* Chuẩn hóa:
- Chuẩn hóa là những quá trình làm cho các sự vật, đối tượng thuộc phạm trù nhất định (kinh doanh, dịch vụ, sản xuất, giáo dục, y tế, thể thao …)
đáp ứng được các chuẩn đã ban hành trong phạm vi áp dụng và hiệu lực của các chuẩn đó. Chuẩn hóa có chức năng cơ bản là:
+ Định hướng hoạt động quản lý và việc thực hiện các chức năng nhiệm vụ, các biện pháp quản lý khác nhau trên những nguyên tắc nhất quán;
+ Quy cách hoá các sản phẩm, quá trình thực hiện tạo ra sản phẩm (nguồn lực, công nghệ, phương tiện …), làm cho chúng có tính chuẩn mực thống nhất, tức là đưa những sự vật này vào trật tự nhất định;
+ Chuẩn hóa còn có chức năng khuyến khích phát triển, tạo môi trường chính thức ngày càng thích hợp hơn cho phát triển, đồng thời ngày càng hạn chế những nhân tố tự phát, phi chính thức trong phát triển hoặc những nhân tố gây cản trở cho sự phát triển.
- Chuẩn hóa trong giáo dục là những quá trình cần thiết làm cho sự vật, đối tượng trong lĩnh vực giáo dục đáp ứng được các chuẩn đã ban hành và áp dụng chính thức cho giáo dục để tạo thuận lợi hơn cho tiến bộ và phát triển giáo dục. Chuẩn hóa trong giáo dục cũng có những chức năng cơ bản là định hướng quản lí giáo dục, quy cách hóa các sản phẩm, nguồn lực, phương tiện, hoạt động giáo dục, tạo môi trường chính thức cho sự phát triển giáo dục.
- Quá trình của mỗi chu kỳ chuẩn hóa trong giáo dục bao gồm: + Phát triển chuẩn ( xây dựng + điều chỉnh chuẩn);
+ Áp dụng chuẩn (ban hành + thực hiện chuẩn trong thực tế);
+ Quản lý chuẩn hóa (giám sát, đánh giá việc áp dụng chuẩn + đánh giá hiệu lực của chuẩn để phát triển chuẩn cho chu kỳ chuẩn hóa tiếp theo).
1.4.2.1. Quan điểm về tính đồng bộ về số lượng và chất lượng trong việc chuẩn hoá đội ngũ GV
* Về đội ngũ:
- Số lượng giáo viên: Số lượng đội ngũ giáo viên xác định trên cơ sở số lượng học sinh (biên chế theo đơn vị lớp học) và định mức biên chế giáo viên theo quy định của Nhà nước (hiện nay theo Thông tư 35/2006/TTLT –
BGDĐT – BNV ngày 23/8/2006. Trường THPT định mức biên chế là 2,25 giáo viên/lớp).
Khi tính toán số lượng đội ngũ giáo viên của trường THPT cần quan tâm đến một số vấn đề sau:
+ Sự thay đổi quy mô lớp học (sĩ số học sinh/lớp học). Sự thay đổi này sẽ làm ảnh hưởng đến số lượng giáo viên bộ môn. Chẳng hạn, trước đây quy định 50hs/1 lớp, nay quy định không quá 45hs/lớp. Như vậy, với tổng số học sinh cố định thì số lớp sẽ tăng lên và số giáo viên bộ môn sẽ tăng lên.
Người cán bộ quản lý phải căn cứ vào các vấn đề đó và kế hoạch phát triển của nhà trường để tính toán đội ngũ giáo viên đủ về số lượng.
- Cơ cấu đội ngũ giáo viên:
+ Cơ cấu theo chuyên môn: Căn cứ vào số tiết của từng bộ môn trong một tuần, số lớp trong nhà trường để tính toán số giáo viên từng môn học đảm bảo hợp lý giữa các môn không để xảy ra hiện tượng môn thừa, môn thiếu.
+ Cơ cấu theo trình độ đào tạo: Cơ cấu giáo viên THPT theo trình độ đào tạo là sự phân chia giáo viên theo tỉ lệ ở các trình độ đào tạo. Trình độ đào tạo của giáo viên THPT chủ yếu là trình độ ĐH sư phạm, ngoài ra còn cần trình độ đào tạo sau ĐH. Mục tiêu kế hoạch phát triển giáo dục từ nay đến 2015, các trường THPT cần có từ 15 20% giáo viên có trình độ sau ĐH.
Như vậy, đòi hỏi các trường THPT phải xác định một cơ cấu hợp lý về trình độ đào tạo và thực hiện các hoạt động liên quan để đạt cơ cấu đó (ví dụ như việc đào tạo bồi dưỡng để nâng cao trình độ cho giáo viên). Đó cũng là biện pháp để nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên.
+ Cơ cấu theo độ tuổi: việc phân bố giáo viên theo độ tuổi nhằm xác định cơ cấu đội ngũ theo từng nhóm tuổi làm cơ sở để phân tích thực trạng, chiều hướng phát triển của tổ chức, đặc biệt giúp xác định chính xác những biến động về đội ngũ, làm cơ sở cho việc đào tạo, tuyển dụng, bổ sung.
+ Cơ cấu giới tính: Đây cũng là một vấn đề cần quan tâm, bởi vì: trong lĩnh vực giáo dục nói chung và các trường THPT nói riêng, thông thường tỉ lệ giáo viên nữ cao hơn giáo viên nam. Trong khi điều kiện để tham gia đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ, bồi dưỡng thường xuyên, thời gian học tập nghiên cứu cá nhân của giáo viên nữ thường hạn chế hơn giáo viên nam. Đồng thời, thời gian nghỉ công tác do nghỉ chế độ thai sản, con nhỏ, con ốm đau … của nữ chiếm khá nhiều. Đây là những vấn đề tác động không nhỏ đến chất lượng của đội ngũ mà vấn đề này lại phụ thuộc vào cơ cấu giới tính, đòi hỏi người cán bộ quản lý phải quan tâm giải quyết.
1.4.2.2. Quan điểm về chất lượng giáo viên gắn với các tiêu chuẩn liên quan đến hoạt động nghề nghiệp của giáo viên
* Vấn đề Chuẩn nghề nghiệp giáo viên:
Chất lượng của đội ngũ giáo viên gắn với mức độ đạt được các Chuẩn nghề nghiệp của giáo viên thể hiện ở 4 lĩnh vực:
- Phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống.
- Năng lực chuyên môn (là năng lực tìm hiểu đối tượng và môi trường giáo dục; năng lực dạy học; năng lực giáo dục…).
- Năng lực hoạt động chính trị. - Năng lực phát triển nghề nghiệp.
Chuẩn nghề nghiệp giáo viên liên quan trực tiếp đến chất lượng đội ngũ. Giáo viên đạt chuẩn thì chất lượng đội ngũ giáo viên mới được đảm bảo.
Như đã phân tích ở trên, chất lượng giáo viên thể hiện ở 4 lĩnh vực mà 4 lĩnh vực đó cũng chính là các tiêu chuẩn liên quan đến hoạt động nghề nghiệp của giáo viên.
Vì vậy, quản lý, xây dựng và phát triển đội ngũ giáo viên đảm bảo chất lượng giáo dục cần phải bám lấy các tiêu chuẩn, tiêu chí của Chuẩn nghề nghiệp giáo viên để làm căn cứ kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo viên, đồng thời xây dựng mục tiêu và kế hoạch phấn đấu để giáo viên đạt chuẩn.