6. Kếtcấu Luận văn
2.2.3. Nhân vật người trí thức mang tâm hồn nghệ sĩ
Như trên đã trình bày, dạng thức nhân vật người trí thức mang hoài bão của kẻ sĩ trước những biến động của lịch sử dân tộc là một thế giới sống động và
đa dạng trong tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh. Nhưng ngay khi tìm hiểu về nghệ thuật xây dựng kiểu nhân vật này, chúng tôi cũng thấy rõ, tác giả dành một phần bút lực miêu tả chân dung người trí thức thời đại như là những con người nghệ sĩ tài hoa, say đắm.
Điển hình cho kiểu nhân vật này là Hồ Nguyên Trừng, thượng tướng Trần
Khát Chân, Phạm Sinh… trong tiểu thuyết Hồ Quý Ly; viên quan tây đồn điền
Philippe Messmer, Pierre Messmer, thiếu tá Henri Rivière… trong tiểu thuyết
Mẫu thượng ngàn. Hồ Nguyên Trừng là nhân vật giữ vai trò người kể chuyện
trong phần lớn các chương tiểu thuyết Hồ Quý Ly, ngay trong chương II, Hồ
Nguyên Trừng cũng là người phát ngôn ngôi thứ nhất, nhân vật xưng “tôi”. Vì thế, cách nhìn nhận và đánh giá của Nguyên Trừng đối với các nhân vật khác như: Hồ Quý Ly, Trần Khát Chân, Hồ Hán Thương, ông vua già Nghệ Tôn… gắn liền với cái nhìn của cả kẻ trong và ngoài cuộc. Tính cách của Nguyên Trừng hiện lên đa dạng, vừa thống nhất, vừa mâu thuẫn. Mâu thuẫn căn bản ở chỗ Hồ Nguyên Trừng là người tâm phúc của cha mình, thái sư Hồ Quý Ly, nhưng đồng thời cũng là bậc tri ân tri kỉ với thượng tướng Trần Khát Chân - một tôn thất nhà Trần chống lại Hồ Quý Ly. Ở tư cách và mối quan hệ thứ hai cũng như xuyên suốt cả tác phẩm, dẫu đặt trong nhiều biến cố tao đoạn, Hồ Nguyên Trừng vẫn hiện lên rõ ràng là con người trí thức hào hoa, lãng mạn.
Nhân vật Hồ Nguyên Trừng khoác lên mình phong thái ưu tư, cẩn trọng. Nét ưu tư không chỉ biểu lộ bên ngoài, mà nó ẩn sâu trong cách nhìn của Nguyên Trừng với cuộc sống chốn cung đình. Ông nhận ra đó là một sân khấu quyền quý và giả dối, luôn ngờ vực và giành giật lẫn nhau. Bắt đầu từ cuộc hôn nhân của Hồ Nguyên Trừng với Quỳnh Hoa - con gái của quan thái bảo Trần Nguyên Hàng, tính cách nghệ sĩ, tâm hồn tinh tế, nhạy cảm trong con người Nguyên Trừng đã dần dần thức dậy. Nhà văn đã có những trang viết thật đẹp đẽ khi miêu tả hình
bóng đôi nam thanh nữ tú nắm tay nhau bước dưới hàng hòe trong khu trại của ông ngoại Nguyên Trừng trong mùi thơm ngan ngát của hương sen; hay cảnh tượng Nguyên Trừng ôm ấp thân thể người vợ trẻ, gội đầu bằng lá chanh lá sả để nàng toại nguyện trước khi nhắm mắt, cũng khiến người đọc vô cùng xúc động: “Tôi lấy chiếc lược ngà khe khẽ đưa vào mớ tóc. Được tẩm nước, mớ tóc như được chải dầu càng bóng, càng mượt mà, càng mềm. Tôi nhìn vào khuôn mặt hạnh phúc của nàng rồi khẽ mơn man làn da đầu, khẽ vuốt ve vành tai xinh xắn, khẽ kì cọ chiếc cổ ngọc ngà… Tôi khẽ vỗ về Quỳnh Hoa nhắm mắt, môi phảng phất nụ cười. Cứ như thế, trên tay tôi, nàng đã như mơ như tỉnh… Và khuôn mặt nàng cứ đọng lại mãi trong tâm tưởng tôi suốt cuộc đời còn lại.” [1; tr.77, 78]
Hồ Nguyên Trừng và thượng tướng Trần Khát Chân cảm mến tấm lòng của nhau như những bậc liên tài tri kỉ cũng chính từ tâm hồn nghệ sĩ đó. Lạc vào trại Mai của thượng tướng, Nguyên Trừng như say sưa mê mẩn tâm thần. Bữa tiệc đãi khách hôm ấy của Trần Khát Chân là rượu mai, là những quả mai vàng Hương Tích hương thơm nồng nàn, là thứ tiểu mai xanh rờn, nhỏ xíu, là câu thơ ngẫu hứng bên cạnh bức tranh phóng tác một cây mai trên mỏm núi:
“Lạc tới chiêm bao mai một nhánh
Muốn đem tặng bạn, khó vô ngần” [1; tr.215]
Là một người trí thức hành động và hiểu rõ vị thế của mình trên bàn cờ chính trị, nhưng ở Hồ Nguyên Trừng, dường như hiện lên rõ nét hơn cả vẫn là khi nhân vật đắm chìm tâm hồn ngây ngất trong thiên nhiên, trong rượu, trong hoa, và trong cả cuộc tình dân gian với Thanh Mai - con nuôi của thượng tướng.
Nếu thượng tướng Trần Khát Chân là người nghệ sĩ bậc thầy trong khu rừng thiên nhiên thì Hồ Nguyên Trừng lại là người biết thưởng thức và trân trọng thiên nhiên, coi thiên nhiên như một vị thần xứng đáng được chiêm ngưỡng bằng
một nghi lễ: “Không ai bảo ai, cả thượng tướng cả tôi đều sửa khăn, sửa áo, sửa cả tư thế ngồi trên chiếu cho thoải mái, cho tề chỉnh. Một lễ nghi để đón hồn hoa… Một lễ nghi để ngắm hoa…” [1; tr.327]. Cũng trong đêm thưởng thức hương lan mảnh mai, vương giả, Hồ Nguyên Trừng đã gặp người con gái định mệnh của đời mình: kì nữ tài sắc Thanh Mai. Cô gái đã dẫn dắt tâm hồn Nguyên Trừng miên man theo tiếng đàn và giật mình vì “Chưa một lần nào trong đời, đã có người hiểu tiếng đàn của tôi đến thế” [1; tr.331]. Cuộc hôn nhân ngắn ngủi đầu tiên với Quỳnh Hoa khiến Hồ Nguyên Trừng sống trong ảo ảnh suốt thời gian dài thì đêm định mệnh gặp Thanh Mai đã đánh thức trái tim lịm tắt của người đàn ông và quả quyết rằng: “Đây chính là người đàn bà của ta”. Hình bóng Thanh Mai ám ảnh Hồ Nguyên Trừng suốt ngày đêm, ông như phát điên khi nàng khước từ tình cảm của mình. Hồ Nguyên Trừng trong cơn say triền miên và đau khổ cuồng si ấy không giống với chân dung của con trai Hồ Quý Ly, nhưng lại là hình dung chân xác nhất cho tâm hồn một con người luôn khao khát sẻ chia, khao khát trao nhận yêu thương. Cuộc tình của đôi trai tài gái sắc ấy kết tụ ở chốn dân gian, bị bủa vây bằng âm mưu từ nhiều phía, nhưng cho đến cùng, khi trải qua biết bao cay đắng, dù phải lựa chọn cách lặng lẽ đi về phía tiếng trống, Hồ Nguyên Trừng vẫn chấp nhận rời bỏ Thanh Mai để nàng được yên ổn: “Ví dù trời phật cho ta hàng nghìn kiếp người, ví dù ta có may mắn được dự vào cõi cực lạc, thì ta cũng sẵn sàng từ bỏ tất, sẵn sàng dâng một ngàn kiếp của mình để lăn lộn chốn trần ai, cùng gánh chịu vui buồn với thế gian.”[1; tr.834]
Thượng tướng Trần Khát Chân là người anh hùng cứu nước uy nghi, lẫm liệt nhưng cũng là một con người mang đầy đủ phẩm chất của người nghệ sĩ: trân trọng cái Đẹp, cái Tài. Nét mặt rạng rỡ của tướng quân khi được Phạm Sinh dâng kính chiếc chậu gốm vẽ hoa cúc và vẻ băn khoăn, ám ảnh của ba bông hoa cúc
choáng ngợp tâm trí ông để đêm xuống vẫn thao thức, miệng ngâm khẽ bài Hoa
Ào ào gió tây vườn cúc hoa
Nhị tàn hương lạnh bướm khó qua Nếu xuân năm tới ta làm chúa
Lệnh nở hoa đào khắp xứ gần xa [1; tr.598]
Chàng nho sĩ Phạm Sinh là nhân vật hư cấu để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp cho người đọc. Không chỉ có tài viết chữ vẽ tranh, Phạm Sinh còn là người có sức học uyên thâm. Mọi cử chỉ, lời nói của chàng đều từ tốn, nho nhã, đầy cẩn trọng. Mang trong mình mối thù sâu sắc với Quý Ly, người gây ra mọi đau thương trên nước Đại Việt, chứng kiến cái chết thảm khốc của cha - nhà sư nổi loạn Phạm Sư Ôn, nhưng Phạm Sinh không tỏ ra bên ngoài cái tâm thế vội vàng báo thù. Chàng có quan niệm riêng về thời gian mau chậm: “Nhanh chóng sẽ tốt ư? Chậm chạp sẽ hỏng ư? Biết đâu đấy, dòng đời tuy đủng đỉnh nhưng vẫn có cái lí riêng của nó… Ta gánh chịu số phận riêng mình bởi vì ta đã từng gieo mầm ấy…” [1; tr.607]. Bức họa đôi chim xòe cánh trong veo dưới những cành trúc đen Phạm Sinh dâng tặng bà công chúa Huy Ninh, nhìn kĩ mới thấy xếp thành hai dòng chữ: Thiên Thụ Quế - Nhất Chi Mai gợi lên vẻ đẹp tâm hồn của tác giả, một chàng trai thực tài và thực tâm. Cả những rung cảm của Phạm Sinh trước bức tượng đá trắng, tạc bà công chúa Huy Ninh cũng cho thấy ở con người này, từ sâu thẳm ý nghĩ luôn sáng lên vẻ đẹp thuần khiết: “Gương mặt bà phải tỏa ra bao la rộng rãi… dưới ánh mắt của bà, người thiện cũng như người ác đều được ân huệ, ví như một bóng mát bao la giữa mênh mông nắng. Người tốt thấy mình tốt hơn. Người xấu không thấy xấu hổ và chợt lóe nhìn thấy ánh sáng vơi nhẹ. Nghĩa là ta cảm thấy an lành.” [1; tr.624]
Trong tiểu thuyết Mẫu thượng ngàn, bên cạnh số lượng nhân vật đông
công hình ảnh một số nhân vật trí thức phương Tây “kẻ đi chinh phục” nhưng mang tâm hồn nghệ sĩ, lãng mạn.
Thiếu tá Henri Rivère là nhân vật chỉ xuất hiện thoáng qua trong chương II. Không nhiều đoạn miêu tả cặn kẽ nhưng tác giả cũng giúp người đọc có những hình dung về con người này. Hội tụ ở nhà quân sự này là nhà sử học, nhà tiểu thuyết, và còn là nhà thơ nên Henri Rivère trở thành một nhà chính trị tinh tế. Tâm hồn Henri Rivère giống như một nghệ sĩ hơn là một binh sĩ. Bằng chứng là trong thời gian ở Bắc Kỳ, ông viết một tập truyện ngắn có tên Édith, một cuốn tiểu thuyết dang dở có tên là “Đồi bại” trong một căn nhà xinh xắn, xung quanh có hàng hiên rộng với khu vườn hoa trúc đào nở hồng, hoa cau trắng thơm ngát, hoa xương rồng vàng ươm. Henri Rivère yêu mến vẻ đẹp của xứ kinh kỳ nên rất thích chiếc hộp khảm trai có hình ảnh đậm đặc chất An Nam: một khóm trúc, một dòng sông, một con thuyền, thường tấm tắc khen: “Người An Nam lạc hậu đến thế mà lại có một tâm hồn tinh tế đến thế…” [2; tr.100]
Anh em chủ đồn điền Messmer có ba người: Philippe Messmer, Pierre Messmer và Julien Messmer. Nếu Julien là một tên bạo chúa đặc chủng thì Philippe và Pierre lại được miêu tả như những nhân vật mang khát vọng của dân tộc văn minh: đi khai hóa cho xứ sở An Nam bằng một tâm hồn nghệ sĩ, yêu thích văn hóa bản địa. Miêu tả thế giới nội tâm của các nhân vật này, nhà văn để họ tự trải lòng về con người mình, một cách rất thành thực. Đó là tâm sự của Pierre: “Tôi là một nhà thám hiểm bất đắc dĩ, có lúc tưởng mình là nhà văn, nhưng cũng là loại nhà văn bất đắc dĩ, rồi còn là nhà họa sĩ bất đắc dĩ…” [2; tr.175]. Trong tưởng tượng của Pierre, Đông Dương là một đóa hoa thuộc địa chan chứa mơ mộng và lãng mạn thế nên, anh đặt chân đến mảnh đất này không với tâm thức của nhà thuộc địa. Mục đích kiếm tìm của anh là kiếm tìm cái đẹp của nắng, của gió, của xứ sở nguyên thủy hoang sơ. Trong những ngày khảo sát
cùng đoàn địa chất, Pierre đặt chân lên nhiều cánh rừng, đến nhà mồ, nơi chôn những cái xác không đầu và trong anh dấy lên niềm thương cảm cho những người dân hiền lành chất phác nơi đây. Cũng chính anh bị mũi tên độc của người bản xứ bắn vào trở thành kẻ ngây dại, đầu óc như trên cung trăng. Pierre may mắn được ông hộ Hiếu chữa khỏi bệnh bằng bài thuốc kì lạ, thứ nước lá bùa đen sì đã cứu một con người thoát chết bằng chính sức mạnh thần bí của xứ sở này. Philippe Messmer là con người hành động. Không có vẻ lãng mạn, tinh tế như người em Pierre, cuộc sống của Philippe ở đồn điền trôi đi cùng những vụ mùa, thu hoạch, tính toán, kết hợp với những vị chức sắc của làng Cổ Đình để giao kết buôn bán, cai quản vùng đất… Thẳm sâu trong con người này là nỗi cô đơn không dễ gì chia sẻ. Cuộc gặp gỡ với cô Mùi - người đàn bà đem lại cho Philippe dạt dào cảm xúc yêu đương và chiếm đoạt, cuộc hôn nhân kì lạ của hai người khiến Philippe được sống trong những ngày tháng ngây ngất. Cảm nhận của người đàn ông phương Tây về vẻ đẹp và sự quyến rũ của người đàn bà xứ nhiệt đới Đông Dương, là cảm nhận tinh tế, ảo diệu, hắt lên từ ánh sáng của sự khác biệt trong cuộc giao hoan: “Chính lúc ấy, toàn thân nàng bỗng như một đóa hoa đêm; nó tỏa ngát hương, thứ hương kì lạ mà khi trước hắn chỉ cảm thấy rất mơ hồ, không xác định nổi. Lúc này, mùi hương bỗng nổi dậy, ngút ngát, sực nức. Thứ hương vừa thơm hăng hắc, vừa ngai ngái nồng nàn, thứ hương chẳng thấy ở một loài hoa nào nhưng rất ngây ngất dễ chịu… chắc là thứ hương tình ái phương Đông.” [2; tr.384].
Miêu tả đời sống của những nhân vật người trí thức mang tâm hồn nghệ sĩ, Nguyễn Xuân Khánh muốn khẳng định sức mạnh kì diệu của vẻ đẹp văn hóa dân tộc dường như có khả năng thâm nhập vào bản năng của mỗi con người, dù là kẻ sĩ đứng ở bên bờ những ranh giới thù địch, dù là kẻ đi xâm chiếm, áp chế thì đứng ở phương diện tâm hồn, họ vẫn tìm thấy những mối đồng cảm sâu nặng, đồng cảm trong tình yêu, trong cái Đẹp.