điểm sáng của tác phẩm. Đặt các nhân vật trong bối cảnh giao tranh văn hóa khốc liệt giữa phương Đông và phương Tây của buổi đầu thực dân Pháp xâm lược, Nguyễn Xuân Khánh đã khắc họa một số chân dung con người mang trong mình lí tưởng và khát vọng của nhân dân, của cả cộng đồng. Đó là thế hệ các nhà Nho như cụ Cử Khiêm, cụ Vũ Huy Tân, những người trí thức kiên trung, đến lúc chết vẫn quyết giữ gìn phẩm tiết. Vợ chồng cụ Cử Khiêm sẵn sàng giang tay cứu vớt những thân phận khốn cùng (cha con trưởng Cam) dù bị quy kết là kẻ che chắn cho bọn tà giáo, song cũng chính con người ấy trong cuộc dấy binh khởi nghĩa chống Pháp, đã tự tay rạch bụng mình

Một phần của tài liệu Thế giới nhân vật trong tiểu thuyết của Nguyễn Xuân Khánh (qua tác phẩm Hồ Qúy Ly, Mẫu Thượng ngàn, Đội gạo lên chùa (Trang 38)