6. Kếtcấu Luận văn
2.3.2. Nhân vật mang ẩn ức và cách biệt văn hóa
Trong cuộc va chạm khốc liệt của lịch sử, sự xuất hiện của những con người mang ẩn ức và dị biệt về văn hóa là điều dễ hiểu. Đặt trong bối cảnh tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh, ở thời điểm xã hội Việt Nam đứng trước nhiều lựa chọn và đụng độ văn hóa như giai đoạn cuối thế kỉ XIX đến nửa đầu thế kỉ XX, chúng ta thấy những nhân vật như chủ đồn điền Philippe Messmer, nhà dân tộc học René, Pierre Messmer, Tây lùn Bernard là một thế giới con người luôn hoài nghi và mang trong lòng nhiều ẩn ức…
Trong cuộc đối thoại giữa nhà dân tộc học René và Pierre về sức mạnh của phương Đông kì bí mà họ đang khám phá và trải nghiệm, René bày tỏ những suy tư của mình, rằng anh ta đến xứ sở này không để khai hóa, mà để làm giàu kiến thức, để học tính khiêm nhường, lễ độ, học sự cam chịu bởi: “Chúng ta phải biết cái thân phận nhỏ bé của mình. Sự cam chịu như chiếc áo khoác tàng hình, che
đậy cái bên trong tiềm tàng bùng nổ dữ dội.” [2; tr.190]. Họ có những cảm nhận riêng về hồn Đất, về sức mạnh linh thiêng và kí bí ở xứ sở này. Vẫn là nhà dân tộc học René, dưới góc nhìn của mình đã khẳng định: “Đất cũng có hồn, đó là Hồn Đất… Sẽ có ngày hồn đất quyết sẽ trả thù…” Còn chủ đồn điền Philippe Messmer, nỗi cô đơn của con người này lại biến thành mặc cảm tự ti trước người đàn bà Việt, rộng hơn cả là trước văn hóa bản địa đang từng ngày từng giờ hấp dẫn ông bằng cái ma lực của nó. Đó là những đêm truy hoan của Philippe Messmer với những người đàn bà mà với ông, là cả một niềm yêu thích xen lẫn mặc cảm: “Thân hình mềm và mượt của họ xoắn xuýt lấy cái xác to lớn và vụng về của hắn trên giường đôi lúc còn gây cho hắn cái cảm giác tự ti. Có lúc hắn còn tự nhận xét: người đàn bà ngày xưa gọi hắn là đồ ngựa chắc gì đã đúng.” [2; tr.344]. Người đàn bà Bắc Kỳ phức tạp nhưng hấp dẫn mê hồn, song với những người phương Tây như Philippe, ông ta vẫn kì thị hàm răng đen nhánh của họ. Cả sự kì thị khi Philippe chứng kiến cảnh cô Mùi hầu đồng cũng khiến ông ta khó chịu. Văn minh phương Tây của Philippe không tài nào lí giải được vì sao các me Tây lại thích ngồi đồng và trong ánh sáng của điện thờ thánh, cô Mùi trở thành một người khác hẳn: “Một con người thứ hai trong cô chăng? Khi ấy cô mới thực sự là cô chăng? Đó là con người bí ẩn trong cô vẫn được che giấu chăng?... Philippe cố dùng lí trí để suy xét. Phải chăng đây là sự khác biệt văn hóa. Có phải đây là một tập tục nguyên thủy? Hay là một cung cách đối kháng?” [2; tr.373, 374].
Ở nhân vật viên phòng nhì Bernard mà dân làng Sọ thường gọi là Tây lùn
trong tiểu thuyết Đội gạo lên chùa, những ẩn ức và cách biệt văn hóa còn đậm
nét hơn. Mang trong mình dòng máu pha trộn giữa bà mẹ Việt với viên quan Tây người Pháp, Bernard gây ấn tượng với vẻ ngoài đặc biệt: “Lùn, có bộ tóc rậm, đen nhánh. Da trắng, mũi lõ, mắt xanh. Đôi mắt xanh khá đẹp, lại hơi nữ tính một chút, đôi mắt mơ màng xanh lơ, đôi mắt hoai dài với hàng mi dài.” [3;tr.14]
Nguyễn Xuân Khánh đã dành trọn vẹn sự quan tâm cho nhân vật Tây lai Bernard trong toàn bộ chương 3 (phần I). Mối tình Pháp Việt giữa bà Lê Thị Thu, một cô gái quê có nhan sắc với chuẩn úy Jean Martinot đã đơm hoa kết trái và sinh ra Bernard Martinot. Đứa trẻ lai sống với những đứa trẻ thuần Việt, nói tiếng Việt, ăn cơm bằng đũa, chén thịt chó mắm tôm nhưng trong tâm hồn của Bernard luôn chất đầy sự hoài nghi về thân phận mình. Trở thành trung úy phòng nhì P.C huyện, Bernard quyết tâm thanh lọc và gột rửa dần dần dòng máu thấp hèn của xứ da vàng để trở nên cao quý, cũng chẳng ngần ngại đối xử với người Việt bằng những trò cực hình dã man. Cái nhìn của hắn về chiến tranh Việt Nam chính xác là cái nhìn của một kẻ đi xâm chiếm, tàn độc: “Ở đây không có mặt trận, chiến tranh xảy ra ở mọi lúc mọi nơi, ở đây không có những chiến binh. Một người đàn bà, một đứa trẻ ngây thơ đều có thể giết chúng ta… Trong cuộc chiến tranh này, kẻ nào nhân đạo, kẻ ấy tự sát.” [3; tr.44, 45]. Cuộc tình chóng vánh của Bernard với cô Mận, con gái ông chánh ở cạnh nhà Lý Cẩm đã đem đến cho hắn niềm hạnh phúc ngắn ngủi, niềm hạnh phúc của kẻ chiếm đoạt. Vì thế, cái đêm hắn trốn chạy khỏi quê ngoại cũng là lúc hắn nhen nhóm mối hận thứ nhất với xứ sở này, mối hận của một ông chủ bị đổi ngôi. Nỗi hận thứ hai bùng lên khi cả ông cậu Lý Cẩm và bà Thu, hai người ruột thịt của hắn chết. Ở Tây lùn Bernard, những ẩn ức về nguồn gốc, dòng máu, về những tổn thương sâu kín trong tâm hồn và sự cách biệt cội rễ văn hóa đã biến hắn trở thành con người tàn độc với chính đồng loại, luôn chất vấn chính mình bằng những câu hỏi: “Đáng lẽ ra tôi là người bình thường đấy chứ. Nhưng ai đã phản bội tôi. Ai đã giết cậu tôi, đẩy mẹ tôi đến chỗ chết. Ai đã cư xử với tôi như một kẻ hạ đẳng…” [3; tr.67,68]. Sự hung tợn của Tây lùn được giải thích rằng: “Khi một người lính đi xâm chiếm phối kết với người đàn bà thuộc địa, đứa con sinh ra sẽ là một bãi chiến trường” [3; tr.70]
Nhưng không chỉ có sự thù hằn với dòng máu da vàng, ở Bernard còn là bi kịch của một con người mang hai dòng máu, mà không bên nào thuần túy bên nào. Nỗi mặc cảm lớn dần lên, khi hắn vừa không muốn mình giống lũ người Việt tầm thường, lại vừa thấy mình không phải người Pháp thuần chủng. Hắn có chút ghen tị, đố kị với đại úy Thalan: “Ở ông ta toát ra những nét quý phái, ngây thơ, lí tưởng… những nét mà hắn có học hàng chục năm cũng không có được, hay nói cho đúng hơn, hắn thèm khát những điều đó, nhưng những điều đó lại từ trong máu toát ra, mà máu hắn lại là máu của kẻ tạp chủng” [3; tr.71]
Miêu tả những nhân vật mang ẩn ức và cách biệt trong tâm hồn về văn hóa, về tư tưởng, Nguyễn Xuân Khánh muốn khẳng định thực tế của cuộc va chạm văn hóa Pháp - Việt trong suốt mấy chục năm đầu thế kỉ XX đã gây ra những sang chấn tinh thần không gì bù đắp được trong tâm hồn con người. Trên tất cả, nhà văn khẳng định sức sống vĩnh hằng của bản sắc văn hóa dân tộc, cái mạch nguồn chảy bên trong tâm hồn người Việt vẫn âm thầm tưới mát và làm nên nội lực của chúng ta trong những đối đầu khốc liệt.