Giọng điệu

Một phần của tài liệu Thế giới nhân vật trong tiểu thuyết của Nguyễn Xuân Khánh (qua tác phẩm Hồ Qúy Ly, Mẫu Thượng ngàn, Đội gạo lên chùa (Trang 112)

6. Kếtcấu Luận văn

3.4.2.Giọng điệu

Giọng điệu tự thuật

Giọng điệu tự thuật vang lên trong ba tác phẩm chủ yếu gắn liền với nhân vật người kể chuyện xưng “tôi”. Câu chuyện về cuộc đời, gốc gác, về những biến cố của bản thân và gia đình được nhân vật kể lại chân thực. Đó là những dòng trần thuật của Nguyên Trừng ở chương II bắt đầu từ “Tôi là Lê Nguyên Trừng, hay nói cho đúng hơn tôi là Hồ Nguyên Trừng…” [1; tr.53]. Cũng từ đây, nhân vật Hồ Nguyên Trừng được toàn quyền kể lại những chi tiết xung quanh cuộc sống của mình, về gia đình bên ngoại, về mối tình với Quỳnh Hoa, những nỗi ưu tư sâu kín

không dễ thổ lộ…Trong Hồ Quý Ly, tác giả để cho một số ít nhân vật phụ bộc

bạch về cuộc đời sóng gió của mình. Trong đêm hội ngộ diệu kì với Hồ Nguyên Trừng, Thanh Mai đã cởi bỏ nỗi lòng và tâm sự rất thành thực: “Gia đình em làm nghề chài lưới, ở một vùng hạ lưu sông Hồng… Năm ấy, em chừng mười ba tuổi, quân Chiêm Thành theo Chế Bồng Nga tràn ra cướp phá nước ta… Năm ấy, em mười ba tuổi, vừa xinh đẹp vừa có giọng hát hay nên bị xung vào đội ca múa của vua Chế Bồng Nga.” [1; tr.681, 682]. Những tình tiết trong cuộc đời cay đắng của người con gái bị bắt làm trò mua vui cho quân Chiêm Thành được nhân vật kể lại cụ thể, với nhiều dẫn chứng thời gian, dẫn chứng sự kiện nên càng có độ tin cậy. Giọng điệu tự thuật lúc này còn đan bện với giọng xót xa, thương cảm nên gây được nỗi xúc động mạnh mẽ với người đọc.

Cũng như thế, ở tiểu thuyết Mẫu thượng ngàn, giọng điệu tự thuật phần lớn được thể hiện qua lời kể của bà ba Váy. Ngoài “Chương XI - Bà ba Váy kể chuyện”, nhân vật này cũng có riêng một lượt lời ở mục 3 - chương XII. Bà ba Váy tâm sự về gia đình nhà chồng, về những mặc cảm của con nhà nghèo, lấy chồng để trả nợ 20 thúng thóc của cha mẹ nhưng qua lời tự thuật của nhân vật, chúng ta thấy hiện lên chân dung của một bà ba Váy thật chung tình, biết ăn ở, biết vun vén và chấp nhận hi sinh, như chính cốt cách của người phụ nữ Việt.

Trong Đội gạo lên chùa, lời kể của chú tiểu An về nỗi bất hạnh của gia

đình, của người chị đáng thương và những năm tháng theo hầu sư cụ cho tới lúc trở thành anh bộ đội giải phóng, trở về xây dựng cuộc đời cũng mang giọng điệu tự thuật sâu sắc. Những biến cố, tai họa của đất nước trong suốt nửa thế kỉ đặt trọn vẹn trong không gian làng Sọ - chùa Sọ, nhân vật bám sát các dữ kiện thời gian và không gian mình chứng kiến nên tầm bao quát ít nhiều bị hạn chế. Đặc biệt, nhân vật có xu hướng tự thuật về mình với nhiều trăn trở cá nhân nên giọng điệu này chưa vươn lên trở thành giọng chủ đạo của cả tác phẩm. Riêng nhân vật bà Nấm có một đoạn văn ngắn hồi tưởng về kỉ niệm từ thời con gái, một lát cắt của thời gian dường như trở nên có ý nghĩa hơn với nhân vật và với chính cô bé Huệ: “Lúc ấy, mẹ mới mười bảy, mười tám, ở với bà dì. Bà ấy là bà Tư của ông chánh Long. Hai dì cháu ở ngoài rừng Cò. Dì Tư lấy chồng giàu, tuy vậy vẫn sống rất tằn tiện chẳng khác gì người nông dân nghèo…” [3; tr.492]. Đoạn hồi tưởng về kỉ niệm và đưa kỉ niệm sống dậy trong hiện tại của bà Nấm đã trở thành công cụ để hai mẹ con đào thoát khỏi gông cùm của đội cải cách là cách dẫn dắt khá uyển chuyển của nhà văn. Nhân vật sau lời tự thuật ngắn gọn ấy, hiện lên là một con người bản lĩnh, thông minh và quyết tâm thay đổi số phận cuộc đời mình!

Như chúng tôi đã tìm hiểu và khẳng định ở các chương trước, tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh về cơ bản mang cảm hứng luận giải. Do đó, giọng điệu triết luận - thế sự phải được coi là giọng điệu chủ đạo, xuyên suốt cả ba cuốn sách.

Trong tiểu thuyết Hồ Quý Ly, để làm nổi bật cuộc đấu tranh giữa cái cũ và

cái mới, giữa tư tưởng cải cách chính trị với tư tưởng bảo thủ giữ gìn truyền thống cùng những suy tư về đất nước, dân tộc của các nhân vật, nhà văn vận dụng tối đa giọng điệu triết luận - thế sự. Câu chuyện vì thế có một bầu khí quyển riêng, vừa chiêm nghiệm lịch sử, vừa đánh giá lịch sử và những vấn đề quan thiết của thời đại. Những lời căn dặn của cụ Phạm, ông ngoại Nguyên Trừng đã gieo vào tâm hồn chàng trai ý nghĩa của y học, đó cũng là nền móng vững chắc của tư duy, ảnh hưởng nhiều đến suy nghĩ của Hồ Nguyên Trừng sau này: “Y là cái gốc. Phật cũng là y. Nho, Lão cũng là y… Có thứ vương y, có thứ bá y. Vương y là làm cho con người được âm dương điều hòa, trở về quân bình. Con đường ấy lâu và khó, nhưng bền gốc. Còn bá y thì giống như ông tướng cầm quân nóng nảy và quyết liệt. Nó nhanh đấy, tưởng như kết quả đấy, nhưng căn nguyên thì không dứt.” [1; tr.32].

Thông qua những liên tưởng, suy tư của các nhân vật, nhà văn khái quát và phát biểu thành các định đề. Đó là lí tưởng của Đạo giáo thấm nhuần trong tâm thức của ông vua trẻ Thuận Tôn: “Tu đạo cốt nhất ở lòng mình tĩnh lặng” [1; tr.443], là tư tưởng Sử Văn Hoa quyết tâm bảo vệ đến cùng, ngay cả khi bị giam cầm trong tù ngục: “Cốt ở đức, không cốt ở nơi hiểm trở”. Ngay cả Hồ Quý Ly, khi đánh giá con đường đi của người trí thức, bản thân ông cũng thừa nhận: “Những người lỗi lạc thường phải đắn đo suy ngẫm, bởi vì chỉ một bước chệch chân sẽ ôm hận ngàn năm.”[1; tr.483].

Giọng điệu triết luận còn xuất hiện trong một số cảm xúc của nhân vật về những triều đại cũ, về những người anh hùng kiệt hiệt. Tiêu biểu nhất là đoạn

văn Sử Văn Hoa viết về đức vua Trần Nhân Tông: “Một ngôi sao sáng nhất trong bầu trời lịch sử Đại Việt… Đó là một đức vua văn hiến; một nước Đại Việt có được tồn tại sánh vai được với thiên hạ hay không, ngoài chiến công hiển hách, còn phải có Văn hiến. Không Văn hiến, dân Nam ta sẽ chỉ còn là một bộ tộc dã man mông muội.” [1; tr.513]. Khẳng định nhân cách và tài năng lỗi lạc ở đức vua Trần Nhân Tông, Sử Văn Hoa gián tiếp bộc lộ cách đánh giá của mình về bậc minh chủ trong cái nhìn so sánh với Nghệ Tôn và Hồ Quý Ly. Trong cái nhìn về cuộc đời, về thế sự đảo điên, các nhân vật có xu hướng bộc lộ nhiều chiêm nghiệm. Từ hình ảnh hạt mầm, Phạm Sinh suy tư về cuộc đời, về những tàn lụi và tái sinh: “Hạt mầm sinh ra từ cây cổ thụ. Gặp duyên mầm sẽ bừng xanh, để rồi cuối cùng đi tới lúa vàng, nhưng lại thay thế bằng một mầm mới. Một trận gió sẽ cuốn mầm đi. Có thể mầm sẽ bay đến vùng đất mầu mỡ mới và sẽ tái sinh. Nhưng cũng có thể mầm bị rơi vào một hốc đá tối tăm nghèo kiệt, để rồi èo uột tan rữa ra ở đấy… Biết làm sao được! Thôi thì hãy phó mặc cho con tạo xoay vần…” [1; tr.252]. Hay chiêm nghiệm của Đạo sĩ ở Thanh Hư quán nhìn cuộc đời bằng con mắt hư vô: “Đời người mờ mịt; thoắt đến thoắt đi, biết đâu là phúc, biết đâu là họa, biết đâu là thị, biết đâu là phi… Sao chẳng như hơi thở của đất trời, đã không nổi lên thì thôi, đã nổi lên sẽ ra muôn giọng.” [1; tr.427]

Trong Mẫu thượng ngàn, giọng điệu triết luận không phải là dòng âm chủ

đạo, nhưng khi nói về văn hóa bản địa, về niềm tin của đạo Mẫu, về sức sống bất diệt của dân tộc, giọng điệu ấy lại đem đến vẻ đẹp rất riêng cho trang viết Nguyễn Xuân Khánh. Lời than của hộ Hiếu trước cái chết của Philippe Messmer: “Khi số mệnh đã định, chẳng ai cưỡng lại nổi! Chúng ta chỉ chữa được bệnh, chữa sao nổi mệnh” [2; tr.386] là bài học đau đớn cho người phương Tây khi không thể hòa nhập với văn hóa phương Đông. Cả sự sòng phẳng đến lạnh lùng của Julien trong cái nhìn về dân tộc học cũng mang đầy sắc điệu của tư duy lí tính: “có những dân tộc sinh ra trên trái đất này để thống trị, và cũng có những

dân tộc sinh ra để bị trị. Lịch sử là một cuộc vật lộn khốc liệt giữa các dân tộc. dân tộc nào yếu hèn, dân tộc ấy sẽ phải ở vị trí mà họ xứng đáng. Lịch sử loài người mãi mãi như vậy.” [2; tr.413]. Suy nghĩ của Pierre có phần khách quan hơn, mang sắc thái biện giải cho những khác biệt văn hóa mà những người phương Tây như ông hay Julien đang nhìn thấy và sống chung hàng ngày: “Đạo của họ thờ Mẹ trời, Mẹ đất, Mẹ nước. Họ nói đó là đạo Người Mẹ. Có thể nói gọn, đó là đạo thờ khí thiêng của thiên nhiên, thờ người Mẹ đã sinh ra thế gian này. Thờ như vậy tức là thờ những điều cao quý nhất. Đâu có phải tà giáo.” [2; tr.427]. Nhà dân tộc học René sau khi chứng kiến tất cả những biến cố ở làng Cổ Đình và sự thất bại của người phương Tây trong cuộc xung đột văn hóa với phương Đông, cũng ngậm ngùi khẳng định: “Chẳng ai đi dưới bóng hàng cọ mà không hề hấn gì. Phải chăng, khi ra khỏi bóng hàng cọ, ta sẽ chẳng còn giống như xưa? Ở đời, trong cuộc chơi, cả hai bên đều phải đi qua dưới bóng hàng cọ” [2; tr.806]

Trong tiểu thuyết Đội gạo lên chùa, giọng điệu triết luận - thế sự lại trở

thành giọng điệu chủ đạo, bao trùm cả tác phẩm. Những chiêm nghiệm của sư cụ Vô Úy về đạo Phật và cuộc đời, nhìn nhận của sư thúc Vô Trần về đạo Phật và Cách mạng, những quan sát cuộc sống của chú tiểu An khi từng ngày nghiền ngẫm giáo lí nhà Phật hay suy tư của nhân vật đại úy Thalan, bà Nấm và các nhân vật khác vv…vv tràn ngập mỗi chương truyện. Khó có thể dẫn giải hết các đoạn văn tác giả để nhân vật rao giảng về triết lí đạo Phật và văn hóa cộng đồng làng xã, về Cách mạng. Ở đây, chúng tôi chỉ lựa chọn ở mỗi nhân vật những phát ngôn và định đề tiêu biểu. Chủ trương Phật giáo là một lối sống, hòa thượng Vô Úy đã truyền vào tâm hồn chú tiểu An những bài học đầu tiên về đạo Phật và sự gắn bó hòa hợp của đạo Phật với cuộc đời:

“Con ơi! Trên đường đời dài dằng dặc, một người con của Phật, hay một con người cũng vậy, đều phải biết tự đi bằng đôi chân của mình… Phải biết độc hành con ạ… Chẳng biết thầy nói con có hiểu gì không? Đường của Phật gian nan lắm con ơi. Muốn tìm được đạo, phải biết độc hành… Không có ai tìm hộ cho con đâu…” [3; tr.28]

“Con đường Phật giáo là con đường dẫn đến yên tĩnh tâm hồn, dẫn đến minh triết. Con đường ấy là hành đạo chứ không tìm ra được bằng những tranh cãi xa vời.” [3; tr.327]

Thiền sư Vô Chấp - vị sư tổ của hòa thượng Vô Úy hiện lên thoáng qua nhưng cũng để lại ấn tượng đẹp về những điều người dạy:

“Có người nghĩ rằng chữ Nhẫn của đạo Phật là sự yếu hèn cam chịu. Chắc chắn không phải vậy. Cuộc đời lắm lúc cần phải dừng lại để suy ngẫm, để tích tụ sức mạnh. Kho nào cần thiết, Phật giáo sẽ bùng nổ theo cách của nó. Năng lượng của cái nhẫn sẽ ghê gớm không thể tưởng tượng nổi. Nó kinh thiên động địa. Sức mạnh của từ bi có thể làm sụp đổ những gì bạo tàn nhất.” [3; tr.256]

Tâm niệm của sư thúc Vô Trần khi nghĩ về người mẹ thương yêu cũng trở thành một định đề mà tác giả nhiều lần trở đi trở lại: “Trong mỗi con người đàn ông để có bóng dáng một người đàn bà”. Cũng ở nhân vật này toát lên hệ thống tư duy sâu sắc, mỗi lời nói đều mang giọng triết lý nhưng không nặng nề, khô cứng: “Tôi chưa hề bao giờ giấu giếm mình đã là một nhà sư. Cũng như dân tộc mình chưa hề bao giờ chối bỏ rằng thời Lý - Trần, chúng ta đã từng có một dân tộc Phật giáo. Có thể nói những giá trị Phật giáo đã đóng góp rất lớn vào việc hình thành tính cách Việt.” [3; tr.784]

Giọng điệu của nhân vật bà Nấm với lời lẽ cứng cỏi trong cái nhìn thế sự cuộc đời cũng giúp Nguyệt có thêm sức mạnh để vượt qua những lời phê bình

của tổ chức: “Những chuyện gì nằm ngoài tay ta không thể thay đổi khác được thì phải chấp nhận. Cứ để cho mọi sự diễn biến. Rồi tùy theo mà ta hành động. Buồn bã cũng chẳng giải quyết được gì.” [3; tr.387]

Có thể nói, ở hầu hết các nhân vật của tiểu thuyết này, mỗi lời nói, suy nghĩ đều ít nhiều có ảnh hưởng từ tư tưởng Phật giáo. Giọng điệu triết luận của tâm thức Phật giáo, nhìn mọi sự đều tùy duyên, tùy thời, vừa mềm dẻo, vừa cương quyết, vừa biện giải, vừa khoan dung… đã bao trùm và chi phối các giọng điệu trần thuật khác trong tác phẩm.

Các sắc thái giọng điệu khác

Giọng điệu tự vấn xuất hiện nhiều ở những trường đoạn các nhân vật đối diện và tra vấn mình bằng dạng thức câu hỏi. Nhân vật Sử Văn Hoa nhiều lần đặt mình vào tình huống này khi liên tục hoài nghi: “Ta là kẻ thiện hay kẻ ác? Ta run sợ khi nghĩ đến điều đó, bởi chữ nghĩa có thể làm đảo điên biến ác thành thiện, hay thiện chuyển sang ác. Sống ư? Chết ư?... Thú thực nhiều lúc ta run sợ.” [1; tr.44]. Ông vua già Nghệ Tôn trong những giây phút đối diện với lòng mình, cũng tự trào và hoài nghi về con đường trị nước mà ông đã nếm trải suốt 30 năm qua: “Nhân từ ư? Thương dân ư? Những đức hạnh tốt đẹp đó hỏi trên đời này có ông vua nào hơn được cha con ông? Thế mà tại sao, tại sao nước Đại Việt này vẫn đói khát, loạn lạc; tại sao cơ đồ của tổ tiên ông vẫn ngả nghiêng. Nghiệp báo chăng? Không!... Ông có lỗi lầm gì đâu? Ông có tạo nghiệp ác đâu?” [1; tr.165]. Khi hội làng kết thúc, cảm giác trống vắng và cô đơn xâm chiếm khiến Nhụ hoang mang và tự hỏi: “Có phải đây là nỗi buồn sau những cuộc vui? Có phải là nỗi buồn khi ta rời khỏi đám đông, để một mình bước chân vào nẻo đường hoang vắng? Hay nỗi buồn ấy sinh ra từ một đám thiêu, dù là thiêu xác hình nhân?” [1; tr.761]. Chú tiểu An cũng triền miên trong những phút truy vấn bản thân đầy mâu thuẫn. Nhìn cảnh làng quê thanh bình mà lòng trĩu nặng nỗi buồn, để nước

mắt tràn mi và lại tự hỏi dồn dập: “Tủi phận chăng? Nỗi thèm khát một gia đình êm ấm chăng? Ghen tị với đời chăng?... Từ bi ư? Hận thù ư? Sống thế nào mới phải?” [3; tr.375]. Đằng sau giọng điệu truy vấn, người đọc lại có cơ hội khám phá sâu hơn những góc khuất trong tâm hồn các nhân vật với bao nỗi niềm day dứt, hoài nghi!

Giọng điệu bình dân, gần với lời ăn tiếng nói hàng ngày ở mỗi vùng quê

Việt Nam vang lên trong tiểu thuyết Mẫu thượng ngàn lại khiến cho nhân vật (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

trở nên tươi tắn, hồn nhiên lạ thường. Đó là những lời cạnh khóe của thằng Điều với thằng Cò khi Điều nhìn thấy Nhụ và Cò nói chuyện cùng nhau:

“- Cứ ra vẻ ta đây cậu ấm, ta đây kẻ chợ. Ôi dào! Mả nhà nó có táng vào cái bút cái nghiên đâu. Học cũng toi cơm thôi.

- Này Điều, mày xỏ xiên ai đấy?

- Tao nói giữa đường, đứa nào cấm được tao… “Để rồi anh dạy cho em!”. Học được mấy bồ chữ mà ghê thế.” [2; tr.120]

Một phần của tài liệu Thế giới nhân vật trong tiểu thuyết của Nguyễn Xuân Khánh (qua tác phẩm Hồ Qúy Ly, Mẫu Thượng ngàn, Đội gạo lên chùa (Trang 112)