3.2.3.1. Mục tiêu
Giải đáp cho học sinh những thắc mắc, băn khoăn và tư vấn cho các em hướng giải quyết những khó khăn về học tập, về tâm sinh lý lứa tuổi, về các mối quan hệ trong nhà trường và trong cuộc sống để từ đó các em có các hành vi ứng xử chuẩn mực trong nhà trường, với gia đình và ngoài xã hội.
3.2.3.2. Nội dung
Thành lập, quản lý hoạt động trung tâm tư vấn và duy trì hoạt động ấy một cách có hiệu quả trong việc giáo dục đạo đức cho học sinh nói chung và GDHSCHVLC nói riêng.
3.2.3.3. Cách thức tiến hành
Họp lãnh đạo nhà trường bao gồm có Ban giám hiệu, chủ tịch Công đoàn, bí thư Đoàn trường trao đổi, bàn bạc và quyết định thành lập trung tâm tư vấn học đường
Về nhân sự
Lựa chọn các đồng chí giáo viên có tâm huyết, có kỹ năng sư phạm tốt, có cách giao tiếp chuẩn mực, thuyết phục đảm nhiệm công tác tư vấn, khuyến
khích các giáo viên giảng dạy bộ môn Giáo dục công dân tham gia. Số lượng cán bộ tư vấn từ 2 đến 3 đồng chí. Nhà trường cử một đồng chí làm nhiệm vụ phụ trách chính đi dự các lớp bồi dưỡng, các khóa học về tư vấn học đường theo chủ trương của sở, của ngành và của trường. Về lâu dài, nhà trường cần có một cán bộ tâm lý chuyên nghiệp được đào tạo bài bản, chính quy. Trường cũng cần có sự liên hệ với các trung tâm tư vấn, trung tâm sức khỏe sinh sản trên địa bàn huyện Phù Cừ và tỉnh Hưng Yên để các cán bộ tư vấn của trường có điều kiện trao đổi, học hỏi kiến thức, kinh nghiệm tư vấn.
Về phòng tư vấn
Nhà trường bố trí một phòng độc lập ở vị trí tương đối kín đáo làm phòng tư vấn. Phòng tư vấn được thiết kế, trang trí sạch sẽ, lịch sự, trang nhã để tạo không gian thoải mái, dễ chịu cho học sinh khi đến liên hệ. Trong phòng có sách, báo phù hợp với lứa tuổi học sinh và có tủ kính để đựng tài liệu, hồ sơ, sổ sách.
Nội dung của hoạt động tư vấn
Giải đáp những thắc mắc của học sinh và phụ huynh học sinh về các vấn đề tâm, sinh lí lứa tuổi, về cách xử lí những tình huống , cách ứng xử trong các mối quan hệ và cách tháo gỡ những khó khăn mà các em gặp phải trong cuộc sống và học tập, chia sẻ với học sinh các phương pháp học tập có hiệu quả, cách chọn ngành nghề phù hợp sau khi tốt nghiệp THPT, những kỹ năng sống cần thiết trong cuộc sống hiện đại...
Hình thức hoạt động của trung tâm tư vấn
Trung tâm tư vấn phân công, bố trí cán bộ tư vấn mở cửa và hoạt động vào tất cả các buổi trong tuần đặc biệt là các giờ ra chơi và các buổi chiều mà học sinh không có giờ học chính khóa.
Hình thức tư vấn nên đa dạng, phong phú nhằm thu hút cao nhất sự chia sẻ của các em. Khi các em đến phòng tư vấn, các em sẽ được chia sẻ trực tiếp các vấn đề, thắc mắc của mình với các cán bộ tư vấn. Khi tư vấn, cán bộ
khơi gợi khéo léo, bằng cách chia sẻ hiệu quả để các em có hướng tháo gỡ những khó khăn. Nếu gặp các vấn đề khó giải quyết, cán bộ tư vấn có thể nhờ các chuyên gia chuyên ngành qua mối quan hệ phối kết hợp với trung tâm tư vấn của trường. Điều quan trọng là, cán bộ tư vấn cần tuyệt đối giữ bí mật cho các em về thông tin cá nhân và những điều riêng tư mà các em chia sẻ.
Do ngại ngùng hoặc do điều kiện hoàn cảnh, có thể nhiều học sinh và phụ huynh học sinh không trực tiếp đến phòng tư vấn để chia sẻ, nhờ tháo gỡ nên trung tâm tư vấn cần có trang thông tin điện tư, trang facebook tư vấn, có hòm thư tư vấn và có đường dây điện thoại và chủ động giới thiệu, tuyên truyền để các em học sinh và các bậc phụ huynh trao đổi, chia sẻ. Tổ tư vấn cần có kế hoạch để trả lời kịp thời những thắc mắc của học sinh và phụ huynh.
Tổ Tư vấn tâm lý cần có mạng lưới cộng tác viên là các giáo viên chủ nhiệm, giáo viên làm công tác Đoàn thanh niên, các cán bộ lớp để nắm bắt tình hình nhằm chủ động tư vấn hay tư vấn phòng ngừa; không thụ động chờ học sinh tự đến nhờ tư vấn.
Ngoài việc tư vấn riêng khi học sinh có nhu cầu, Tổ tư vấn tâm lý cần tổ chức các buổi nói chuyện, hội thảo để tư vấn chung cho học sinh (tư vấn truyền thông) và tạo điều kiện để học sinh được đối thoại. Trong quá trình tư vấn trực tiếp cho học sinh, các cán bộ tư vấn cần tập hợp những trường hợp đã tư vấn, tìm ra những vấn đề nổi cộm, là mối quan tâm của nhiều học sinh mà các em đang có nhiều băn khoăn để tổ chức thành buổi trao đổi theo chuyên đề. Trong buổi trao đổi như thế, nếu có điều kiện, trung tâm tư vấn kết hợp với các trung tâm, mời các chuyên gia chuyên ngành về nói chuyện với các em, khuyến khích các em chủ động chia sẻ những những thắc mác của mình về vấn đề đó.
Không chỉ tư vấn cho học sinh mà còn phải tư vấn cho cả cha mẹ học sinh để họ biết cách quản lý con cái và pháthiện sớm những tâm tư, biểu hiện của học sinh thì việc tư vấn cho học sinh mới thực sự hiệu quả. Trong các
buổi họp phụ huynh, các giáo viên chủ nhiệm chủ động cung cấp thông tin và tuyên truyền về hoạt động của trung tâm tư vấn để các bậc phụ huynh có thể liên hệ với trung tâm những lúc có vấn đề cần được tư vấn.
Tổ tư vấn cần phối hợp chặt chẽ với các lực lượng khác trong và ngoài nhà trường khi thấy cần thiết có sự hỗ trợ đặc biệt.
Về việc chỉ đạo của nhà trường
Nhà trường cử một đồng chí trong Ban giám hiệu thường xuyên giám sát, chỉ đạo, kiểm tra hoạt động của trung tâm tư vấn. Hàng tuần, người phụ trách trung tâm tư vấn họp giao ban cùng nhà trường và các giáo viên chủ nhiệm để thông qua những hiện tượng, những vấn đề cần tháo gỡ của học sinh, cùng nhà trường và các thầy cô giáo giúp đỡ các em một cách đồng bộ và hiệu quả.
Vì trong trường THPT, các giáo viên đều phải làm công tác giảng dạy theo đúng chuyên môn được đào tạo nên đảm nhiệm các công việc khác đều dưới hình thức kiêm nghiệm. Nhà trường cần có chế độ tính giờ làm phù hợp và có chế độ phụ cấp thỏa đáng cho các đồng chí tham gia công tác tư vấn để họ yên tâm làm việc.