Phân tích các chiến lược đề xuất

Một phần của tài liệu hoạch định chiến lược kinh doanh cho công ty cổ phần chế biến lâm thủy sản khánh hòa đến năm 2020 (Trang 85)

3.2.2.1. Nhóm chiến lược S-O

Với ý nghĩa phát huy các điểm mạnh bên trong, tận dụng các cơ hội bên ngoài. Nhóm này gồm 2 chiến lược được đề xuất:

- Chiến lược phát triển thị trường:

Để tăng sức cạnh tranh và thị phần trong khi các đối thủ chính là Trường Thành, Phú Tài có nhiều điểm mạnh hơn, Công ty cần dựa vào các điểm mạnh của mình là: sản phẩm của Công ty có uy tín trên thị trường, thâm nhập được những thị trường có nhiều tiềm năng như Châu Phi, Châu Mỹ, giá cả các sản phẩm phù hợp có tính cạnh tranh cao, tình hình tài chính lành mạnh, diện tích nhà xưởng lớn để mở rộng quy mô sản xuất đồng thời tận dụng những cơ hội bên ngoài như: sự ổn định về chính trị, xã hội, tốc độ tăng trưởng GDP cao, chính sách khuyến khích trồng rừng của nhà nước, xu hướng tiêu dùng phù hợp mục tiêu sản xuất của Công ty, khách hàng tin tưởng và chất lượng sản phẩm, uy tín thương hiệu của Công ty.

- Chiến lược thâm nhập thị trường:

Công ty tận dụng những điểm mạnh và cơ hội của mình về uy tín tại các thị trường lớn như Châu Âu, Châu Mỹ, Châu Phi để tiếp tục thâm nhập tạo chỗ đứng vững chắc tại các thị trường trước đây như: Nhật Bản, Hàn Quốc, …

3.2.2.2. Nhóm chiến lược S-T

Với ý nghĩa tận dụng các điểm mạnh, né tránh các nguy cơ, nhóm này có 02 chiến lược được đề nghị:

- Chiến lược phát triển sản phẩm:

Chiến lược này nhằm mục tiêu nâng cao năng lực nghiên cứu phát triển sản phẩm để tạo ra các sản phẩm mới, cải thiện nâng cao năng suất lao động. Với các nhiệm vụ cụ thể: Bồi dưỡng trình độ chuyên môn cho đội ngũ R&D để nghiên cứu và phát triển ra các sản phẩm mới, đầu tư thêm trang thiết bị máy móc hiện đại, kiểm soát quy trình sản xuất, kiểm soát chất lượng sản phẩm, xây dựng định mức tiêu hao nguyên vật liệu phù hợp. Chiến lược này sẽ tác động trực tiếp đến các chiến lược chức năng khác, góp phần nâng cao năng suất lao động, mở rộng thị trường, nâng cao giá trị thương hiệu thông qua việc tác động trực tiếp đến khách hàng, tạo bước ngoặt mang tính quyết định trong kinh doanh.

- Chiến lược phát triển thương hiệu:

Với chiến lược này Công ty nên tận dụng những điểm mạnh về sự tin cậy của khách hàng về chất lượng sản phẩm, giá cả sản phẩm để củng cố uy tín và phát triển thương hiệu, né tránh các nguy cơ về: đối thủ cạnh tranh nhiều, khác nhau ở các thị trường nên khó khăn trong việc giữ vững thị phần, nhiều công ty khác gia nhập ngành, các sản phẩm đồ nội thất từ tre thay thế cho sản phẩm bằng gỗ…

3.2.2.3. Nhóm chiến lược W-O

Với ý nghĩa khắc phục điểm yếu và tận dụng các cơ hội bên ngoài, có 2 chiến lược trong nhóm được đề xuất là:

- Chiến lược hội nhập dọc về phía trước:

Chiến lược này nhằm mục tiêu củng cố và nâng cao thị phần của công ty trên thị trường bằng các giải pháp mở rộng hệ thống phân phối sản phẩm như thành lập hệ thống đại lý, văn phòng giao dịch… nhằm đưa vào sản đến gần người tiêu dùng hơn. Điểm khác biệt của chiến lược này với chiến lược thâm nhập và mở rộng thị trường là đặt trọng tâm vào việc mở rộng hệ thống phân phối với những sản phẩm hiện có. Tuy nhiên, chiến lược này đòi hỏi khả năng marketing và bán hàng đủ mạnh mới có thể đảm bảo thành công.

- Chiến lược marketing:

Với ý nghĩa khắc phục các điểm yếu bên trong để tận dụng các cơ hội bên ngoài, chiến lược này nhằm nâng cao năng lực marketing. Nội dung cơ bản của chiến lược này là: Thành lập phòng marketing, phân tích thị trường và các phân khúc thị trường sản phẩm, hoạch định các chiến lược kinh doanh, các giải pháp kinh doanh. Thực hiện chiến lược này có nhiều ưu điểm: cung cấp dữ liệu kinh tế phục vụ cho việc ra quyết định của nhà quản trị, góp phần quan trọng mở rộng thị trường, nâng cao thương hiệu.

3.2.2.4. Nhóm chiến lược W-T

Với ý nghĩa khắc phục các điểm yếu, né tránh các nguy cơ, có 2 chiến lược được lựa chọn trong nhóm này là:

- Chiến lược chỉnh đốn để phát triển:

Mục tiêu của chiến lược này là chỉnh đốn điểm yếu của Công ty như chưa có phòng marketing, nhân viên bán hàng chưa thật sự chuyên nghiệp, chi phí cho việc quảng bá giới thiệu sản phẩm còn thấp, trình độ công nghệ sản xuất ở mức trung bình, công tác nghiên cứu sản phẩm gặp nhiều khó khăn…để từ đó tiếp tục và né tránh các nguy cơ gặp phải trong tương lai.

- Chiến lược chuyên môn hóa sản xuất:

Mục tiêu của chiến lược này là nâng cao chất lượng sản phẩm bằng cách tập trung nghiên cứu sản xuất các mặt hàng có thế mạnh và uy tín trên thị trường như các mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ. Nội dung của chiến lược này là đầu tư máy móc thiết bị hiện đại, nhằm nâng cao năng lực sản xuất cũng như chất lượng sản phẩm.

Một phần của tài liệu hoạch định chiến lược kinh doanh cho công ty cổ phần chế biến lâm thủy sản khánh hòa đến năm 2020 (Trang 85)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(137 trang)