Một thực tế hiện nay là Việt Nam chưa có đủ vốn, kỹ thuật và công nghệ để độc lập tiến hành các hoạt động Dầu khí. Các công ty Dầu khí đa quốc gia có vai trò quan trọng trong các hoạt động Dầu khí ở Việt Nam. Từ đây xuất hiện một thách thức với đội ngũ cán bộ Dầu khí là trở thành người làm thuê tại “sân nhà”. Chúng ta mới chỉ đảm nhận được các phần công việc có giá trị gia tăng không cao, hàm lượng chất xám thấp. Thách thức này càng lớn, nếu mức độ phụ thuộc về công nghệ, kỹ thuật, và nhân lực trình độ cao của nước ngoài càng nhiều. yêu cầu làm chủ được kỹ thuật và công nghệ mới là một vấn đề cấp bách hiện nay.
Nền kinh tế thế giới bước vào một giai đoạn phát triển mới: Nền kinh tế tri thức. Các nước công nghiệp phát triển cao tập trung mọi nguồn lực để tạo ra công nghệ và kỹ thuật mới, các hoạt động sản xuất ít tạo ra giá trị gia tăng, các công nghệ lạc hậu được chuyển dần cho các nước đang phát triển và chậm phát triển. Nếu chúng ta có một đội ngũ cán bộ giỏi, đẳng cấp quốc tế thì chúng ta có thể hạn chế được phần nào bất lợi nói trên. Sách lược “đi tắt đón đầu” hoàn toàn có thể áp dụng trong chiến lược khoa học công nghệ và nguồn nhân lực.
Thiếu các chính sách đãi ngộ khuyến khích cán bộ giỏi cống hiến toàn tâm toàn ý cho công việc, trung thành với lợi ích của PVN, sự “hụt hẫng” giữa các thế hệ cán bộ kỹ thuật, chuyên môn nghiệp vụ và quản lý cũng là những thách thức đối với PVN. Nhiều cán bộ trẻ, trình độ cao rời bỏ PVN đi làm cho các nhà thầu Dầu khí ở Việt Nam cũng như ở nước ngoài. Các lao động này đã mang theo kinh nghiệm, kiến thức, kỹ năng được tích lũy trong thời gian công tác ở PVN đến các doanh nghiệp mới và càng tạo ra sự cạnh tranh lớn hơn đối với PVN.