0
Tải bản đầy đủ (.pdf) (128 trang)

Hưcấu nghệ thuật như một chất liệu độc đáo

Một phần của tài liệu THẾ GIỚI NHÂN VẬT TRONG TIỂU THUYẾT CỦA NGUYỄN XUÂN KHÁNH (QUA TÁC PHẨM HỒ QÚY LY, MẪU THƯỢNG NGÀN, ĐỘI GẠO LÊN CHÙA (Trang 79 -79 )

6. Kếtcấu Luận văn

3.1.2. Hưcấu nghệ thuật như một chất liệu độc đáo

Thành công của một tác phẩm tiểu thuyết, nhất là tiểu thuyết viết về lịch sử đòi hỏi mức độ hư cấu và nghệ thuật tưởng tượng của nhà văn, dựa trên cơ sở những cứ liệu lịch sử đảm bảo nguyên tắc thể loại. Ở điểm này, lao động nghệ thuật khổ ải của Nguyễn Xuân Khánh đã không phụ công ông khi toàn bộ cấu

trúc tác phẩm Hồ Quý Ly là kết quả của nghệ thuật hư cấu đặc sắc. Để làm nổi

bật hình tượng thái sư Hồ Quý Ly và hệ thống các nhân vật hỗ trợ tiến trình lịch sử, tác giả đã xây dựng hàng loạt các nhân vật phụ không được ghi chép trong chính sử, cá biệt có những nhân vật hư cấu hoàn toàn như: Sử Văn Hoa, Phạm Sinh, kì nữ Thanh Mai, Quỳnh Hoa… và cấp cho họ một đời sống sinh động lạ thường, cực kì ăn nhập với guồng chuyển động tâm lí, tính cách của các nhân vật chính.

Hồ Quý Ly hiện lên trong tác phẩm không bó hẹp trong một quan niệm như nhất: một tên bạo chúa, một kẻ thoán vị bất chấp thủ đoạn, một con người

táo bạo uy quyền... Nhân vật được tác giả bổ sung thêm những phẩm chất mới mẻ, một con người “kiêu ngạo mà giản dị”, “cứng rắn và dịu dàng”. Bao quanh nhân vật là những chi tiết hư cấu nghệ thuật đắt giá. Thưở bé, Quý Ly thích chơi với lửa, chỉ cần nhìn vào ánh lửa của ngọn nến lung linh là cậu bé có thể ngưng khóc ngay lập tức. Ngọn lửa ám ảnh suốt tuổi thơ của Quý Ly cho đến khi ông trở thành Thái sư đầy quyền lực, nó bùng cháy trong khát vọng thống trị, khát vọng thay đổi cục diện xã tắc và là ngọn nguồn sức mạnh tâm tưởng trong ông. Bí mật về trò chơi giữ lửa, Quý Ly chỉ chia sẻ cho riêng công chúa Huy Ninh, mà mãi sau này, ông mới thừa nhận: “ngọn lửa của ông là sự cuồng nộ hành động, còn ngọn lửa của bà nằm ở sự sám hối…” [1; tr.571].

Nỗi cô đơn đồng hành cùng Hồ Quý Ly cũng được tác giả khám phá qua nhiều trang viết. Cảm động nhất là hình ảnh Quý Ly hàng đêm vẫn ngồi dưới chân pho tượng đá trắng, để nhìn vào đôi bàn tay bà đang giơ ra phía trước như can ngăn ông, như muốn để cho dòng nước mắt tuôn trào, nhẹ nhõm… Ngay cả chi tiết bức tượng bà công chúa Huy Ninh, với tư thế ngồi hai tay giơ ra phía trước bình thản được gợi ý từ một pho tượng đẹp của bà Chúa trong chùa Dâu (Bắc Ninh) cũng là sản phẩm của trí tưởng tượng kết hợp với vốn kiến thức, trải nghiệm đời sống dầy dặn của tác giả. Nhân vật nhờ đó hiện lên sống động, có đời sống nội tâm riêng mà lịch sử chưa nhiều khám phá.

Nguyễn Xuân Khánh đặt nhân vật Hồ Quý Ly trong những giấc mơ - một không gian ảo, cũng là chủ ý hư cấu nghệ thuật. Hơn mười lần nhà văn để nhân vật sống trong mơ. Giấc mơ ám ảnh nhất là Hồ Quý Ly gặp Nghệ Hoàng, tất cả những suy nghĩ sâu kín nhất của vua tôi đều được cởi bỏ, bộc lộ chân thực. Đằng sau mỗi giấc mơ, là một phần của hiện thực, hiện thực nỗi cô đơn và sợ hãi của con người khi thấy mình “độc hành, độc bộ”. Trong cơn hoảng hốt, Quý Ly

không sợ vị vua đã băng hà, mà sợ hãi chính mình khi không còn làm chủ, không còn kiên trì với con đường mình đang đi.

Cả hai cuộc tình của Hồ Nguyên Trừng với quận chúa Quỳnh Hoa và kì nữ Thanh Mai cũng là sản phẩm của sự hư cấu. Chi tiết Nguyên Trừng ôm thân thể Quỳnh Hoa, xõa dài suối tóc đen dài của nàng để gội trong làn nước thanh khiết trước khi nàng chết, là một hình ảnh cảm động và ám ảnh cả nhân vật lẫn người đọc. Chi tiết vua Thuận Tôn bệnh nặng, đêm mất ngủ vì tiếng ếch nhái, vị quan hầu sai lính lội xuống ao, dùng roi quật xuống mặt nước cho ếch nhái ngừng kêu, để vua yên ngủ, cũng là ẩn dụ độc đáo. Phải chăng đó là hình ảnh tượng trưng cho những biến động của thời cuộc đang dậy sóng với bao biến cố, tao loạn?

Nhân vật nhà chép sử Sử Văn Hoa, nho sĩ Phạm Sinh được tác giả hư cấu hoàn toàn để làm nổi bật phần khuất lấp trong tâm hồn của các nhân vật lịch sử. Sử Văn Hoa suốt cuộc đời làm công việc cất giữ “hồn nước” trong những trang sử liệu. Bằng con mắt công tâm, khách quan, ông vừa nhận thấy ở Quý Ly là một tài năng xuất chúng, nhưng cũng là một kẻ “trên đầu chẳng biết có ai”. Tính cách cứng cỏi và lòng biết giá người của Sử Văn Hoa là một nét son đẹp trên cái nền lịch sử mục ruỗng. Phạm Sinh là con người đầy mâu thuẫn khi bản thân nhân vật chất chứa nhiều bi kịch: bi kịch mang nỗi thù của cha, nỗi thù của thầy (cụ Sư Tề), bi kịch của kẻ trí thức mang hoài bão lịch sử. Ở Phạm Sinh luôn là quá trình đấu tranh khi tự biết mình vừa là mục tiêu của tôn thất nhà Trần, vừa là sự săn đuổi mến mộ của phe cánh Hồ Quý Ly…

Trong tiểu thuyết Mẫu thượng ngàn, đại đa số nhân vật đều là sự hư cấu

nghệ thuật của nhà văn. Đặc biệt, bút pháp huyền thoại trong sáng tạo nhân vật được tác giả sử dụng rất thành công. Bao bọc lấy các nhân vật là bầu không khí linh thiêng, kì ảo. Cuộc đời và số phận kì lạ của nhân vật bà Tổ cô được nhà văn kể rất gọn trong chương VII nhưng để lại nhiều ám ảnh lạ lùng. Bà Tổ cô tên thật

là Vũ Thị Ngát, là bậc cao nhất trong dòng họ Vũ Xuân, tuổi của bà cũng gần chín mươi, già nhất làng nên được tôn là bà Tổ cô. Bà lấy ông phủ Khiêm năm 16 tuổi đúng vào lúc nước nhà đau thương nhất vì sự dày xéo của quân Pháp, cuộc đời cũng theo đó mà chìm nổi trong những li loạn. Trở thành góa phụ với đứa con trai hai tuổi khi mới đôi mươi, cuộc hôn nhân của bà Ngát với người chồng thứ hai tiếp tục được dân gian thêu dệt bằng một số chi tiết kì lạ, khiến cho nhân vật càng trở nên đầy tính huyền thoại: Việc bà chữa bệnh cho ông trưởng Cam và “tái sinh” ông một lần nữa là một chi tiết lạ lùng nhưng cảm động, đứa con trai cầu tự ở Phủ Giầy của bà sau đó chết vì bệnh đậu, người dân thì thầm rằng, thằng bé là con thánh, nay lại đem cho bên đạo nuôi nên cậu giận không ở lại nữa vv…vv. Câu chuyện về việc bà nuôi “ngựa ngài” ở đền Mẫu để trừng trị những kẻ báng bổ thần thánh (như chuyện tây đồn điền Julien bị rắn thần đuổi bán sống bán chết vì dám lên đền báng bổ) là một sự kiện thu phục niềm tin của dân chúng trong vùng. Câu hát, tiếng đàn cung văn, cùng hình ảnh bà Tổ cô oai phong, lộng lẫy trao cho bà cả Cỏn một chiếc khăn thêu, bọc ngoài một quả cam và căn dặn: “Quả cam con ăn, cái khăn con luôn để trong người. Mẫu sẽ thương con, con sẽ cầu được ước thấy” [2; tr.534] đã khiến nhân vật hiện lên đậm đặc một sắc màu huyền ảo, linh thiêng. Bà còn như biết trước về cuộc đời và số phận cô Mùi, những dự đoán của bà dường như linh ứng hoàn toàn với cô: “Con có mặt ở đâu là chỗ đó tươi tỉnh hẳn lên… Hình như Mẫu luôn ngự nơi con để ban tài phát lộc cho con nhang, đệ tử. Người chân tu càng ở bên Mẫu, căn cốt càng dày.” [2; tr.697]

Từ hình ảnh bà Tổ cô huyền bí, ta thấy cô Mùi trong tác phẩm cũng là một nhân vật nhuốm đầy màu sắc hư ảo. Trải qua ba đời chồng, sống giữa trần gian với nhiều cay đắng, cô cắt bỏ tục lụy, trở về với Mẫu, làm thủ đền hầu thánh khiến ngôi đền Cổ Đình trở nên đông vui, phồn thịnh. Kể từ ấy, cô Mùi có khả năng chữa bệnh cho mọi người. Nhiều người nghèo, không có tiền bạc, chỉ uống

thứ lá lẩu cô mang trong rừng ra, thế mà khỏi bệnh trầm trọng. Cả cách chữa bệnh của cô cũng rất kì lạ, chỉ nắm lấy bàn tay người bệnh với niềm tin vào Mẫu là bệnh sẽ khỏi: “Con hãy thật tin vào hai bàn tay con. Mẹ cho con để làm dịu cái đau của người ta. Khi hai bàn tay nắm lấy hai bàn tay, tức là lòng đã nói với lòng. Nếu con muốn xin cho người bệnh khỏi đau ốm, thì ý muốn của con truyền qua tay, sẽ đến với người bệnh. Cái chính là lòng dạ con phải biết thương xót thực sự…” [2; tr.700,701].

Nhân vật ông hộ Hiếu, một thầy phù thủy huyền thoại của Cổ Đình cũng được bao bọc trong nhiều màu sắc lạ lùng. Ông hộ Hiếu là em ruột của cụ đồ Tiết, từng là thợ sơn tràng đi đẵn gỗ thuê cho ông Cửu Nhậm. Sự kiện lạ lùng xảy ra trong một lần chặt cây giữa đêm mưa rừng đã biến hộ Hiếu thành một con người khác hẳn: “Một tiếng sét nổ liên tiếp sau đó làm ông nhắm mắt lại. Chợt ông cảm thấy trong người rất lạ. Cứ cảm thấy sắp có chuyện gì xảy tới liền mở mắt ra. Ông giật mình vì trong thấy ở đằng xa một quả cầu lửa to tròn như cái rá đang bay tới. Quái lạ chưa! Quả cầu lửa đang lao thẳng tới ông. Ông sợ quá hét lên: “Cứu tôi với!”. Ông chỉ mới kịp kêu như vậy đã bị quả cầu sáng chói đâm vào mặt, không tài nào tránh được. Thế là ông ngã vật xuống, hôn mê bất tỉnh. Những người thợ bạn khiêng ông về nhà… Lúc ông tỉnh dậy thì điều lạ lùng xảy ra. Nhìn vào con người, ông có thể trông rõ các phủ tạng, phổi, tim, gan, não… và có thể nhận ra bộ phận nào mạnh khỏe, bộ phận nào đau ốm.” [2; tr.240, 241]. Ông tự nhận lãnh sứ mệnh đến ngôi chùa làng, bảo vệ dân chúng, ăn mày cửa Phật dù ông chưa bao giờ làm sư hay phù thủy. Ông chữa được tất cả các bệnh chỉ bằng lá bùa, đốt thành tro bắt bệnh nhân uống, thêm vài viên thuốc ông tự tay sao tẩm lá lẩu, trộn với cơm nguội giã nhuyễn, thế mà khỏi bệnh. Cách ông vẽ bùa cũng thật kì quái và khủng khiếp. Với lá bùa viết từ máu, hộ Hiếu đã chữa khỏi bệnh thực sự cho biết bao trẻ con trong làng, cả bệnh điên của bà ba Pháo và tây Pierre. Nhất là những lần lên cơn thánh ốp, ông hộ Hiếu nhịn ăn hàng tuần,

chỉ uống nước chè đặc chát xít, nhìn như một bộ xương khô, đôi mắt trắng dã, tóc trắng, râu dài và trắng, nhưng đó cũng là lúc ông đoán bệnh giỏi nhất. Việc ông hộ Hiếu chữa bệnh cho tây Pierre bằng những phép thuật ma quái: cúng ma, uống thuốc lá bùa, chịu đau đớn thể xác… mà khỏi bệnh khiến nhân vật càng trở nên lạ kì, nhưng cũng khiến kẻ ngoại bang phải suy nghĩ lại về sức kháng cự của văn hóa bản địa, với tất cả những thâm trầm bí ẩn chẳng gì có thể áp chế.

Bên cạnh những nhân vật có thật nhưng cuộc đời được đan dệt bằng huyền

thoại, trong Mẫu thượng ngàn, Nguyễn Xuân Khánh còn kể về câu chuyện của

nhân vật kì ảo trong truyền thuyết dân gian như ông Đùng bà Đà, những cô gái chết trẻ hoặc chết oan khuất được đi hầu Thánh Mẫu, sung vào làm lính hầu quan, cô Chín ngự đồng dệt gấm thêu hoa… Đặc biệt, câu chuyện huyền thoại ông Đùng bà Đà được tác giả kể lại sinh động và đầy sáng tạo. Nguyễn Xuân Khánh đã phá bỏ cốt truyện truyền thống, chỉ giữ lại dấu vết khổng lồ của hai nhân vật này, đặt họ trong mối quan hệ anh em ruột thịt và giao phối của một cuộc hôn nhân để tạo ra những lớp nghĩa ẩn dụ. Từ nhân vật huyền thoại, nhà văn nhấn mạnh đến yếu tố phồn thực với cảm quan, thái độ của hai lớp người. Những “cụ già trong làng”, đại diện cho lớp người cũ thì giữ cái nhìn kì thị, áp chế đối với những hành vi không chuẩn mực, còn “những chàng trai cô gái trong làng” thì lại khao khát và ước ao về những bứt phá khuôn khổ mà hai con người dị biệt ấy mang lại. Tác giả đã mở ra cho các nhân vật huyền thoại một đời sống sau khi đã chết, khiến các nhân vật này hiện diện trong đời sống hiện tại của trai gái làng Cổ Đình, bấp chấp mọi sự cấm kị.

Anh em chủ đồn điền là Philippe Messmer, Pierre Messmer và Julien Messmer cũng có thể coi là hư cấu nghệ thuật đặc sắc của nhà văn ở tiểu thuyết này. Họ đóng vai trò là người đại diện cho chính quyền Pháp đến xâm chiếm thuộc địa, đặt nền móng trên mảnh đất Cổ Đình. Đằng sau hình bóng của

Philippe Messmer, tác giả khẳng định sức sống mãnh liệt của văn hóa bản địa, một nền văn hóa đầy Mẫu tính đã thu phục và chiến thắng văn minh phương Tây trong cuộc xung đột khốc liệt. Đằng sau cái chết đau đớn của Julien Messmer là lời cảnh báo sự trừng phạt của hồn Đất (như chính nhà dân tộc René đã dự đoán) khi cưỡng đoạt thân xác và tâm hồn người An Nam (cô Nhụ)…

Những nhân vật trong tiểu thuyết Đội gạo lên chùa vừa là nguyên mẫu

cuộc đời, vừa là sản phẩm hư cấu đúc kết từ những suy tư triết học, tôn giáo của nhà văn. Cái có thật và tính sáng tạo đã hòa quyện thống nhất trong cách tổ chức nhân vật. Cái hư cấu đã đạt đến khả năng chân xác, đầy hiện thực. Các nhân vật hiện lên vừa là bóng dáng của con người đời thường, mang nỗi đau khổ mất cha mất mẹ trong chiến tranh loạn lạc, trong công cuộc đấu tố cải cách ruộng đất đầy máu và nước mắt, trong những ngày hòa bình mới lập lại còn nhiều thương tích chưa lành… nhưng đích thực, vẫn là những con người của tiểu thuyết. Tài nghệ của nhà văn, có lẽ chính là ở chỗ ấy!

Có thể nói, nguyên mẫu và hư cấu trong sáng tạo nghệ thuật nói chung, trong xây dựng nhân vật nói riêng, luôn luôn là thử thách của mỗi người cầm bút. Ở trường hợp ba cuốn tiểu thuyết này, Nguyễn Xuân Khánh đã hoàn toàn thành công và vượt qua thử thách chính mình.

Một phần của tài liệu THẾ GIỚI NHÂN VẬT TRONG TIỂU THUYẾT CỦA NGUYỄN XUÂN KHÁNH (QUA TÁC PHẨM HỒ QÚY LY, MẪU THƯỢNG NGÀN, ĐỘI GẠO LÊN CHÙA (Trang 79 -79 )

×