Biện pháp 6: Xây dựng quy hoạch, tạo nguồn phát triển độ

Một phần của tài liệu Phát triển đội ngũ giáo viên các trường trung học phổ thông Thành phố Nam Định theo chuẩn nghề nghiệp (Trang 97)

Quy hoạch, tạo nguồn là quá trình hoạch định, bố trí sắp xếp đội ngũ giáo viên một cách hợp lý, có tầm nhìn xa để đội ngũ đó đáp ứng yêu cầu trước mắt và lâu dài của sự nghiệp giáo dục cũng như sự phát triển của nhà trường. Quy hoạch giúp cho đội ngũ giáo viên của trường đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, chuẩn về trình độ; đồng thời đội ngũ đó có đủ những phẩm chất và năng lực đáp ứng được yêu cầu của sự nghiệp giáo dục và đào tạo.

3.2.6.1. Mục đích của biện pháp

Có được đội ngũ giáo viên đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, loại hình, có năng lực sư phạm đáp ứng yêu cầu phát triển của nhà trường hiện tại và trong tương lai. Chủ động trong công tác sắp xếp, điều chỉnh đội ngũ giáo viên phù hợp với quy mô phát triển của nhà trường trong từng giai đoạn, cho công tác đào tạo và đề bạt cán bộ quản lý.

3.2.6.2. Nội dung của biện pháp

- Xác định xu hướng phát triển nhà trường và nhu cầu tương lai về đội ngũ để khẳng định số lượng giáo viên mà nhà trường cần có; khả năng đảm nhận công việc của giáo viên và yêu cầu năng lực mà giáo viên phải đạt được.

- Xây dựng kế hoạch bồi dưỡng đào tạo để họ đáp ứng được yêu cầu công việc và yêu cầu mới.

- Từ năm học 2012-2013, Sở Giáo dục & Đào tạo Nam Định thực hiện luân chuyển cán bộ quản lý và giáo viên, nhằm điều hòa chất lượng đội ngũ,

nhất là cần tăng cường lực lượng giáo viên nòng cốt, có trình độ chuyên môn tốt cho các trường còn yếu.

3.2.6.3. Cách thức thực hiện biện pháp

- Cán bộ quản lý các nhà trường cần xây dựng được quy trình thực hiện quy hoạch, tạo nguồn đội ngũ giáo viên của trường mình:

+ Nghiên cứu cơ sở lý luận của việc quy hoạch phát triển đội ngũ giáo viên trung học phổ thông.

+ Dựa trên kết quả dự báo về quy hoạch phát triển các trường THCS của thành phố, quy hoạch phát triển trường lớp các trường THPT thành phố của Sở GD&ĐT, cần tính toán số giáo viên cần có trong tương lai, số giáo viên hiện có, số giáo viên có thể nghỉ chế độ hoặc biến động (như thuyên chuyển, điều chuyển…) để xây dựng quy hoạch, tạo nguồn giáo viên trường mình trong thời gian từ nay đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

- Điều tra, phân tích, đánh giá đội ngũ giáo viên các trường THPT thành phố Nam Định về số lượng, cơ cấu theo đối tượng:

+ Cán bộ quản lý: số lượng hiện tại và dự báo trong tương lai.

+ Tổ trưởng, giáo viên giỏi các cấp: về trình độ, năng lực chuyên môn nghiệp vụ, năng lực quản lý…

- Đánh giá, phân loại đội ngũ giáo viên theo yêu cầu quy hoạch, tạo nguồn. Việc đánh giá, phân loại cần đảm bảo đúng quy trình, phát huy tính dân chủ. Coi trọng khâu tự đánh giá của giáo viên và ý kiến của nhà trường nơi đội ngũ giáo viên này công tác.

- Dự báo nhu cầu đội ngũ giáo viên về số lượng, cơ cấu (độ tuổi, trình độ, năng lực sư phạm) theo chức danh trong từng giai đoạn.

- Xác định và xây dựng nguồn bổ sung đội ngũ giáo viên THPT hàng năm và lâu dài. Các trường THPT cùng với Sở Giáo dục & Đào tạo cần quan tâm nhiều hơn đến công tác hướng nghiệp cho học sinh cuối cấp, tích cực động viên, khuyến khích những học sinh học khá, giỏi dự thi và theo học các trường Đại học Sư phạm, Đại học Giáo dục.

3.2.6.4. Điều kiện thực hiện

Làm tốt công tác dự báo quy hoạch phát triển giáo dục - đào tạo, quy hoạch phát triển đội ngũ giáo viên. Các dự báo phải sát với tình hình thực tế của địa phương, của trường trong từng giai đoạn.

Tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh về quy hoạch đội ngũ giáo viên. Làm tốt công tác tuyển chọn giáo viên hàng năm. Hội đồng tuyển giáo viên của tỉnh, do Sở Giáo dục & Đào tạo làm đầu mối, phối hợp với Sở Nội vụ, căn cứ vào các quy định hiện hành, tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng các tiêu chuẩn, điều kiện, phương thức tuyển giáo viên đảm bảo khoa học, công khai, công bằng, đáp ứng yêu cầu lựa chọn được giáo viên có đủ phẩm chất và năng lực chuyên môn, nghiệp vụ bổ sung giáo viên cho các trường.

Một phần của tài liệu Phát triển đội ngũ giáo viên các trường trung học phổ thông Thành phố Nam Định theo chuẩn nghề nghiệp (Trang 97)