Đội ngũ giáo viên ở trường trung học phổ thông

Một phần của tài liệu Phát triển đội ngũ giáo viên các trường trung học phổ thông Thành phố Nam Định theo chuẩn nghề nghiệp (Trang 30)

1.3.2.1. Nhiệm vụ của đội ngũ giáo viên trường trung học phổ thông

Theo điều 30 và điều 31 của Điều lệ trường THPT, giáo viên trường THPT làm nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục trong nhà trường, gồm: Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng, giáo viên bộ môn, giáo viên làm công tác Đoàn TNCSHCM (bí thư, phó bí thư hoặc trợ lý thanh niên, cố vấn đoàn).

Đặc điểm lao động sư phạm của giáo viên THPT:

- Giáo viên THPT là giáo viên môn học; mỗi giáo viên dạy 1 môn, thực hiện chức năng giáo dục học sinh (nghĩa hẹp) chủ yếu thông qua giảng dạy môn học.

- Đối tượng của giáo viên THPT là học sinh ở lứa tuổi từ 15 đến 18 tuổi nên hoạt động nghề nghiệp của giáo viên THPT đa dạng, phức tạp. Giáo viên phải đạt yêu cầu cao về phẩm chất, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ mới đáp ứng được nhu cầu, trình độ nhận thức đã khá phát triển của học sinh trung học.

- Bối cảnh hiện nay, đòi hỏi giáo viên THPT phải có trình độ tin học, sử dụng được các phương tiện công nghệ thông tin trong dạy học và có trình độ ngoại ngữ mới theo kịp yêu cầu đổi mới nội dung, phương pháp dạy học môn học của mình.

Nhiệm vụ của giáo viên trường trung học: Giáo viên bộ môn có những nhiệm vụ sau:

- Dạy học và giáo dục theo chương trình, kế hoạch giáo dục; soạn bài; thực hành thí nghiệm, kiểm tra, đánh giá theo quy định; vào sổ điểm, ghi học bạ đầy đủ, lên lớp đúng giờ, quản lý học sinh trong các hoạt động giáo dục do nhà trường tổ chức, tham gia các hoạt động của tổ chuyên môn.

- Tham gia công tác phổ cập giáo dục ở địa phương.

- Rèn luyện đạo đức, học tập văn hóa, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ để nâng cao chất lượng, hiệu quả giảng dạy và giáo dục.

- Thực hiện Điều lệ trường trung học; thực hiện nghiêm túc các kế hoạch giáo dục của nhà trường, các quy chế, quy định về giáo dục, giảng dạy, về chức năng, nhiệm vụ của nhà giáo; chịu sự kiểm tra trực tiếp của Hiệu trưởng và các cấp quản lý giáo dục.

- Giữ gìn phẩm chất, danh dự, uy tín của nhà giáo, gương mẫu trước học sinh, thương yêu, tôn trọng học sinh, đối xử công bằng với học sinh, bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của học sinh, đoàn kết, giúp đỡ đồng nghiệp. - Phối hợp với giáo viên chủ nhiệm, các giáo viên khác, gia đình học sinh, Đoàn TNCSHCM trong dạy học và giáo dục học sinh.

- Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật.

Giáo viên chủ nhiệm, ngoài các nhiệm vụ trên còn có những nhiệm vụ sau đây:

- Tìm hiểu và nắm vững học sinh trong lớp về mọi mặt để có biện pháp tổ chức giáo dục sát đối tượng, nhằm thúc đẩy sự tiến bộ của cả lớp.

- Cộng tác chặt chẽ với gia đình học sinh, chủ động phối hợp với các giáo viên bộ môn, Đoàn TNCSHCM, các tổ chức xã hội có liên quan trong hoạt động giảng dạy và giáo dục học sinh của lớp mình chủ nhiệm.

- Nhận xét đánh giá và xếp loại học sinh cuối kỳ và cuối năm, đề nghị khen thưởng và kỷ luật học sinh, đề nghị danh sách học sinh được lên lớp thẳng, phải kiểm tra lại, phải rèn luyện thêm về hạnh kiểm trong kỳ nghỉ hè, phải ở lại lớp, hoàn chỉnh việc ghi vào sổ điểm, học bạ học sinh.

- Báo cáo thường kỳ hoặc đột xuất về tình hình của lớp với Hiệu trưởng.

Giáo viên làm công tác Đoàn TNCSHCM là giáo viên THPT được bồi dưỡng về công tác Đoàn TNCSHCM, có nhiệm vụ tổ chức các hoạt động của Đoàn ở nhà trường và tham gia các hoạt động với địa phương.

1.3.2.2. Vị trí, vai trò của đội ngũ giáo viên trường THPT

Cũng như giáo viên các cấp học, ngành học khác, giáo viên THPT có vai trò quyết định chất lượng giáo dục đồng thời quyết định sự thành bại của sự nghiệp giáo dục và đào tạo.

Giáo viên THPT vừa là người chuyển giao kiến thức và bồi dưỡng nhân cách cho học sinh để học sinh hoàn thiện học vấn phổ thông và có những hiểu biết thông thường về kỹ thuật và hướng nghiệp, có điều kiện phát huy năng lực cá nhân để lựa chọn hướng phát triển, tiếp tục học đại học, cao đẳng, trung cấp, học nghề… vừa chuẩn bị cho học sinh đi vào cuộc sống lao động.

Để nâng cao chất lượng giáo dục, giáo viên THPT không chỉ đóng vai trò là người truyền đạt tri thức mà phải là người tổ chức, chỉ đạo, hướng dẫn, gợi mở, cố vấn, trọng tài cho các hoạt động học tập tìm tòi, khám phá, giúp học sinh tự lực chiếm lĩnh kiến thức mới và tạo cho họ năng lực đi vào cuộc sống của bản thân sau khi hoàn thành chương trình phổ thông. Trong bối cảnh kỹ thuật công nghệ phát triển nhanh tạo ra sự chuyển dịch định hướng giá trị, giáo viên trước hết phải là nhà giáo dục có năng lực phát triển ở học sinh về cảm xúc, thái độ, hành vi bảo đảm người học làm chủ được và biết ứng dụng hợp lý tri thức học được vào cuộc sống bản thân, gia đình, cộng đồng. Bằng chính nhân cách của mình, giáo viên tác động tích cực đến sự hình thành nhân cách của học sinh. Bởi vậy, cũng như giáo viên các cấp học khác, giáo viên THPT phải là một công dân gương mẫu, có ý thức trách nhiệm xã hội, hăng hái tham gia sự phát triển của cộng đồng. Giáo viên phải có năng lực giải quyết những vấn đề nảy sinh trong thực tiễn dạy học, giáo dục bằng con đường lao động sáng tạo, tổng kết kinh nghiệm, phát huy sáng kiến thực nghiệm sư phạm.

Một phần của tài liệu Phát triển đội ngũ giáo viên các trường trung học phổ thông Thành phố Nam Định theo chuẩn nghề nghiệp (Trang 30)