Biện pháp 5: Đảm bảo các điều kiện cho đội ngũ giáo viên phát

Một phần của tài liệu Phát triển đội ngũ giáo viên các trường trung học phổ thông Thành phố Nam Định theo chuẩn nghề nghiệp (Trang 94)

phẩm chất sư phạm và khả năng chuyên môn nghiệp vụ

3.2.5.1. Mục đích của biện pháp

Điều kiện cho đội ngũ giáo viên phát huy phẩm chất sư phạm và khả năng chuyên môn nghiệp vụ là nhân tố quan trọng để phát triển đội ngũ nhà giáo theo Chuẩn nghề nghiệp giáo viên.

Chăm lo những điều kiện vật chất và tinh thần cho giáo viên là những điều kiện không thể thiếu để các nhà giáo yên tâm và có điều kiện để phấn đấu nâng cao trình độ, năng lực. Cán bộ quản lý căn cứ vào hoàn cảnh cụ thể của nhà trường, xác định những điều kiện cần thiết, tạo điều kiện thuận lợi để nhà giáo phát huy năng lực, sở trường. Phải luôn tạo động lực mạnh mẽ để đội ngũ nhà giáo nhiệt tình, tâm huyết với sự nghiệp giáo dục và đào tạo.

3.2.5.2. Nội dung của biện pháp

- Điều kiện về vật chất: Các trường từng bước hoàn thiện cơ sở vật chất kỹ thuật trường học, như: khuôn viên, cảnh quan môi trường giáo dục, trang

thiết bị dạy học, phòng học bộ môn, phòng thí nghiệm - thực hành, thư viện, nhà Công vụ (cho giáo viên ở xa, hoàn cảnh khó khăn); tham mưu cho Sở GD & ĐT, Thành ủy và UBND thành phố có cơ chế, chính sách khuyến khích giáo viên vượt khó, vươn lên dạy giỏi; xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ để có cơ chế khen thưởng giáo viên có thành tích bồi dưỡng học sinh giỏi. Sở Giáo dục & Đào tạo tích cực tham mưu cho Tỉnh có cơ chế hỗ trợ tài chính cho giáo viên đi học sau đại học có bằng thạc sỹ và tiến sỹ.

- Điều kiện về tinh thần: Tạo lập môi trường sư phạm, đoàn kết, thân ái thắm tình đồng nghiệp trong đội ngũ giáo viên. Tổ chức tốt các ngày kỷ niệm, ngày truyền thống của ngành, của trường. Chăm lo các nhu cầu đời sống tinh thần lành mạnh, phong phú của nhà giáo, như: sách, báo, phương tiện thông tin đại chúng, Festival, giao lưu, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm, thi đua, khen thưởng, tham quan du lịch…

Cán bộ quản lý đi sâu tìm hiểu hoàn cảnh gia đình, điều kiện kinh tế và công tác của giáo viên, sẵn sàng giúp đỡ họ khắc phục khó khăn trong cuộc sống để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Bài học thành công của các trường học trong thành phố, nhất là các tập thể “Tiên tiến Xuất sắc” là đã xây dựng được khối đoàn kết “tướng sỹ một lòng”, “trăm người như một”.

3.2.5.3. Cách thức tổ chức thực hiện biện pháp

Căn cứ vào những điều kiện hiện có, đối chiếu với yêu cầu, tiêu chuẩn, tiêu chí của trường chuẩn quốc gia, trường chất lượng cao của tỉnh; các trường trường THPT Nguyễn Khuyến, THPT Ngô Quyền, THPT Nguyễn Huệ xây dựng đề án xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, trường THPT Trần Hưng Đạo xây dựng đề án xây dựng trường trọng điểm chất lượng cao của tỉnh. Các trường lập tờ trình và chuyển đề án, báo cáo về Sở GD&ĐT để Sở GD&ĐT phối hợp với các sở hữu quan tham mưu cho UBND tỉnh có kế hoạch chỉ đạo và đầu tư ngân sách, đất đai, trang thiết bị dạy học phù hợp với yêu cầu của từng trường.

Cùng với sự đầu tư của ngân sách Nhà nước và khoản tài chính do tiết kiệm, các trường cần đầu tư, mua sắm thêm các thiết bị hiện đại, trang bị thêm nhiều đầu sách (nhất là sách nghiên cứu, sách tham khảo), xây dựng thư viện điện tử, đẩy mạnh “văn hóa đọc” trong nhà trường, phù hợp với yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay.

Tạo cơ hội và thực hiện công bằng, bình đẳng cho tất cả giáo viên được hưởng quyền lợi học tập nâng cao trình độ, nhất là với giáo viên giỏi, giáo viên trẻ, giáo viên trong quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng.

Thực hiện nghiêm túc các chế độ, chính sách cho giáo viên theo quy định của Nhà nước, đảm bảo sự công bằng trong thụ hưởng các chế độ, như chế độ: nâng lương, nâng lương sớm, chế độ phụ cấp đứng lớp, chế độ thâm niên, công tác thi đua - khen thưởng...

Tham mưu cho Thành ủy, UBND thành phố có cơ chế, chính sách địa phương khuyến khích giáo viên tích cực rèn luyện, nâng cao chất lượng công tác, như: tham mưu cho UBND thành phố ban hành danh hiệu Nhà giáo ưu tú Thành Nam (cho những nhà giáo và cán bộ quản lý có nhiều thành tích, nhưng chưa được phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú), tổ chức bình xét danh hiệu Nhà giáo ưu tú Thành Nam, đề nghị Thành ủy, UBND thành phố ra quyết định khen tặng, tổ chức trọng thể lễ công bố danh hiệu cao quý này trước giáo viên và học sinh toàn trường.

Thực hiện nghiêm túc, có chất lượng công tác xây dựng quy hoạch cán bộ quản lý trước mắt và lâu dài, theo các văn bản hướng dẫn của Trung ương, của Tỉnh và Sở Giáo dục & Đào tạo.

3.2.5.4. Điều kiện thực hiện biện pháp

Các trường tập trung đầu tư xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật trường học, phục vụ cho công tác dạy học và giáo dục. Đây là công việc quan trọng, vì “tăng cường vật lực cho giáo dục” là 1 trong 5 nhóm giải pháp để thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục - đào tạo [29].

Để làm tốt nhiệm vụ này, các trường cần huy động được các nguồn lực từ sự đầu tư của Trung ương, của Tỉnh và từ công tác “xã hội hóa giáo dục” (các nguồn đầu tư, đóng góp của phụ huynh học sinh, cựu học sinh thành đạt, của các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm) quan tâm tới sự nghiệp giáo dục. Cán bộ quản lý các trường phải không ngừng nâng cao trình độ, năng lực công tác quản lý. Ngoài chữ “tâm”, phải đạt được chữ “tầm”, thì cán bộ quản lý mới đủ năng lực và uy tín thực hiện thành công “xã hội hóa giáo dục”, nhất là tham mưu đúng, trúng cho lãnh đạo các cấp những vấn đề về giáo dục.

Một phần của tài liệu Phát triển đội ngũ giáo viên các trường trung học phổ thông Thành phố Nam Định theo chuẩn nghề nghiệp (Trang 94)