6. Kếtcấu Luận văn
2.3.3. Nhân vật mang xung đột nội tâm
Ở tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh, ông chú trọng đào sâu vào những xung đột gay gắt bên trong con người, từ nhà cải cách chính trị, quân sự tài ba, nằm trong bánh xe của lịch sử đến những bậc chân tu, thuyết giáo và cả những con người rất đỗi bình thường. Nguyên nhân của hàng loạt những xung đột nội tâm là ở chỗ, mỗi nhân vật, tác giả đều đặt họ trong cách nhìn nhận, đánh giá đa chiều, đa diện, trong mối tương quan chằng chịt với các nhân vật khác. Mâu thuẫn nảy sinh trong chính suy tư và hành động của nhân vật, tranh biện giữa khát vọng, mục đích và thực tế…
Hồ Quý Ly và Hồ Nguyên Trừng là nhân vật rất điển hình cho tuyến nhân vật mang xung đột nội tâm. Là người lí trí sáng suốt và quyết tâm hành động, trong suốt ba mươi năm làm Thái sư hầu cận bên ông vua già Nghệ Tôn, những tâm sự thống thiết về vận mệnh xã tắc của Hồ Quý Ly đều được tấu trình lên thượng hoàng. Đó là ý định nung nấu một cuộc thay đổi lớn lao toàn bộ cục diện đất nước, là tư tưởng tôn vinh đạo Nho để khơi nguồn cho khí thiêng tuôn chảy… Nhưng trong những phút trải lòng cùng con trai cả Hồ Nguyên Trừng, Quý Ly cũng không ngần ngại phê phán sự nhu nhược của Nghệ Tôn: “Thật nực cười! Việc thịnh suy của một đất nước lại được giải quyết bằng sự mủi lòng như vậy sau?... Ông ta làm cha vừa thương, vừa bực bội, vừa khó nói… nếu cha rơi vào địa vị ông ta, cha sẽ cắn răng lại, lạnh lùng mà chết.” [1; tr.103]
Trong hai chương miêu tả chính diện (Minh Đạo I và Minh Đạo II), Hồ Quý Ly hiện lên triền miên giữa những dòng suy tưởng với hàng loạt câu hỏi được đặt ra. Đó là cái nhìn nghi hoặc của Thái sư vào những người thân tín và kẻ thù xung quanh, sự đa nghi về chính mình, hay là sự thức tỉnh khi Quý Ly nhìn vào sự thật: nhà sư Phạm Sư Ôn là kẻ thù của ông, nhưng ông vẫn trọng vì ông ta thật hào hùng; người đời gọi ông là kẻ gian hùng, ông chấp nhận vì “Chỉ cốt ta thành công”… [1; tr.483]. Niềm tin vào mình có lúc lung lay, ông tự hỏi mình đã xứng đáng một minh chủ hay chưa? Trần Khát Chân, Trần Nguyên Hàng có khả năng trở thành minh chủ không? Ở họ bốc lên mùi mốc meo cũ kĩ, nhưng ông vẫn tiếc, vẫn trọng… Cái cảm giác chưa thu phục được kẻ sĩ dù rằng ông rất tâm huyết với họ, chiều chuộng họ mà họ vẫn xa rời cứ đeo bám Hồ Quý Ly. Ở con người đa mưu, đa sát, nắm trong tay vận mệnh của trăm họ cũng có lúc tự hỏi mình hạnh phúc sung sướng hay đau khổ. Trong cả những giấc mơ, sự mệt mỏi của Quý Ly cũng hằn lên rõ nét. Những lúc ấy, cách để trấn an tinh thần và giúp ông cân bằng giữa bao xung động, chính là cảm giác được trở về bên người vợ
thương yêu, bà công chúa Huy Ninh, giờ chỉ còn hiện diện trong bức tượng đá trắng với tư thế an nhiên, tĩnh tại.
Hồ Nguyên Trừng lấy quận chúa Quỳnh Hoa - con gái của một người thuộc phái bảo hoàng, lại trở thành tri ân tri kỉ với thượng tướng Trần Khát Chân - thủ túc thân tín và là cột trụ sức mạnh của các vương triều nhà Trần nên ở nhân vật này cũng bị đặt vào những xung đột nội tâm căng thẳng, nhiều mâu thuẫn. Ông vừa tôn thờ, yêu kính cha mình, lại vừa không đồng tình với những cải cách táo bạo, dồn dập của thái sư. Ông thừa lệnh cha, đốc thúc xây dựng thành nhà Hồ ở Tây Đô nhưng trong lòng vẫn vương vấn không dứt mối tình với Thanh Mai. Nguyên Trừng vừa muốn sống một cuộc đời trần gian với Thanh Mai, cuối cùng lựa chọn của ông là sự ra đi, lặng lẽ theo tiếng trống đang rung lên từng hồi.
Ngoài ra, những xung đột về quyền lực ở nhân vật như Trần Khát Chân, Phạm Sinh, Sử Văn Hoa cũng được chuyển hóa trong những xung đột nội tâm, tuy không gay gắt và trực diện, nhưng cũng góp phần thể hiện đời sống phức tạp của bộ phận nhân vật này. Về Hồ Quý Ly, Phạm Sinh đã không ít lần nghi hoặc: “Ông ta là một người tài giỏi ư?... Một kẻ bất trắc ư? Hay một hôn quân, bạo chúa ngày mai? Phải ủng hộ ông ta hay phải tiêu diệt ông ta?”
Trong Đội gạo lên chùa, tác giả cũng thể hiện những xung đột nội tâm qua
nhân vật chú tiểu An. Là đệ tử được sư cụ Vô Úy thu nhận trong những ngày đen tối khi cha mẹ bị giặc giết, An thấu hiểu công đức của sư cụ và nhà chùa với hai chị em. Nhưng trong tâm hồn non nớt của An đã có những giây phút nhìn lại mình và tự nhận thấy luôn có hai con người tồn tại. Một con người ngoan ngoãn, khuôn phép theo giáo lí nhà Phật. Một con người hoang dã sống giữa dân gian. Thậm chí, chú tiểu An còn tự nhận: “Dù hoàn toàn không muốn, nhưng đã có những lần tôi đấu tranh với kẻ khác; trong những lần ấy kẻ khác làm tôi đau đớn nhưng chắc chắn tôi gây tổn thương cho kẻ khác không phải nhỏ. Nghĩa là cái
chất phàm phu trong tôi còn rất nhiều…” [3; tr.106, 107]. Trong những ngày tháng đau khổ vì sư cụ bị giam cầm, tra tấn trong nhà giam của P.C huyện, tâm hồn chú tiểu An vẫn không tránh khỏi những xung đột khi lòng hận thù trỗi dậy, quấn chặt vào đầu óc chú, khiến đôi mắt đỏ ngầu, đôi bàn tay nắm chặt, và chú khóc đầm đìa.
Nhân vật mang xung đột nội tâm trong tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh, thực chất là sự thể hiện những mâu thuẫn trong bề sâu tư tưởng, giữa khát vọng và thực tế, giữa quyền lực và giá trị niềm tin của con người.
Tiểu kết:
Trong chương 2, chúng tôi đã cố gắng triển khai trọn vẹn phương diện nội dung cơ bản của đề tài, đó là hệ thống các kiểu loại nhân vật trong tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh. Đây là vấn đề cốt lõi, có ảnh hưởng và chi phối đến nghệ thuật trần thuật của tác phẩm. Ở tầm khái quát, chúng tôi đặt nhân vật của tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh trong cái nhìn tương quan với một số kiểu nhân vật khác của tiểu thuyết đương đại Việt Nam. Ở cái nhìn cụ thể và làm việc trực tiếp với văn bản, chúng tôi hệ thống nhân vật tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh ở hai dạng thức chính: Kiểu nhân vật luận đề - lập trường tư tưởng và Kiểu nhân vật tính cách - số phận. Cố nhiên, thao tác lựa chọn và khu biệt kiểu nhân vật trong một giới hạn như vậy chỉ là tương đối, đặc biệt là với một thế giới nhân vật phong phú, đông đúc như tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh. Thông qua việc tìm hiểu các điểm đặc trưng nhất ở từng kiểu nhân vật, người viết mong muốn nhận diện rõ nét hơn quan niệm nghệ thuật về con người (đặc biệt là con người tồn tại trong lịch sử) của nhà văn. Đó cũng là cơ sở bước đầu để khái quát phong cách tác giả.