1.3.1.1. Nhiệm vụ của trường trung học phổ thông
Theo điều 3 Điều lệ trường THPT, trường THPT có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:
- Tổ chức giảng dạy, học tập và các hoạt động giáo dục khác của chương trình giáo dục phổ thông.
- Quản lý giáo viên, cán bộ, nhân viên; tham gia tuyển dụng và điều động giáo viên, cán bộ, nhân viên.
- Tuyển sinh và tiếp nhận học sinh, vận động học sinh đến trường, quản lý học sinh theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
- Thực hiện kế hoạch phổ cập giáo dục trong phạm vi cộng đồng.
- Huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực cho hoạt động giáo dục. Phối hợp với gia đình học sinh, tổ chức và cá nhân trong hoạt động giáo dục.
- Quản lý sử dụng và bảo quản cơ sở vật chất, trang thiết bị theo quy định của nhà nước.
- Tổ chức cho giáo viên, nhân viên, học sinh tham gia hoạt động xã hội. - Tự đánh giá chất lượng giáo dục và chịu sự kiểm định chất lượng giáo dục của cơ quan có thẩm quyền kiểm định chất lượng giáo dục.
- Thực hiện các nhiệm vụ quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.
1.3.1.2. Vai trò của trường trung học phổ thông
Vai trò của trường THPT xuất phát từ vai trò, vị trí của ngành học phổ thông trong hệ thống giáo dục nước nhà. Giáo dục phổ thông là ngành học có vai trò quan trọng hàng đầu trong hệ thống giáo dục quốc dân. Giáo dục phổ thông góp phần to lớn trong việc thực hiện nhiệm vụ chiến lược đào tạo con người nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài. Giáo dục phổ thông góp phần quyết định việc hình thành, phát triển nhân cách con người, con người lao động mới phát triển một cách toàn diện, với phương châm là: học để biết, học để làm, học để chung sống, học để làm người và thực hiện triết lý học suốt đời.
Vai trò của trường THPT còn thể hiện ở vị trí, nhiệm vụ cụ thể của nó trong giáo dục phổ thông. Điều 27 Luật Giáo dục khẳng định: “Giáo dục THPT nhằm giúp học sinh củng cố và phát triển những kết quả của giáo dục THCS, hoàn thiện học vấn phổ thông và có những hiểu biết thông thường về kỹ thuật và hướng nghiệp, có điều kiện phát huy năng lực cá nhân để lựa chọn hướng phát triển, tiếp tục học đại học, cao đẳng, trung cấp, học nghề, hoặc đi vào cuộc sống lao động”.