Đối với khách hàng cá nhân, cho vay NNNT giúp cung cấp nguồn vốn cho các khách hàng có nhu cầu sử dụng vốn trong hoạt động sản xuất nông nghiệp. Vào đầu các mùa vụ sản xuất, khách hàng thường gặp nhiều khó khăn trong việc huy động vốn để đầu tư sản xuất cho mùa vụ mới hoặc mở rộng quy mô sản xuất vốn có, hoạt động cho vay NNNT đã giải quyết vấn đề này, tạo cơ hội thúc đẩy sản xuất và nâng cao chất lượng sản xuất nông nghiệp tại địa phương.
Đối với ngân hàng, hoạt động cho vay NNNT là hoạt động đem lại lợi nhuận cho ngân hàng, giúp ngân hàng mở rộng thị phần cho vay tới các đối tượng là hộ sản xuất nông nghiệp. Trong bối cảnh cạnh tranh giành thị phần gay gắt giữa các NHTM hiện nay, hoạt động kinh doanh liên quan đến các lĩnh vực bất động sản,
chứng khoán, cho vay tiêu dùng… ngày càng khó khăn thì sự an toàn của khách hàng là hộ sản xuất nông nghiệp cùng với chính sách ưu đãi của Nhà nước đã thu hút sự tham gia của các ngân hàng. Nắm bắt được xu hướng thay đổi này, nhiều NHTM đã thay đổi cơ cấu cho vay, cho vay NNNT dần trở thành đối tượng tiềm năng để khai thác. Phát triển hoạt động cho vay NNNT đối với đối tượng khách hàng cá nhân cũng góp phần làm đa dạng hóa danh mục đầu tư của ngân hàng, góp phần làm giảm rủi ro của ngân hàng.
Đối với nền kinh tế, cho vay NNNT góp phần thúc đẩy tăng trưởng hoạt động sản xuất nông nghiệp tại nhiều địa phương trên cả nước. Đặc biệt đối với những khu vực có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển nông nghiệp, đầu tư vào lĩnh vực này là cơ hội tốt để tận dụng lợi thế địa phương. Mặt khác, việc tài trợ vốn sản xuất cho các đối tượng sản xuất nông nghiệp cũng góp phần làm hạn chế khoảng cách giàu nghèo, ổn định đời sống người nông dân và cân bằng trong các lĩnh vực kinh tế.