Biện pháp 1: Xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai áp dụng

Một phần của tài liệu Phát triển đội ngũ giáo viên các trường trung học phổ thông Thành phố Nam Định theo chuẩn nghề nghiệp (Trang 81)

Chuẩn nghề nghiệp giáo viên trung học

3.2.1.1. Mục đích của biện pháp

Xây dựng kế hoạch là một công việc đầu tiên, một trong những biện pháp rất quan trọng của một nhà quản lý (quản lý bằng kế hoạch, bằng dân chủ và pháp chế, bằng công tác thi đua…). Với việc xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện chuẩn nghề nghiệp giáo viên trung học sẽ giúp cho cán bộ quản lý trường học và đội ngũ nhà giáo thấy được lộ trình cần thực hiện và điều kiện để đảm bảo đạt chuẩn nghề nghiệp.

3.2.1.2. Nội dung của biện pháp

Xây dựng kế hoạch phát triển đội ngũ được đặt trong hoàn cảnh cụ thể của từng trường, để từ đó đề ra mục tiêu phù hợp. Việc lập kế hoạch cần có lộ trình cụ thể, gắn với mục tiêu cho từng giai đoạn, từng đối tượng.

Bản kế hoạch phát triển đội ngũ giáo viên phải được xây dựng từ những cơ sở lý luận và thực tiễn; trong đó, các văn bản chỉ đạo của cấp trên về giáo dục đào tạo, về xây dựng đội ngũ nhà giáo là những định hướng quan trọng; các tiêu chuẩn, tiêu chí của bộ chuẩn nghề nghiệp giáo viên trung học là đích phấn đấu và tình hình đội ngũ giáo viên của trường là hiện thực khách quan phải được xem xét cẩn thận. Bản kế hoạch phải thể hiện được mục tiêu phấn đấu của nhà trường, theo từng giai đoạn, có tính đến thực tiễn theo hướng mở

(sự biến động học sinh, kéo theo sự điều chỉnh lực lượng giáo viên; sự điều chuyển giáo viên theo chủ trương của Sở Giáo dục và Đào tạo…). Phần biện pháp và tổ chức thực hiện cần phải cụ thể, nhằm đạt và vượt yêu cầu của bộ tiêu chuẩn. Cần phân công cụ thể cá nhân (giáo viên, lãnh đạo) và tổ chức (nhóm, tổ chuyên môn, giám hiệu, đoàn thể…) chịu trách nhiệm thực hiện. Thời gian triển khai công việc cần rõ ràng, từ thời gian bắt đầu thực hiện đến thời gian kết thúc. Các điều kiện thực hiện cũng cần được tính toán đầy đủ đưa vào kế hoạch (quỹ thời gian, tài chính, cơ sở vật chất, các yếu tố khác…). Cũng cần phải có mục theo dõi thực hiện và điều chỉnh kế hoạch (vì thực tiễn luôn biến động). Phần triển khai cụ thể cần thể hiện theo lịch trình hàng tuần, hàng tháng của năm học (từ tháng 8 năm nay đến tháng 7 năm sau).

Bản kế hoạch phát triển đội ngũ giáo viên cần đảm bảo tính dân chủ và tính pháp lý. Nó phải là một công trình phát huy tốt trí tuệ, tâm huyết và sự đồng thuận của Hội đồng sư phạm khi mọi thành viên đều được tham gia thảo luận, trực tiếp xây dựng bản kế hoạch. Hiệu trưởng nhà trường chịu trách nhiệm khâu cuối cùng, ký và đóng dấu vào bản kế hoạch trước khi ban hành.

3.2.1.3. Cách thức tổ chức thực hiện biện pháp

Xây dựng kế hoạch chuẩn hóa và phát triển đội ngũ là xác định được các điều kiện nguồn lực, để lộ trình thực hiện có tính khả thi.

Kế hoạch sau khi đã hoàn tất được hướng dẫn tới từng giáo viên, thông qua các cuộc họp Hội đồng giáo dục, họp liên tịch và sinh hoạt tổ, nhóm chuyên môn.

Cán bộ quản lý nhà trường hướng dẫn giáo viên căn cứ vào các tiêu chuẩn, tiêu chí của bộ Chuẩn nghề nghiệp đối chiếu, liên hệ với bản thân và tự đánh giá, xếp loại; yêu cầu mỗi giáo viên xác định cho mình một kế hoạch phấn đấu để đạt các tiêu chuẩn, tiêu chí.

3.2.1.4. Điều kiện thực hiện biện pháp

Để thực hiện biện pháp này có hiệu quả cần có đầy đủ tài liệu để giáo viên nghiên cứu.

Nhà quản lý cần nghiên cứu kỹ các văn bản, tổ chức xây dựng kế hoạch cụ thể, có lộ trình cho từng giai đoạn, từng đối tượng để đội ngũ giáo viên phát huy được phẩm chất và khả năng chuyên môn.

Một phần của tài liệu Phát triển đội ngũ giáo viên các trường trung học phổ thông Thành phố Nam Định theo chuẩn nghề nghiệp (Trang 81)