1.3.3.1. Khái niệm
Quản lý giáo dục đạo đức: Hiện nay tác giả chưa thấy có một chuyên gia nghiên cứu đạo đức nào đưa ra một khái niệm “Quản lý giáo dục đạo đức”. Thực sự khó tìm được một công trình khoa học nghiên cứu chuyên sâu
về quản lý giáo dục đạo đức cho học sinh ở Việt Nam. Thường các chuyên gia nghiên cứu về giáo dục đạo đức đặt vấn đề giáo dục đạo đức như một mặt của giáo dục toàn diện.
Qua kết quả nghiên cứu về giáo dục đạo đức và quản lý giáo dục đạo đức, ta có thể có khái niệm quản lý giáo dục đạo đức như sau:
Quản lý giáo dục đạo đức là một hoạt động nhằm xây dựng một cơ cấu tổ chức và xác định một cơ chế chỉ đạo phối hợp hoạt động của tất cả các lực lượng trong và ngoài ngành giáo dục (trong và ngoài trường) nhằm thống nhất nhận thức, phát huy và sử dụng hợp lý mọi tiềm năng của xã hội (bao gồm tiềm năng về người, ngân sách, cơ sở vật chất, các giá trị di sản văn hoá và tinh thần…); xây dựng các loại hình hoạt động phù hợp với điều kiện cụ thể để thực hiện mục tiêu giáo dục đạo đức (phát triển nhân cách) đối với các đối tượng xã hội khác nhau (phù hợp với lứa tuổi, phù hợp với ngành nghề và vị thế xã hội).
1.3.3.2. Nội dung quản lý giáo dục đạo đức
Nội dung quản lý giáo dục đạo đức được xây dựng dựa trên bốn chức năng của quản lý nói chung là: Xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện,chỉ đạo và kiểm tra đánh giá giáo dục đạo đức.
Xây dựng kế hoạch quản lý giáo dục đạo đức: Phân tích thực trạng
giáo dục đạo đức trong năm học của ngành, trường, địa phương; xác định điều kiện giáo dục như cơ sở vật chất, tài chính, quỹ thời gian, sự phối hợp với lực lượng giáo dục trong trường và ngoài trường để xác định mục tiêu và các hoạt động đạt mục tiêu trong hoạt động giáo dục đạo đức.
Có ba nội dung chủ yếu của việc xây dựng kế hoạch quản lí giáo dục đạo đức là:
- Xác định hình thành mục tiêu, phương hướng đối với nhà trường về công tác giáo dục đạo đức cho học sinh
- xác định và đảm bảo ( Có tính chắc chắn, có tính cam kết) về các nguồn lực của nhà trường để đạt được những mục tiêu đề ra về công tác giáo dục đạo đức cho học sinh
- Quyết định xem những hoạt động nào là cần thiết để đạt được mục tiêu đã đề ra.
Tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục đạo đức:
Tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục đạo đức học sinh sau khi đã lập xong kế hoạch, đó là lúc cần phải chuyển hóa những ý tưởng thành hiện thực.
Tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục đạo đức cho học sinh là quá trình hình thành nên cấu trúc các quan hệ giữa các thành viên, giữa các bộ phận trong nhà trường để giúp họ thực hiện thành công các kế hoạch và đạt được mục tiêu tổng thể của nhà trường về giáo dục đạo đức cho học sinh. Vì vậy các thành viên và các bộ phận cần được giải thích mục tiêu, yêu cầu của kế hoạch giáo dục đạo đức; thảo luận biện pháp thực hiện kế hoạch; sắp xếp bố trí nhân sự, phân công trách nhiệm quản lý, huy động cơ sở vật chất, kinh tế; định rõ tiến trình, tiến độ thực hiện, thời gian bắt đầu, thời hạn kết thúc.
Tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục đạo đức học sinh cần được tiến hành theo 5 bước như sau:
- Lập danh sách những công việc cần phải hoàn thành để đạt được mục tiêu về giáo dục đạo đức của nhà trường
- Phân chia toàn bộ những công việc thành những nhiệm vụ cụ thể để các thành viên hay các bộ phận trong trường thực hiện một cách thuận lợi và hợp lôgic, có thể gọi đây là bước phân công lao động.
- Kết hợp các nhiệm vụ một cách logic và hiệu quả, nhóm gộp nhiệm vụ cũng như các thành viên như vậy gọi là bước phân chia bộ phận.
- Thiết lập một cơ chế điều phối. Sự liên kết hoạt động của các cá nhân, các nhóm, các bộ phận một cách hợp lý sẽ tạo điều kiện để đạt được mục tiêu một cách dễ dàng và hiệu quả.
Chỉ đạo thực hiện kế hoạch giáo dục đạo đức:
Chỉ đạo là chỉ huy, ra lệnh cho các bộ phận trong nhà trường thực hiện những nhiệm vụ để bảo đảm việc giáo dục đạo đức diễn ra đúng hướng, đúng kế hoạch, tập hợp và phối hợp các lực lượng giáo dục sao cho đạt hiệu quả.
Sau khi kế hoạch giáo dục đạo đức cho học sinh đa được thành lập, cơ cấu bộ máy đã được hình thành, nhân sự đã được tuyển chọn thì phải có sự lãnh đạo, chỉ đạo, dẫn dắt. Lãnh đạo bao hàm việc liên hệ với các cá nhân và động viên họ hoàn thành nhiệm vụ. Việc lãnh đạo không phải chỉ có sau khi lập kế hoạch và tổ chức thực hiện mà nó đã được thấm vào ảnh hưởng quyết định tới hai nội dung trước.
Kiểm tra, đánh giá giáo dục đạo đức:
Kiểm tra, đánh giá giáo dục đạo đức đề cập đến phương pháp và cơ chế được sử dụng để đảm bảo rằng các hoạt động phải được tuân thủ, phù hợp, nhất quán với những kế hoạch, mục tiêu giáo dục đạo đức đã xây dựng. Kiểm tra giúp chúng ta có thông tin phản hồi, xác định được những lệch lạc nếu có để tiến hành những hành động điều chỉnh cần thiết.
Kiểm tra định kỳ, thường xuyên, đột xuất, trực tiếp, hoặc gián tiếp để giúp các cá nhân, bộ phận rõ hơn về những hoạt động của mình, khẳng định được mình, từ đó hoạt động tích cực hơn, tự giác hơn, biết tự điều chỉnh hoạt động của mình cho phù hợp với yêu cầu chung của công tác giáo dục đạo đức của toàn trường.
Kiểm tra, đánh giá giáo dục đạo đức học sinh cần tiến hành theo 4 bước: - Xác định tiêu chuẩn (chuẩn mực) và phương pháp đo lường thành tựu để đảm bảo so sánh chính xác và công bằng giữa thành tựu đạt được với chuẩn mực đặt ra.
- Đo lường thành tựu: Được tiến hành lặp đi lặp lại với tần xuất nhất định tùy theo từng hoạt động và cấp độ quản lí giáo dục đạo đức trong nhà trường.
- Tiến hành những hoạt động uốn nắn, sửa chữa: Nếu phát hiện thấy những sai lệch của thành tựu so với tiêu chuẩn, hoặc thay đổi các tiêu chuẩn nếu chúng không thể thực hiện.