HTX mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật từ đại lý cấp 1, thanh toán bằng tiền mặt từ 30-50%, phần còn lại nợ trong vòng 6 tháng và phải trả lãi theo lãi suất hiện hành của ngân hàng. Phân phối vật tư phân bón và thuốc bảo vệ thực vật bằng 2 kênh:
- Tại cửa hàng bán lẻ của HTX giá bán cao hơn giá gốc 2%, người mua phải thanh toán ngay bằng tiền mặt, số lượng tiêu thụ tại cửa hàng chiếm khoảng 20% sản lượng.
- Phân phối thông qua tổ dịch vụ thường là bán nợ, giá bán cao hơn giá gốc 12%, đến mùa thu hoạch lúa người mua thanh toán qua tổ trưởng tổ dịch vụ, số lượng tiêu thụ qua các tổ dịch chiếm khoảng 80% sản lượng.
Việc cung cấp vật tư phân bón của HTX đã đem lại hiệu quả thiết thực cho xã viên, phục vụ kịp thời, tạo điều kiện cho những hộ nghèo sử dụng dịch vụ đảm bảo chất lượng bằng hình thức mua nợ. Tuy nhiên, do nguồn vốn hạn hẹp, không đủ tiền để thanh toán đủ một lần cho nhà cung cấp. Vì vậy, phải mua vật tư giá cao nên lợi nhuận đem lại từ dịch vụ này là rất thấp (chẳng hạn trong năm 2009 doanh thu 1.050,34 triệu đồng, nhưng lợi nhuận chỉ 5,11 triệu đồng, đạt tỷ suất lợi nhuận/doanh thu 0,49% và tỷ lệ này tiếp tục giảm xuống còn 0,3% năm 2010), nên HTX ít quan tâm để đầu tư nhiều chủng loại, mở rộng thị phần. Qua điều tra các hộ xã viên chỉ có 46% ý kiến cho rằng HTX cung cấp phân bón, thuốc bảo vệ thực vật với giá rẻ hơn so với giá thị trường. Vì phải mua vào với giá cao, khi bán ra không cạnh tranh được với tư thương, dịch vụ này HTX dần dần để mất thị phần, thực tế được chứng minh bằng doanh thu năm 2008 là 1,58 tỷ đồng gấp 1,6 lần doanh thu năm 2011.